Tư duy quản lý văn bản giấy làm nghẽn văn bản điện tử
VOV.VN - Quy trình thủ tục hành chính, tư duy quản lý văn bản điện tử như văn bản giấy đang làm kìm hãm, tắc nghẽn sự phát triển của chính phủ điện tử.
Giao dịch điện tử trong các hoạt động của các doan nghiệp, cơ quan nhà nước, xã hội có vai trò hết sức quan trọng và là một hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số trong thời gian tới.
Trong đó, chữ ký số là một trong những loại hình kỹ thuật, công nghệ đảm bảo sự an toàn, bảo mật cao cho giao dịch điện tử. Hiện nay, tại Việt Nam chữ ký số chủ yếu được các doanh nghiệp sử dụng trong các giao dịch như nộp thuế, bảo hiểm, khai hải quan… Trong các cơ quan nhà nước, chữ ký số sử dụng trong các văn bản điện tử, nhất là trong trục liên thông văn bản quốc gia.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại hội nghị. |
Tuy nhiên, sau nhiều năm đưa vào thực tế, sự phát triển cũng như ứng dụng của chữ ký số trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và xã hội vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Tính đến tháng 9/2019, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp gần 200.000 chứng thư số triển khai cho 35 đầu mối Bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Số liệu thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, tính đến 30/6/2019, đã có khoảng 2,7 triệu chứng thư số, trong đó số lượng chứng thư số đang hoạt động là gần 1,2 triệu.
Theo ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc NEAC, so với dân số Việt Nam khoảng 90 triệu dân, số lượng chứng thư số đang hoạt động là quá ít ỏi. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT phải giảm được giá thành bình quân của mỗi chứng thư số. Tuy nhiên để giảm được giá thành cần có thị trường cho chứng thư số hoạt động.
Phát biểu tại hội nghị “Tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội năm 2019” diễn ra hôm nay (11/10) tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, vướng mắc chủ yếu hiện nay trong việc phát triển chứng thư số hay đưa chữ ký số ứng dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống không phải do vấn đề kỹ thuật, mà nằm ở quy trình thủ tục hành chính.
“Tư duy, suy nghĩ hiện nay của không ít cơ quan, các cấp quản lý vẫn còn nhiều hạn chế khi dùng quy trình thủ tục hành chính quản lý văn bản giấy cho văn bản điện tử. Thủ tục hành chính cứ rườm rà vậy thì khó phát triển được chữ ký số”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng cho rằng để có thể thực hiện tốt chính phủ điện tử cần có sự gắn kết giữa công nghệ thông tin với đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ. |
Cùng quan điểm, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng, “việc triển khai chữ ký số vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ, giải quyết nhằm thúc đẩy triển khai chữ ký số rộng rãi và phổ biến hơn nữa”.
Hiện Bộ TT&TT đang xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Thông tư quy định sử dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử, Thông tư về Mobile PKI và ký số từ xa. Cả 3 dự thảo văn bản này đều đang lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương./. Mật mã dân sự - “Viên gạch móng” để xây dựng chính phủ điện tử