Đang tải...

Nên dùng tai nghe

Click để bắt đầu

Nên dùng tai nghe

Phần II:

MỘT NGƯỜI CHỊ

MẤT EM

Cuộn chuột

“Lúc người ta đưa nó đi, không ai nghĩ nó chết. Hai chị em cũng không nói được với nhau câu nào.”

Chị Nguyễn Thị Hậu là lao động nhập cư từ An Giang.

Chị sống trong con hẻm nhỏ này cùng 2 chị em gái khác. Cả nhà chị rời quê lên thành phố đã ngót nghét 10 năm.

Họ sống cùng nhau trong một khu trọ. Mỗi người lại có một gia đình riêng.

Ngày 22/7/2021, em gái chị Hậu có kết quả xét nghiệm dương tính với Sars-COV-2. Sau đó 7 người còn lại lần lượt nhận kết quả tương tự. Không ai rõ nguồn lây.

Họ là những ca đầu tiên mắc COVID-19 trong con hẻm này. Trong hẻm cũng chưa một ai tiêm vaccine.

Từ giữa tháng 7/2021, TP.HCM bắt đầu triển khai chương trình điều trị F0 có triệu chứng nhẹ tại nhà thay vì điều trị và cách ly tập trung như trước.

Tuy nhiên khu nhà trọ mà gia đình hai chị em sinh sống không đáp ứng tiêu chuẩn cách ly và điều trị F0 tại nhà.

Nhà chị Hậu có 3 người, sống trong một căn phòng chưa đầy 20m2. Nhà em gái chị có 5 người, cũng sống trong một căn phòng tương tự.

Họ sống trong những dãy nhà trọ lợp tạm bằng tôn. Dân trong hẻm gọi khu vực này là “dãy nhà chuồng heo”.

Không riêng gia đình chị Hậu, nhiều gia đình dọc “dãy nhà chuồng heo” cũng chung cảnh đông đúc và chật chội. Một gia đình nhiều thế hệ có tới 5,6 thành viên cùng sinh sống trong một căn phòng vỏn vẹn 15 – 20m2.

Lúc đi ngủ, chỗ để chân của người này là chỗ gối đầu của người kia. Sự ngăn cách giữa các hộ gia đình cũng chỉ là một tấm tôn thủng lỗ chỗ.

Dịch bệnh bùng phát, giữ khoảng cách 2m khi giao tiếp là một điều không tưởng ở dãy nhà này.

Chiếc xe 40 chỗ chở gia đình chị Hậu cùng nhiều người bệnh khác dừng trước một trường mầm non.

Xe chật kín chỗ.

Với số lượng bệnh nhân quá tải (gần 400.000 ca nhiễm, tính đến cuối tháng 9/2021), bên cạnh hệ thống bệnh viện sẵn có, TP.HCM đã trưng dụng nhiều trường học, phân xưởng nhà máy, khu dân cư bỏ trống thành các các khu cách ly, điều trị tập trung hoặc bệnh viện dã chiến chuyên điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Trường mầm non này là một trong những khu điều trị và cách ly tập trung như vậy.

Cả 8 người nhà chị Hậu được sắp xếp ở tầng 2 trong tòa nhà 3 tầng. Những chiếc giường xếp nằm ngổn ngang, bình và mặt nạ dưỡng khí giăng kín lối đi lại. Cùng với gia đình 2 chị, căn phòng này có gần 30 người khác. Mùi cồn, mùi thuốc sộc lên mũi. Tiếng ho và tiếng máy thở lấn át tiếng người.

Chị Hậu tìm giường nằm kế ngay bên em gái.

Em chị là Nguyễn Thị Kim Tiến, sinh năm 1974. Chị Tiến là con gái út trong nhà. Khoảng đầu những năm 2010, chị Tiến theo chị gái lên thành phố kiếm sống. Hai chị em làm đủ nghề, từ phụ hồ, bán hàng xén, tới “ai thuê gì thì làm đó”.

Cuối tháng 5/2021, TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội. Trong 4 tháng giãn cách kéo dài, gia đình chị Hậu và chị Tiến đều thất nghiệp. Họ không thể tiếp tục đi làm, cũng không thể về quê.

Những ngày đầu ở viện, cả nhà chưa ai phải thở oxy.

