Tắt kết nối Wi-Fi và Bluetooth có thực sự giúp tiết kiệm pin cho iPhone?
VOV.VN - Nhiều người dùng iPhone thường được khuyên tắt các kết nối Wi-Fi, Bluetooth, Data, NFC, GPS và các tùy chọn khác khi không sử dụng để tiết kiệm pin.
Câu hỏi đặt ra là giải pháp này có thực sự giúp tiết kiệm pin trên iPhone? Để tìm hiểu vấn đề này một cách rõ hơn, chúng ta cần đi qua một số phân tích dưới đây.
Trước hết, khi chúng ta tắt Wi-Fi hoặc Bluetooth từ bảng điều khiển (Control Center) của iPhone, chúng chỉ tạm ngừng hoạt động trong 24 giờ. Nếu người dùng đang sử dụng CarPlay hoặc Apple Watch, iPhone vẫn sẽ duy trì kết nối với các thiết bị này. Đặc biệt, khi sử dụng AirDrop, cả Wi-Fi và Bluetooth đều cần hoạt động để gửi và nhận tệp. Do đó, để kiểm tra mức tiêu thụ thực sự của các kết nối này, người dùng cần tắt chúng từ ứng dụng Cài đặt vì việc tắt tạm thời từ bảng điều khiển không mang lại hiệu quả tiết kiệm pin.
Pin iPhone sẽ ra sao khi tắt hoàn toàn Wi-Fi và Bluetooth
Vậy nếu tắt hoàn toàn Wi-Fi và Bluetooth, chúng ta có tiết kiệm pin không? Theo các chuyên gia, điều này có thể đúng trong quá khứ khi các kết nối tiêu tốn nhiều năng lượng hơn. Ngày nay, với công nghệ Bluetooth 5.0 và Bluetooth LE (năng lượng thấp), mức tiêu thụ pin gần như không đáng kể. Ví dụ, AirTag chỉ cần một viên pin nhỏ có thể hoạt động lên đến 1 năm rưỡi. Do đó, việc tắt Bluetooth trên iPhone có thể không mang lại lợi ích tiết kiệm pin nào, và thậm chí có thể tiêu tốn nhiều pin hơn khi người dùng phải truy cập vào cài đặt để tắt nó.
Tương tự, Wi-Fi cũng tiêu tốn rất ít pin khi tìm kiếm kết nối. Tuy nhiên, việc sử dụng dữ liệu di động và phạm vi phủ sóng mạng có thể tiêu tốn pin đáng kể. Nếu người dùng ở nhà và không cần lo lắng đến một cuộc gọi quan trọng, chế độ máy bay có thể giúp cải thiện thời lượng pin.
Tóm lại, việc tắt Wi-Fi và Bluetooth để tiết kiệm pin là một quan niệm lỗi thời. Hãy tận hưởng iPhone với tất cả các tính năng mà nó mang lại thay vì chỉ muốn tiết kiệm một chút pin.