Tỷ lệ phần mềm không bản quyền tại Việt Nam giảm 4%
VOV.VN - Vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam ở mức cao so với thế giới là do ý thức chứ không còn là vấn đề nhận thức.
Kết quả Điều tra phần mềm toàn cầu 2018 của Liên minh phần mềm quốc tế (BSA) tại trên 110 quốc gia và nền kinh tế công bố ngày 12/6 cho thấy, tỷ lệ phần mềm không bản quyền được cài đặt trong máy tính cá nhân của Việt Nam là 74%, giảm 4% so với kết quả công bố năm 2016.
Tỷ lệ giá trị thương mại của phần mềm cài đặt trái phép. (Ảnh: BSA). |
Theo bà Sheryl Lee, Cố vấn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Liên minh phần mềm quốc tế (BSA), tỷ lệ phần mềm không bản quyền tại Việt Nam giảm 4% cho thấy sự nỗ lực của cơ quan chức năng, các tổ chức... tại Việt Nam trong việc thúc đẩy thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, số lượng cơ sở bán lẻ máy tính quy mô nhỏ giảm trong khi các nguồn cung cấp phần mềm đáng tin cậy tăng lên. Các lo ngại về an ninh do sử dụng phần mềm không bản quyền khiến một số người tiêu dùng, doanh nghiệp tìm đến phần mềm hợp pháp, ít nhất là các phần mềm an ninh.
Ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, mức giảm 4% nhìn về số học là không đáng kể. Tuy nhiên, với thực tế ở Việt Nam đây là thành quả của cả một quá trình các cơ quan chức năng tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, kiểm soát giảm thiểu vi phạm bản quyền phần mềm máy tính cũng như tăng cường thực thi Luật Sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ về bản quyền phần mềm là ở ý thức chấp hành pháp luật chứ không còn là nhận thức chấp hành pháp luật như trước đây.
"Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi nhận thấy nhiều trường hợp doanh nghiệp lớn, hiểu biết pháp luật, bên cạnh còn có đội ngũ luật sư tư vấn hùng hậu, thế nhưng vẫn sử dụng phần mềm lậu, vẫn vi phạm luật về quyền sở hữu trí tuệ", ông Phạm Cao Thái nói.
Ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch . |
Bà Sheryl Lee cho hay, các tổ chức, doanh nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam chưa nhận thức hết cũng như chưa tranh thủ được những lợi ích kinh tế và an ninh mà phần mềm bản quyền mang lại.
Theo tính toán của IDC (Trung tâm dữ liệu internet), mỗi năm các doanh nghiệp phải chi gần 360 tỷ USD để xử lý phần mềm độc hại liên quan đến phần mềm không bản quyền.
"Việc xử lý những vấn đề gây ra do phần mềm không bản quyền không chỉ thiệt hại về tiền, thời gian, năng suất lao động, cá biệt có doanh nghiệp lộ lọt dữ liệu khách hàng, dẫn đến mất uy tín, giảm sút giá trị thương hiệu... Thiệt hại kinh tế đó không thể đưa ra một con số cụ thể", bà Sheryl Lee nhấn mạnh.
Bà Sheryl Lee phát biểu tại buổi công bố báo cáo Kết quả Điều tra phần mềm toàn cầu 2018. |