Chị Hậu chỉ thấy mệt trong người. Chồng và đứa con gái có bầu của chị Tiến vẫn khỏe.

4 ngày sau, 6 người được chuyển sang khu điều trị nhẹ hơn, chuẩn bị xuất viện.

Chỉ còn hai chị em chị Hậu. Chị Tiến mắc bệnh tim từ nhỏ. Nhưng chị Hậu vẫn nghĩ, cả nhà sẽ sớm được về thôi.

Ở đây 4 ngày, người vào, người ra liên tục nhưng chị chưa thấy ai mất cả.

Chị Tiến nằm vật xuống giường, bắt đầu hổn hển thở.

Chị Hậu nhìn em rồi lật đật đi tìm bác sỹ. Chị leo cầu thang, vừa đi vừa thở.

Y tá lên đo SpO2 rồi vội vàng lớn giọng chuyển em gái chị xuống tầng 1. Bác sỹ đeo mặt nạ oxy rồi vỗ mạnh vào lưng em gái chị.

Mỗi lúc chị Tiến lại đuối hơn, chân tay bắt đầu tím lại. Chị Hậu nắm nhẹ tay em gái.

Em gái chị thều thào.

Chị Hậu bỏ viên C sủi vào cốc rồi cẩn thận đưa cho em gái uống từng ngụm.

Đêm hôm đó, bác sỹ chuyển viện cho chị Tiến. Nhưng không giống như chồng và con, chị Tiến được chuyển lên khu điều trị tích cực cho bệnh nhân nặng.

Xe cấp cứu đến, chị Tiến nằm lên cáng.

Chị Hậu nhìn em gái chuẩn bị rời đi.

Mặt nạ che kín mặt, hai chị em liếc nhìn nhau, không ai nói được lời nào.

Nhưng chị nghĩ: Mình sẽ gặp lại em.

Sáng hôm sau, chị Hậu thấy khá hơn. Chị cầm máy gọi cho em gái nhưng không ai bắt máy. Chị gọi thêm vài cuộc nữa nhưng tiếng chuông vẫn đổ dài. Chồng và con gái chị Tiến cũng không liên lạc được.

Lòng chị hiện lên một nỗi sợ mơ hồ.

Ngày 29/7/2021, chị Hậu nhận tin em gái đã qua đời.

“Nó là đứa hiền nhất”

“Hồi dịch bùng, cả xóm bị phong tỏa. Thấy mình dân lao động, khổ quá, người ta cho gạo mình. Nó lại đem gạo đó cho lại cho mấy người bán vé số.”

Hai ngày sau, cả gia đình chị Hậu có kết quả âm tính và được về nhà. Họ lại lục tục đi qua con hẻm nhỏ, trở về với căn phòng chỉ hơn 20m2.

8 người đi, chỉ có 7 người về.

Em gái chị là người đầu tiên mất vì COVID-19 trong con hẻm này, nối sau đó là 6 đám tang nữa.

Trong văn hóa của người Việt, tháng 7 âm lịch là tháng xá tội vong nhân. Đây là thời khắc Diêm Vương mở Quỷ Môn Quan cho quỷ đói được trở về dương gian. Đêm đầu tiên của tháng 7 âm lịch, trời đổ mưa đá. TP.HCM bước vào đỉnh dịch với hàng trăm ca tử vong vì COVID-19 mỗi ngày.

Sáng hôm đó, chị Hậu xách đồ về cúng em gái. Chị mua chôm chôm, thanh long làm đồ lễ.

Đây là những thứ quả đặc trưng của miền Nam Việt Nam, của quê hương hai chị em.

Ngày 6/8 gia đình chị Hậu ra đầu hẻm nhận tro cốt của em gái chị.

Không giống như câu chuyện của vợ chồng ông Hai, trường hợp của chị Hậu là câu chuyện của những gia đình đi cách ly tập trung để điều trị COVID-19.

Tình trạng bệnh nhân quá tải và yêu cầu cách ly đặc biệt khiến người bệnh mắc COVID-19 gần như mất liên lạc với gia đình sau khi nhập viện.

Tại các đơn vị điều trị tích cực cho các bệnh nhân mắc COVID-19, không ít bệnh nhân nhập viện một mình và ra đi cũng chỉ có một mình.

Đó là những cuộc chia tay chẳng ai biết trước, chẳng ai kịp nói một lời từ biệt./.