Tại sao các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc muốn nắm lấy metaverse?
Bất chấp sự thận trọng của giới chức trách nhà nước đối với “metaverse”, các công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc vẫn muốn nắm lấy cơ hội khẳng định sự hiện diện trong các cuộc thảo luận toàn cầu về lĩnh vực này.
Theo South China Morning Post, nền tảng phát trực tuyến video và trò chơi Bilibili hôm 17/11 tuyên bố sẵn sàng phát triển metaverse, tham gia cùng với Tencent Holdings và NetEase, hai chủ sở hữu doanh nghiệp trò chơi hàng đầu Trung Quốc, để nói lên sự nhiệt tình đối với khái niệm mới nổi về một siêu vũ trụ ảo.
Cũng trong tháng này, ba hãng viễn thông lớn China Mobile, China Unicom và China Telecom đã hợp tác với một số công ty công nghệ để thành lập Ủy ban Công nghiệp Metaverse, nhóm công nghiệp đầu tiên của Trung Quốc dành riêng cho khái niệm này.
Tuy nhiên, giữa lúc các công ty Trung Quốc hào hứng đón nhận metaverse, thì các phương tiện truyền thông nhà nước liên tục cảnh báo nhà đầu tư không nên tin theo những lời quảng cáo thổi phồng về metaverse. Tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 18/11 coi metaverse là sự điên cuồng của thị trường, nói rằng “mọi người cần giữ lý trí để hiểu được tình trạng hưng phấn hiện tại”.
Tuần trước, tờ Nhật báo Kinh tế (Economic Daily) cũng cảnh báo về khả năng giao dịch đầu cơ đối với cổ phiếu liên quan metaverse. Trong một bài bình luận, tờ báo cho rằng các nhà kinh doanh bán lẻ không nên vội vàng đổ tiền vào một khái niệm “non nớt” như metaverse vì đây là một dự án đòi hỏi sự đầu tư và phát triển lâu dài.
Theo giới phân tích, các công ty công nghệ Trung Quốc đang chạy đua để nắm lấy metaverse vì họ không đủ khả năng để ung dung khởi đầu chậm chạp, chấp đối thủ chạy trước. Serkan Toto, giám đốc điều hành công ty tư vấn Kantan Games có trụ sở tại Tokyo, cho biết phải mất nhiều năm để các công ty xây dựng trải nghiệm metaverse phức tạp, những người khởi đầu muộn sẽ gặp bất lợi khi khái niệm này trở thành xu hướng chủ đạo.
“Các ông lớn công nghệ Trung Quốc không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến metaverse. Thuật ngữ này hiện xuất hiện ở khắp mọi nơi, khiến các công ty chịu áp lực về việc ít nhất phải nhận biết xu hướng và cho thấy họ đã bắt đầu nghĩ về nó”, ông Toto nói.
Theo Bloomberg Intelligence, ngành công nghiệp metaverse được dự báo sẽ đạt giá 800 tỉ USD vào năm 2024. Mối quan tâm của cộng đồng xung quanh metaverse đã tăng lên trong năm nay sau khi Epic Games, nhà phát triển trò chơi sinh tồn Fortnite, lập luận trong vụ kiện chống lại Apple rằng việc yêu cầu các nhà phát triển phải sử dụng hệ thống thanh toán của Apple gây khó khăn cho việc xây dựng trải nghiệm metaverse giống hệt nhau trên các nền tảng khác nhau.
Cũng trong khoảng thời gian đó, nền tảng tạo trò chơi Roblox niêm yết hồi tháng 3.3021 đã biến metaverse trở thành phần cốt lõi trong sứ mệnh của công ty. Tháng trước, sự chú ý về metaverse lên tầm cao mới khi Facebook đổi tên thành Meta để thể hiện cam kết đối với việc xây dựng một siêu vũ trụ ảo. Tiếp theo đó là Microsoft thông báo sẽ biến hệ sinh thái ứng dụng văn phòng thành metaverse.
Theo ông Chenyu Cui, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao về trò chơi tại công ty tư vấn Omdia, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc có thể đã định vị mình theo hướng metaverse trong nhiều tháng, nếu không phải nói là nhiều năm. Tuy nhiên, tuyên bố của Facebook và Microsoft có thể sẽ khuyến khích các hãng công nghệ đại lục đẩy nhanh việc khám phá khái niệm metaverse. “Tencent đã đầu tư vào Roblox. ByteDance đã mua lại công ty thực tế ảo Pico. NetEase đã đầu tư vào mạng xã hội metaverse IMVU và một số trò chơi liên quan. Đây là động thái cho thấy các công ty lớn đang hướng nguồn lực vào khái niệm và xu hướng phổ biến này”, ông Chenyu Cui nói.
Daniel Ahmad, nhà phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu trò chơi điện tử Niko Partners, nói Big Tech Trung Quốc đã chuẩn bị cho metaverse trong một khoảng thời gian không hề ngắn. “Niko Partners tin các trò chơi điện tử hiện có đã được xây dựng theo hướng metaverse trong một vài năm. Các công ty có kinh nghiệm trong phát triển trò chơi điện tử và truyền thông xã hội sẽ lợi thế hơn khi tham gia vào không gian ảo”, ông Ahmad viết.
Theo ông Ahmad, Tencent đang ở vị trí tốt để đảm nhận vai trò hàng đầu trong việc phát triển metaverse kết nối các trò chơi và mạng xã hội của mình. “Tencent đã có bước đầu tư quan trọng vào Epic Games và Roblox. Công ty cũng tăng cường thuê các studio toàn cầu để phát triển trò chơi tập trung vào metaverse”.
Tuy nhiên, quy định của Bắc Kinh được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định loại nội dung và trải nghiệm metaverse mà các công ty ở Trung Quốc có thể kiếm tiền. “Chúng tôi muốn lưu ý rằng Fortnite đã không được chấp thuận phát hành ở Trung Quốc. Một số nội dung trước đây cũng từng gặp phải nhiều vấn đề với quy định của nền tảng, ví dụ Minecraft bị phạt vì đưa nội dung không phù hợp. Do đó, metaverse có thể sẽ phát triển khác biệt ở Trung Quốc so với phần còn lại của thế giới”, ông Ahmad nói./.