Việt Nam phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin
VOV.VN - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chúng ta phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin (ICT) để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) (Vietnam ICT Summit 2019) diễn ra hôm nay (8/8), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số làm thay đổi cái mà nền kinh tế sản xuất ra, thay đổi cách mà chúng được sản xuất ra và thay đổi hạ tầng sản xuất ra chúng. Chuyển đổi số cũng sẽ thay đổi căn bản tư duy nhận thức về tầm nhìn tương lai và các mối quan hệ kinh tế-xã hội định hình nó.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Vietnam ICT Summit 2019. |
Bộ trưởng cũng khẳng định, chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Một khối lượng công việc khổng lồ, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử, ngàn năm mới có một lần.
Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy. Những nước đi sau như Việt Nam lại là cơ hội. Thêm vào đó là văn hoá người Việt Nam thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới.
“Cơ hội đang đến. Vậy ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này? Đó là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Là các doanh nghiệp công nghệ thông tin (ICT) Việt Nam. Chúng ta phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Chúng ta sẽ tập trung phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số”, Bộ trưởng cho hay.
Một là các doanh nghiệp công nghệ lớn, làm chủ nghiên cứu các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT, khoảng 10-20 doanh nghiệp, đó là các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực. Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn như Viettel, Vingroup có thể chuyển thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Hai là các doanh nghiệp công nghệ đã 10-20 năm kinh nghiệm, hiện chúng ta đang có hàng ngàn doanh nghiệp, nhưng lại đang chủ yếu làm gia công thì nay sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các Platforms chuyển đổi số.
Ba là các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chúng ta sẽ cần hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp loại này.
Cuối cùng là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá. Việt Nam có được hàng trăm doanh nghiệp loại này thì đã là rất thành công.
Năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, sẽ được đầu tư trước, sẽ đi trước, sẽ phải có thứ hạng cao trên thế giới, phải nằm trong top 50 vào năm 2025 và top 30 vào năm 2030. Trong đó nhấn mạnh 5 yếu tố nền tảng là: Thể chế, Hạ tầng, An ninh mạng, Platform (nền tảng) và Đào tạo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng đại diện các thành viên của liên minh Chuyển đổi số Việt Nam. |
Theo Bộ trưởng, lời giải để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam là dựa trên các Platforms. Chuyển đổi số khó nhất là toàn dân và toàn xã hội. Nhưng chuyển đổi số chỉ phát huy hết sức mạnh của nó khi toàn dân, toàn xã hội kết nối số.
“Sức mạnh của kết nối không phải cấp số cộng, không phải cấp số nhân mà là hàm số mũ. Một nền tảng Platform có thể kết nối hàng triệu người, hàng ngàn doanh nghiệp. Platform văn minh ở chỗ giá trị tạo gia được chia sẻ giữa người tham gia và người tạo Platform nên sẽ thúc đẩy tất cả các bên. Lợi thế Việt Nam là có nhiều doanh nghiệp CNTT có năng lực, có thể phát triển các Platforms phù hợp cho chuyển đổi số Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Nhân dịp này, liên minh Chuyển đổi số Việt Nam cũng chính thức ra mắt với 8 doanh nghiệp CNTT lớn gồm Viettel, VNPT, FPT, MoibiFone CMC, BKAV, VNG và MISA. Mục tiêu của liên minh là đưa Việt Nam chuyển đổi số thành công và trở thành một quốc gia hùng cường./. Vietnam ICT Summit bàn chuyện Việt Nam cần gì để chuyển đổi số