Việt Nam phát hiện hàng chục vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên Internet mỗi năm
VOV.VN - Mỗi năm, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên Internet; và con số thực tế có thể vượt xa số đã phát hiện.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo – Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật (Security World 2018) có chủ đề "Tăng cường bảo mật dữ liệu và an ninh mạng trong thế giới kết nối" tổ chức ngày 5/4, tại Hà Nội.
Việt Nam đang chịu tác động mạnh mẽ của các diễn biến tình hình an ninh mạng thế giới. (Ảnh: Các đại biểu tham dự Security World 2018) |
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an nhận định, trong thời gian qua, hoạt động tấn công xâm nhập hệ thống mạng thông tin, phá hoại dữ liệu trong các lĩnh vực diễn ra phức tạp. Tình hình này đặt ra những nguy cơ, thách thức không nhỏ đối với mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
"Mỗi năm, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên Internet. Thực tế có thể còn vượt xa con số đã phát hiện do tính chất nặc danh, khó phát hiện của môi trường mạng dẫn tới những hậu quả khôn lường", Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Quốc gia (VNCERT), Bộ Thông tin và Truyền thông cũng bày tỏ quan ngại khi tình trạng lây nhiễm mã độc ngày càng gia tăng. Các mã độc ngày càng tinh vi, phức tạp, đặc biệt là những mã độc đa mục đích, vừa mã hóa dữ liệu, vừa tống tiền, vừa ăn cắp dữ liệu.
"Điển hình như mã Wannacry, giữa năm 2017 đã tấn công gần 250 doanh nghiệp Việt Nam, gây nhiều thiệt hại. Các cuộc tấn công mạng hiện không còn diễn ra một cách tự phát, đơn lẻ mà đã trở thành những chiến dịch, có hệ thống, quy mô lớn", ông Nguyễn Trọng Đường nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải – Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông, các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung vào các lỗ hổng, các điểm yếu của các thiết bị IoT mà điển hình là các camera giám sát, điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho Chính phủ, đặc biệt là khi triển khai các dự án chính phủ điện tử hay thành phố thông minh.
Ông Nguyễn Thanh Hải – Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông. |
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hải, năm 2017 có các điểm sáng đáng ghi nhận là mức độ quan tâm đến an toàn, an ninh thông tin của các tổ chức, các doanh nghiệp, từ Chính phủ đến người dân đều đã được nâng cao. Thứ hai là hệ thống hành lang pháp lý cho việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đã tương đối hoàn thiện.
Trước thực trạng này, Trung tướng Hoàng Phước Thuận khẳng định, việc bảo vệ an ninh mạng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị. Đồng thời đây cũng là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và người dân.
Việt Nam cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an ninh mạng, tăng cường các biện pháp bảo mật, nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp bảo vệ an ninh mạng phù hợp.
"Cần tăng cường hợp tác giữa nhà nước với các đối tác thuộc khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp sở hữu và vận hành hạ tầng của công nghệ thông tin, các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm, nội dung trên internet, các nghiên cứu và sản xuất các giải pháp bảo mật… nhằm huy động tiềm lực và hỗ trợ của các doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin", Trung tướng Hoàng Phước Thuận lưu ý.
Nhiều cuộc tấn công mạng quy mô lớn vào các lĩnh vực trọng yếu
Khoảng 87 triệu tài khoản Facebook có thể đã bị rò rỉ thông tin