Ngày Tết quê tôi

Ở quê, không nhiều lì xì như ở thành phố; ngày bé thỉnh thoảng, tôi còn ghen tị với lũ bạn về tiền mừng tuổi; nhưng những bao lì xì ở quê ý nghĩa và thú vị hơn nhiều.

Thường thường cứ độ cuối tháng 1, đầu tháng 2 theo lịch dương là đến Tết nguyên đán. Mọi người vẫn bảo Tết đến là mùa xuân cũng về, nhưng tôi thấy tiết đông lạnh thì vẫn còn dai dẳng lắm! Và tôi thích những ngày Tết như thế! Những ngày Tết Bắc Việt lạnh giá lúc nào cũng phải xuýt xoa đôi bàn tay và chui mình trong những chiếc áo rét to xù xì. Mưa phùn lất phất càng thêm tê tái. Những lúc như vậy, thì chẳng còn gì thú bằng cả nhà ngồi tụ tập giữa sân trông nồi bánh chưng, quanh đống lửa hồng, nổ lép nhép, thơm ngai ngái mùi khói, mùi củi và ấm áp tình sum vầy. Để lại cùng nhau hít hà cái lạnh tê đầu mũi và hơ tay trên hơi ấm đang lan tỏa tới từng người.

Mọi người cứ bảo: 30 chưa phải là Tết. Nhưng không khí Tết thì đã rạo rực cả tháng. Đó là khi nét mặt ai cũng hớn hở, khi mọi người gấp gáp và khẩn trương hơn, khi quất đã vàng quả và lúc lắc trên cành, khi đào chúm chím chờ ngày rộ nở. Đó là lúc mấy anh chị em chúng tôi hẹn nhau cùng về quê ăn Tết. Ngay khi khắp các trường ở Hà Nội thông báo nghỉ học thì như đã đợi lâu lắm rồi, chúng tôi ùa về thăm ông bà; bố mẹ còn ở lại dọn dẹp còn trẻ con thì được về sớm. Thế là từ ngày 27, cả nhà ông đã rộn ràng.

Bà và mẹ thì chuẩn bị đồ ăn. Còn ông và các anh thì dọn dẹp nhà cửa. Mọi người ai nấy mỗi người mỗi việc, bận nhưng mà vui. Nhà ông bà vẫn luôn gói bánh chưng, không năm nào không gói; ông bảo Tết mà không gói bánh chưng thì coi như không phải Tết. Và năm nào ông cũng hướng dẫn các bác rồi đến chúng tôi gói bánh. Ông gói bánh chưng đẹp nhất và vuông vắn nhất.

Bây giờ, ở thành phố, nhiều nhà không còn gói bánh chưng nữa

Ông bảo các cháu phải tập làm để biết thế nào là Tết của cha ông, để sau này còn truyền lại cho các em và những thế hệ sau nữa. Cả nhà đông vui nhiều người làm nên tôi chỉ chạy chân lăng xăng lấy đồ và chăm chú nhìn ngắm mọi người. Tôi nhìn cách ông cẩn thận là lượt lá dong, cách ông sắp gạo, đỗ, thịt và cách ông khéo léo gói bánh, lạt mềm buộc chặt; chẳng biết đến bao giờ tối mới thấm thía hết lời ông dạy.

Nhưng cứ nhìn vào ông, nhìn vào những chiếc bánh chưng xanh mướt, tôi lại như hình dung ra hồn túy dân tộc, tôi lại muốn trở về những cái Tết xưa, những năm tháng xa xôi mà rất gần gũi, chưa bao giờ tôi được sống trong những cái Tết xa xưa đó, dù chỉ qua lời kể của bà, của mẹ; nhưng trong giây phút ấy, nó lại đến thật gần, thật gần!

