Vấn nạn mua bán thông tin cá nhân
VOV.VN - Thông tin cá nhân bị lộ lọt, được rao bán một cách công khai. Người dân chỉ biết “ngậm ngùi” chịu đựng mà không biết kêu với ai.
Tại Việt Nam, chuyện người dân bị làm phiền “một cách đích danh”, không chỉ dừng lại ở tin nhắn, cuộc gọi rác, mà đang trở nên “phổ biến” đến mức nạn nhân chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Thông tin cá nhân bị lộ lọt, thậm chí bị “rao bán” một cách công khai đang trở thành một vấn nạn tại Việt Nam.
Bài 1: Vấn nạn mua bán thông tin cá nhân
Bài 2: Xây dựng chính phủ điện tử: Thông tin cá nhân có bị biến thành “món hàng”?
Trong niềm hạnh phúc hân hoan khi được nhận nhà mới, chị Phạm Phi Yến ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội không ngờ cuộc sống của mình đã bị đảo lộn hoàn toàn.
Cuộc gọi đầu tiên trong thang máy, ngay trước khi chị Yến được xem căn hộ ở chung cư Imperia Sky Garden, đến từ một bên chuyên thiết kế nội thất: “Chị ơi hôm nay chị đi nhận căn hộ ở Imperia à? Bên em làm nội thất. Chị đã làm chưa, để bên em làm cho…”.
Thông tin cá nhân bị lộ lọt, được rao bán một cách công khai. Người dân chỉ biết “ngậm ngùi” chịu đựng mà không biết kêu với ai. (Ảnh minh họa: KT). |
Và sau đó là chuỗi những ngày sống trong sự tức giận tột cùng bởi hàng chục cuộc gọi từ sáng sớm tới tối muộn, từ chào mời làm bàn thờ, bán rèm, bán dàn phơi… đến hỏi thăm xem chị Yến có cho thuê, hay bán lại nhà không…
Chị Yến đã hỏi những người gọi đến chào mời dịch vụ rằng họ lấy thông tin của chị ở đâu, thì được trả lời rằng họ lấy thông qua liên kết với chủ đầu tư. Thế nhưng, khi gửi email đến chủ đầu tư, chị Yến nhận được câu trả lời “Chúng tôi xin khẳng định rằng tất cả thông tin của Quý khách hàng luôn được chúng tôi bảo mật nghiêm ngặt. Vì vậy Quý khách hoàn toàn có thể yên tâm về những thông tin đã cung cấp cho chúng tôi trong suốt quá trình hợp tác. Việc rò rỉ thông tin có thể xuất phát từ các tổ chức, cá nhân khác mà không thuộc phạm vi phụ trách của chúng tôi”.
“Chủ đầu tư chối không nhận lỗi. Vậy tại sao thông tin cá nhân của tôi lại bị lộ ra chính xác ngay khi tôi nhận nhà mặc dù tôi không hề đăng thông tin cũng như thông báo rộng rãi?”, chị Yến đặt câu hỏi.
Đồng cảm với nỗi bức xúc của chị Yến, chị Nguyễn Phương Ngọc, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu mới nhận nhà thì cũng vừa nhập cuộc thôi. Tôi biết có nhiều người đã phải chịu vậy trong 5-6 năm trời rồi. Thông tin mua bán nhà thì đúng là từ chủ đầu tư, nhưng có thể là do một cá nhân trong công ty của chủ đầu tư bán”.
Chưa lọt lòng mẹ cũng bị bán thông tin
Chị Yến không phải là trường hợp cá biệt, anh Trần Văn Thịnh, Hà Nội kể: “Có mỗi việc đi đẻ thôi. Con đẻ ra còn chưa kịp về nhà đã có cả loạt các cuộc gọi giới thiệu, chào mời dịch vụ sau sinh. Nghĩ thoáng ra thì cũng có nhiều ưu điểm, tiện lợi là dịch vụ tận răng không thiếu cái gì”.
Danh sách số gọi quảng cáo mà chủ nhân buộc phải block lên đến cả trăm và vẫn chưa dừng lại... (Ảnh chụp màn hình). |
Chị Trần Thúy, quận Hoàng Mai lại bức xúc: “Con tôi mới học lớp 1, nhưng luôn có những cuộc điện thoại, ngay trong giờ làm việc hay trong cuộc họp ở cơ quan. Chị có phải tên... là phụ huynh cháu... học lớp... trường... Nghe đọc vanh vách thông tin của con, tôi giật mình lo lắng lo con ở trường có vấn đề gì. Sau một hồi xác định thông tin, tim đang đập loạn nhịp vì lo lắng thì đầu dây bên kia giới thiệu em ở trung tâm Anh ngữ... em ở trung tâm gia sư, em ở bên đào tạo tài năng... Nói thật nghe đến đó thì từ lo lắng chuyển sang bực tức vô cùng”.
Chị Nguyễn Hồng Nhung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội than thở: “Tôi phải xin các em bên bảo hiểm, mỹ phẩm, bất động sản... làm ơn xoá số của mình trong danh sách của họ. Chứ vừa từ chối xong thì tiếng sau lại được gọi. Nghĩ cũng thông cảm các em phải gọi vì công việc, nhưng thường xuyên, nhất là khi bận rộn thì bực mình không chịu nổi”.
Anh Phan Nguyễn Bình cũng ở quận Hoàn Kiếm cho hay: “Tôi thường xuyên phải đặt vé máy bay cho khách. Thông tin số điện thoại trên code vé, cứ trước hôm có khách bay là y như rằng xoá tin nhắn mỏi tay từ các bên taxi, đi xe chung, cho thuê xe sân bay... mỗi lần cả mấy chục tin nhắn, toàn số điện thoại rác”.
Anh Triệu Vân, ở quận Nam Từ Liêm cũng phàn nàn, đăng ký mở công ty vừa nhận giấy hoạt động, là hàng chục cuộc gọi mỗi ngày để chào mời làm web, đồ dùng liên quan, kế toán, hoá đơn điện tử… “Bực lắm vẫn phải cố nói chuyện lịch sự vì biết làm sale cực, nhưng việc lộ thông tin do ai?”, anh Vân nêu ý kiến.
Thực tế cho thấy rõ ràng thông tin cá nhân ở Việt Nam đang bị sử dụng một cách bừa bãi, vấn đề bảo mật thông tin khách hàng ở Việt Nam đang như một “trò đùa” gây phiền toái cho người dân./. Infographics: Những vụ lộ lọt thông tin “gây bão” năm 2018