Đang tải...
Nên dùng tai nghe
Click để bắt đầu
Nên dùng tai nghe
Phần III:
MỘT NGƯỜI CON
MẤT CHA
Cuộn chuột
“Lần cuối ba con đi viện cũng là lần đầu tiên phát hiện bệnh.”
Võ Thiên Quân sinh năm 2006 tại TP.HCM. Ba của Quân mất tại nhà vì bệnh xơ gan vào ngày 2/8/2021.
Đây là thời điểm TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vì dịch COVID-19.
Trong giai đoạn này, mỗi ngày thành phố ghi nhận 4.000 – 5.000 ca mắc COVID-19 mới (theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông HCM).
Ba Quân là Võ Trung Hiếu, sinh năm 1985.
Anh làm việc tại một công ty vận chuyển của thành phố.
Anh và con trai sống trong một con hẻm nhỏ trên địa bàn quận 7, TP.HCM.
Không giống như nhiều lao động mất việc khác trong con hẻm này, anh may mắn giữ được công việc và một nguồn thu nhập cố định khi dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên, may mắn ấy không ở lại với anh được lâu.
Đầu tháng 5/2021, anh Hiếu được chẩn đoán mắc bệnh xơ gan giai đoạn cuối.
Sau 2 – 3 ngày nằm viện, anh xin xuất viện. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối anh nhập viện để điều trị bệnh.
Anh chở con trên chiếc xe máy cũ đi qua con hẻm nhỏ để về nhà.
Mấy ngày sau, người anh bắt đầu phù nề, không thể di chuyển.
Bé Quân nhờ người mua cho anh một cái ghế bố để nằm.
Anh nằm đó đến khi mất.
Ngày 27/5/2021, TP.HCM ghi nhận 36 ca nhiễm COVID-19 liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, khiến nhiều khu vực ở 16 quận/huyện bị phong tỏa.
Đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19 bắt đầu nhen nhóm.
Chưa đầy 5 ngày sau, TP. HCM ra lệnh giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 với nhiều quy định nghiêm ngặt. Trong đó, bao gồm các hạn chế về việc đi lại.
Ba Quân không đi viện để tái khám và lấy thuốc nữa.
Nghe tin ba Quân đổ bệnh, ông Hai đầu hẻm mang một bọc thuốc nam sang.
Nhà ông Hai đã có mấy đời bốc thuốc cứu người.
Ông tin và cũng mong rằng bọc thuốc nam này có thể cứu người bị xơ gan giai đoạn cuối.
Quân sắc thuốc đều đặn cho ba uống, nhưng ba em vẫn yếu dần đi.
Ngày 9/7, sau hơn một tháng áp dụng giãn cách xã hội nhưng số ca nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng, TP. HCM quyết định tăng cường mức độ giãn cách và áp dụng Chỉ thị 16. Các hạn chế đi lại bị siết chặt hơn nữa.
Ngày 23/7, trong con hẻm hai ba con ở, xuất hiện những ca mắc COVID-19 đầu tiên: 8 người nhà chị em bà Hậu nhiễm bệnh và được đưa đi cách ly cùng một lúc.
Ba ốm, dịch đến Quân hoảng sợ.
Cả con hẻm bị phong tỏa, dựng rào chắn. Không ai được phép ra vào nếu không thực sự cần thiết.
Không còn người họ hàng nào qua thăm hỏi, Quân trở thành người chăm sóc chính cho ba. Không được phép đi chợ, bữa cơm của hai cha con chủ yếu dựa vào rau gạo từ thiện.
Ba Quân cũng không còn thuốc uống của ông Hai nữa.
Ngày 29/7, cả con hẻm nhận tin em chị Hậu - chị Tiến đã qua đời trong khu cách ly. Đó là người đầu tiên mất vì COVID-19 trong con hẻm này. Không còn ai sang nhà nhau thăm hỏi. Cả con hẻm chìm trong im lìm và sợ hãi. Mùi cồn xịt khuẩn ở nhà chị Tiến vẫn còn phảng phất trong những ngõ ngách nhỏ.
7h30 tối ngày 2/8, ba Quân trút hơi thở cuối cùng trên chiếc ghế bố mà anh vẫn nằm, trong căn nhà anh mới mua được vài tháng.
Vốn dĩ căn nhà này sẽ là nơi che chở bão tố cho hai cha con anh, là nơi để bắt đầu một cuộc sống ổn định mới.
Tối hôm đó, 5 – 6 người mặc đồ bảo hộ trắng rậm rịch đi vào con ngõ nhỏ. Ai cũng mặc đồ bảo hộ cấp 4, che kín mặt. Quân không thể phân biệt ai với ai.
Người bên nhà tang lễ đặt ba Quân vào một túi xác. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, đây là thao tác bắt buộc trong mọi đám tang, dù người đó có mất vì COVID-19 hay không.
Mới cách đó vào tháng, ba còn đưa Quân đi Vũng Tàu chơi cùng vài người bạn.
Đó là lần đầu tiên đứa trẻ 15 tuổi được đi chơi xa.
“Ba ơi! Đừng uống rượu nữa, để sống với con.”
12:00 trưa ngày hôm sau, người của nhà tang lễ đặt ba Quân trên vai. Quân tiễn ba ra con ngõ nhỏ.
Tới đầu ngõ thì em dừng lại
Em không khóc. Giây phút này khiến Quân nhớ đến đám tang của bà nội. Bà sống với ba và em từ lúc lọt lòng. Bà mới mất hơn 1 năm về trước.
Trong đám tang bà, em muốn khóc nhưng nước mắt không thể bật ra.
Sau khi ba mất, Quân trở thành trẻ mồ côi.
Nhưng không giống như gần 4.500 trẻ mồ côi có cha mẹ mất vì COVID-19, ba Quân mất vì bệnh khác. Do đó, em không được nhận hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội.
Trong 4 tháng dịch bệnh bùng phát đi kèm với giãn cách xã hội kéo dài, việc thăm khám thường xuyên hoặc điều trị kịp thời cho các bệnh khác bị đứt gãy.
Trên thực tế, nhiều bệnh viện tại TP.HCM đã từ chối các ca cấp cứu do tình trạng phong tỏa vì phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19. Trong khi các bệnh viện dã chiến chỉ tiếp nhận bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Tình trạng kinh tế kiệt quệ cùng với hệ thống y tế quá tải, người dân không thể tiếp cận các điều kiện chăm sóc y tế tiêu chuẩn. Giống như ba Quân, nhiều người đã tự xoay xở bằng việc uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc./.
Lưu ý: Nhân vật Võ Thiên Quân là trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi. Hình vẽ 2D trong bài viết chỉ mang tính chất minh họa, không thể hiện nhân diện ngoài đời của nhân vật.
Xem thêm: Mẹ ơi
Mẹ ơi là câu chuyện của Thanh Ngọc, nữ sinh 15 tuổi sống tại khu phố 2, phường Linh Trung, TP. Thủ Đức, TPHCM. Em là một trong số gần 4.500 trẻ mồ côi do đại dịch ở Việt Nam. Cha đi làm xa nên Thanh Ngọc trở thành người mẹ “bất đắc dĩ” chăm sóc 3 đứa em nhỏ.