Việt Nam có nắm bắt được cơ hội để “hóa rồng”?
VOV.VN - Con đường duy nhất để Việt Nam “hóa rồng” được dẫn dắt bởi công nghệ, với ý chí, quyết tâm “Make in Vietnam” của các doanh nghiệp công nghệ Việt.
Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) trên thế giới là cơ hội cho quốc gia biết nắm bắt công nghệ để vươn lên trở thành cường quốc.
Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thời gian không chờ đợi, cơ hội không tự đến nên cần hành động nhanh hơn trong thời đại kỹ thuật số.
“Việc bứt phá từ tư duy đến hành động, những phương thức kinh doanh cũ kỹ cần nhường cho những giải pháp đổi mới sáng tạo và công nghệ. Cơ hội đến và không bao giờ trở lại, do đó, Việt Nam cần hành động, hành động và hành động hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Con đường duy nhất để Việt Nam “hóa rồng” được dẫn dắt bởi công nghệ, với ý chí, quyết tâm “Make in Vietnam” của các doanh nghiệp công nghệ Việt. |
Mỗi nếp gấp chuyển đổi là một cơ hội bứt phá, tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng nắm bắt được cơ hội đó.
Lịch sử ghi dấu nước Anh và châu Âu trở thành cường quốc nhờ phát minh ra động cơ hơi nước trong cuộc CMCN lần thứ nhất. Tiếp đó là Đức, Hoa Kỳ và Nhật Bản lan tỏa rộng trên thế giới nhờ phát minh ra động cơ điện trong CMCN lần thứ hai. Đến CMCN lần thứ ba, sự ra đời của bán dẫn, vi mạch, máy tính và internet đã biến những nền kinh tế như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… từ những lãnh thổ, quốc gia đầy khó khăn chính thức gia nhập vào nhóm những nước phát triển trên thế giới.
Giáo sư Yongrak Choi, Nguyên thành viên Ban cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc. |
Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về phát triển kinh tế xã hội dựa vào phát triển doanh nghiệp công nghệ, Giáo sư Yongrak Choi, Nguyên thành viên Ban cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc cho biết, điểm mạnh cốt lõi của Hàn Quốc để chuyển mình thành công từ nhập khẩu công nghệ thành quốc gia đi đầu về công nghệ là sở hữu nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, có năng lực chế tạo và nắm bắt công nghệ.
“Động lực tự thân của các doanh nghiệp tư nhân là đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ và thuê ngoài dịch vụ công nghệ, thúc đẩy quá trình học hỏi. Cùng với đó, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra nhiều chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư R&D, phát triển nguồn nhân lực, đi đầu trong việc chuyển đổi cấu trúc hệ thống đổi mới...”, Giáo sư Yongrak Choi cho hay.
Với một loạt chính sách kết hợp từ quy hoạch công nghệ thông tin dài hạn, ưu đãi tài chính, phát triển chương trình R&D quốc gia… từ một quốc gia nghèo khó, bị tàn phá bởi chiến tranh năm 1960, Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc về kinh tế (GDP năm 2017 là 1.530 tỷ USD gấp 765 lần so với năm 1960) và công nghệ (sở hữu những doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới như Samsung, Huyndai, LG…).
Muốn “hóa rồng”, phải có công nghệ
Ngày nay, thế giới đang trong cuộc cách mạng số với sự xuất hiện CMCN lần thứ tư, dựa trên nền tảng của công nghệ. Đây được xem là thời cơ có 1 không 2 cho Việt Nam để vươn lên trở thành cường quốc. Chính tại điểm gãy của chuyển đổi số này, con đường duy nhất để Việt Nam “hóa rồng” được dẫn dắt bởi công nghệ bằng ý chí, quyết tâm “Make in Vietnam”, mà người giải không ai khác là các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright. |
Ông Nguyễn Xuân Thành đến từ Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh trong 20 năm qua, tuy nhiên về "chất lượng phát triển" lại chưa làm được như Hàn Quốc. Chặng đường này có thể kéo dài thêm từ 30 - 50 năm nữa nhưng nhờ doanh nghiệp công nghệ, Việt Nam có thể làm được. Nhất là khi Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp khởi nghiệp nhờ chính sách ưu tiên của Chính phủ.
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ có giá trị trên 1 tỷ USD ở châu Á mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này đặt ra yêu cầu cho các quốc gia là cần có chính sách phù hợp hơn. Ông Nguyễn Xuân Thành kiến nghị cần hội tụ những doanh nghiệp ở các ngành nghề nòng cốt, tập trung ở cùng vị trí địa lý và hoạt động dưới cơ chế chung. Vai trò của Nhà nước là hỗ trợ cho những “cụm doanh nghiệp” này”.
“Các nhân tố cần cải thiện hơn để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển là nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ mới, thị trường, bối cảnh, môi trường cạnh tranh và khung pháp lý hỗ trợ. Trong đó khâu đào tạo nguồn lực chất lượng cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin là quan trọng nhất” ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Theo Bộ TT&TT, 10 năm qua, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam về giá trị đã chiếm trên 15% GDP và gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế. Trong đó, năm 2018, công nghiệp công nghệ thông tin ước tính đóng góp gần 50.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 94 tỷ USD, xuất siêu khoảng 26 tỷ USD.
Đến năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu có khoảng 100.000 doanh nghiệp công nghệ, đưa Việt Nam lọt top 30 cường quốc về công nghệ thông tin. Sau đó, từ “cái nôi” Việt Nam, doanh nghiệp công nghệ Việt sẽ vươn ra toàn cầu./. “Make in Vietnam“ giải bài toán thoát bẫy thu nhập trung bình
Công nghiệp số đạt ít nhất 25% GDP vào năm 2025?