Thiết bị đeo người thay đổi cách tập luyện của vận động viên Olympic
Một trong những thiết bị công nghệ phổ biến hơn cả tại đấu trường Olympic những năm qua là các thiết bị đeo trên người (wearable) của các hãng như Fitbit, Garmin, Polar và Apple.
Theo Hãng tin Quartz (Mỹ), một trong những niềm vui thích của khán giả khi xem các cuộc so tài ở thế vận hội là được chứng kiến tốc độ, sức mạnh và sự duyên dáng, dẻo dai của các vận động viên.
Nhìn vào những tiêu chuẩn cao của thế vận hội, không ngạc nhiên khi nhiều huấn luyện viên và vận động viên thời gian qua đã tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ, từ theo dõi chế độ ăn uống cho tới các phương pháp tập luyện mới, giúp họ tối ưu hóa cơ hội thành công.
Công nghệ đeo trên người (wearable technology) đặc biệt hữu dụng khi dùng để theo dõi quá trình tập luyện của vận động viên, nhất là trong bối cảnh nhiều hoạt động huấn luyện thực tế bị hạn chế vì Covid-19.
Có thể hiểu theo cách đơn giản nhất, công nghệ đeo trên người nói tới mọi thiết bị điện tử gắn theo người để đo lường các chỉ số cơ thể hoặc chỉ số vận động liên quan tới hoạt động thể chất như chạy bộ, đạp xe, đi bộ hay bơi.
Chẳng hạn, Giải ngoại hạng Anh đã dùng công nghệ này để theo dõi việc tập luyện từ xa của các cầu thủ trong thời gian Vương quốc Anh phải phong tỏa phòng dịch.
Nhiều thiết bị thuộc công nghệ này hiện đang dùng hệ vi cơ điện tử, kết hợp với các cảm biến để tính toán, đo lường các chỉ số liên quan hoạt động thể chất như nhịp tim, tốc độ, cường độ lực hay khả năng tăng tốc.
Một trong những lợi thế chính của các thiết bị đeo trên người là chúng có giá bán không quá đắt và kích thước đủ nhỏ để có thể gắn trên cơ thể.
Các thiết bị đeo trên người hiện nay mang lại cơ hội mới và hấp dẫn giúp người dùng có thể tự đo lường các khả năng vận động của mình. Nhờ đó các huấn luyện viên và vận động viên có thể đánh giá và điều chỉnh phương án tập luyện trong nhiều bộ môn như chạy, bơi, chèo thuyền...
Một trong những lợi ích dễ thấy nhất của công nghệ đeo trên người là khả năng cung cấp các thông tin trước đây không thể có. Chẳng hạn với các cảm biến dò lực đặt trong giày, pedal xe đạp, người ta sẽ thu được luồng dữ liệu liên tục trong toàn bộ các buổi tập của người đeo.
Tương tự, các huấn luyện viên bóng chuyền cũng có thể dễ dàng theo dõi được số lượt nhảy lên đánh bóng của vận động viên trong một khoảng thời gian nhất định để có phương án phòng ngừa những chấn thương đầu gối, một điều trước đây họ phải dành nhiều giờ đồng hồ để xem lại video các buổi tập để đoán định.
Hay như hiện tại, người ta đang dùng một thiết bị đeo người đơn giản có tích hợp máy đo gia tốc có thể tự động trích xuất thông tin từ vận động viên bơi lội để phòng ngừa chấn thương vai.
Dĩ nhiên, để giúp ích cho vận động viên, dữ liệu thu được ở các thiết bị này cần được đảm bảo vừa chính xác (đo đúng) và đáng tin cậy (được đo liên tục). Bên cạnh đó, dữ liệu thu được cũng cần phải đặt trong ngữ cảnh thích hợp để đánh giá đúng./.