Trên 35% người dùng Internet Việt Nam có khả năng bị tấn công mạng
VOV.VN - Trong số hơn 50 triệu người Việt Nam sử dụng Internet thì có 35,01% người dùng có khả năng bị tấn công.
Theo ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều cơ hội khởi nghiệp sáng tạo; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet. Nhưng ứng dụng trên không gian mạng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại hội thảo "Kinh tế số và Chính sách an ninh mạng Việt Nam" do Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tổ chức ngày 29/3 tại Hà Nội. |
Chính sách an ninh mạng không nhất quán có thể gây tác dụng ngược
Theo bà Ping Kitnikone - Đại sứ Canada tại Việt Nam, chúng ta đang sống ở thời điểm mà mọi người ngày càng phụ thuộc vào các sản phẩm, dịch vụ được cung cấp thông qua Internet. Rõ ràng nền kinh tế số cung cấp rất nhiều lợi ích khác nhau, tuy nhiên nó cũng mang đến nhiều thách thức, rủi ro.
Tại Canada, theo thông tin từ Cơ quan đăng ký Internet của Canada, những cuộc tấn công mạng lớn nhất thường diễn ra vào ban đêm và thậm chí điều này còn phổ biến hơn tại Mỹ. Phòng Thương mại Canada cũng đưa ra báo cáo cho rằng 71% tấn công mạng trong khoảng 2 năm gần đây là nhằm vào các doanh nghiệp.
Bà Ping Kitnikone cho rằng, tiềm năng của kinh tế số rất lớn, do đó Việt Nam cần có những nỗ lực để thúc đẩy, tối ưu hóa nguồn lực này, nhưng đồng thời cũng cần quan tâm đến vấn đề an ninh mạng.
Còn ông Nathaniel Jurist Gleicher - Giám đốc Chính sách an ninh mạng của Facebook - cho biết, an ninh mạng liên quan đến tất cả những người tham gia vào môi trường Internet. Do đó tất cả mọi người phải kết nối chặt chẽ với nhau để giải quyết vấn đề.
"An ninh mạng, trong đó có bảo vệ an toàn thông tin cá nhân sẽ thúc đẩy kinh tế số và các quốc gia phải có chính sách để bảo đảm an ninh mạng trong các thời điểm khác nhau. Một chính sách đảm bảo an ninh mạng hiệu quả phải đảm bảo yếu tố rõ ràng, linh hoạt, nhất quán và hợp tác quốc tế", ông Nathaniel nhấn mạnh.
Đặc biệt là, "một chính sách không rõ ràng, không đáp ứng được kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, thì có thể gây ra tác động ngược. Chính sách rõ ràng cần có mục tiêu và yêu cầu thực hiện cụ thể. Trong đó, để quản lý rủi ro an ninh mạng, một trong những điều kiện quan trọng nhất là hành vi người dùng", ông Nathaniel nêu rõ.
Gia tăng rủi ro
Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho biết, những năm gần đây, rủi ro an ninh, an toàn thông tin đã gia tăng đáng kể trên tất cả các phương diện: các rủi ro mới, số lượng vụ việc và mức độ thiệt hại.
Toàn cảnh hội thảo |
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông chỉ ra rằng, trong số hơn 50 triệu người Việt Nam sử dụng Internet thì có 35,01% người dùng có khả năng bị tấn công, tỷ lệ người dùng dịch vụ ngân hàng điện tử ở Việt Nam bị tấn công mạng là 2,4%.
Điều này cho thấy nhận thức của người sử dụng cũng như của các nhà lập pháp vẫn còn hạn chế về an ninh mạng, an toàn thông tin. Bản thân người sử dụng các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội không nhận thưc được mức độ nguy hiểm của các hành vi tấn công trên mạng, không trang bị các kiến thức cơ bản về việc bảo vệ an toàn các tài khoản cá nhân như tuân thủ các yêu cầu về bảo mật.
"Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tội phạm mạng, hoặc của các hành vi tấn công mạng, đánh cắp hoặc làm sai lệch các thông tin đời tư cá nhân", ông Phạm Quang Đồng nhận định.
Hãng bảo mật Kaspersky cho biết, năm 2017 có trên 35% người dùng Internet Việt Nam có khả năng bị tấn công mạng, xếp thứ 6 thế giới. Số liệu từ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam – VNCERT và Bkav cho hay, trong năm 2017, Internet Việt Nam đã bị đe dọa bởi 10.000 vụ tấn công mạng, gây thất thoát khoảng 12.300 tỉ đồng.
Thế nhưng, nhận thức của người sử dụng Internet và công nghệ tại Việt Nam vẫn tương đối thấp dù Luật An toàn thông tin mạng được thông qua năm 2015 và có hiệu lực năm 2016./.