Ở quê tôi, còn có tục lệ gói bánh gio. Bà bảo bánh gio ăn dễ tiêu, nên rất hữu ích trong những ngày Tết. Gọi là bánh gio vì nó được làm từ gạo ngâm nước tro vỏ bưởi. Bà tôi đặc biệt thích món này. Bà hay dạy chị em chúng tôi cái món này lắm. Nhưng chỉ có chị tôi là nhập tâm. Chị tôi khéo tay, gói bánh gio, bánh chưng đều đẹp; còn tôi thì hay quên và cũng không làm nhiều nên chỉ ngồi bóp vai cho bà đỡ mỏi. Những lúc ấy mới thấy, vai bà ngày càng xương xương và mắt bà ngày một nhiều nếp nhăn. Mỗi năm đến Tết là bà lại già thêm một tuổi, nhưng tấm lòng ông bà thì càng đằm thắm thêm theo thời gian.

Cái thú của ngày Tết đó là không khí sum vầy ấm áp. Ngày Tết là ngày của gia đình, là ngày sum họp. Mấy anh chị em chúng tôi ở quê suốt từ ngày 27 cho đến mồng 4 thì ra đi học. Những ngày ấy, không hôm nào là không rộn tiếng cười. Chúng tôi cùng nhau gói bánh chưng, xào giò và tập gói giò; các em nhỏ hơn thì đùa nghịch ngoài sân. Chiều thì rủ nhau lên đê lộng gió, rét mướt mà ham chơi, thi nhún đu, xem ai đu cao hơn. Tối đến bên bếp lửa lại cùng nhau hát. Có lẽ sau này lớn lên, nhiều thứ sẽ đổi thay, nhưng những giây phút hạnh phúc ấy, những câu hát một thời trẻ dại, nét mặt các anh chị, những người đã quây quần bên tôi, đã hát cùng tôi – tôi sẽ nhớ mãi!

Nhắc đến Tết, là nhắc đến chiều 30! Bà đun nồi nước lá cho chúng tôi gội đầu. Bà bảo phải gội thật sạch, cho mọi bụi bẩn, mọi nỗi buồn của năm cũ qua đi, để đầu óc nhẹ nhõm hơn, thanh thản hơn; để chào đón một khời đầu mới. Mùi bồ kết, thơm thơm vỏ bưởi, xả, và mềm mượt nước mưa. Anh chị em chúng tôi ra giếng gội đầu cho nhau, xuýt xoa, rôm rả!

Chiều 30 là khi cả nhà lên khói nhộn nhịp làm bữa cơm tất niên; khi mâm cơm rộng rãi và đông đúc, khi hơi ấm, khói nghi ngút bốc lên lan tỏa khắp gian nhà. Tết là đêm 30, ngồi trông nồi bánh chưng, ngồi đánh bài thay tam cúc rồi thi nhau búng tai đến đỏ rát vẫn chưa thôi. Rồi mắt lim dim theo những đốm lửa nổ lép nhép và chờ nghe tiếng chuông nhà thờ họ vang lên. Từng tiếng dài, vang, vọng đến từng ngõ tối, và tiếng người xôn xao, tiếng chân ráo rác. Chúng tôi vào khấn bàn thờ Tổ Tiên và theo ông vào nhà thờ họ. Xem pháo hoa qua ti vi rồi cùng nhau đốt pháo sáng, chờ những tia lập lòe, chớp nhoáng cháy rất nhanh đến hết cả cây và ước! Thời khắc ấy đã bao lần trải qua nhưng lần nào cũng háo hức, lần nào cũng hồi hộp và nguyên vẹn! Có cảm giác như một điều gì đó rất thiêng liêng trong phút giao thời ấy! Như cả ngàn năm trước, như bao người đã qua, đang giao hòa tại đây, mong chờ, hi vọng. Sự sống vĩnh hằng, bất diệt. Và giây phút ấy, chúng tôi đang sống, đang hít thở, sợi dây mong manh hay chính thời khắc đó kết nối ngàn xưa, hiện tại và tương lai. Một khoảng không vô tận!  

Rồi ngày mồng 1,2,3 cùng nhau diện những bộ đồ mới nhất, đẹp nhất theo chân bác mẹ đi chúc Tết họ hàng; háo hức nhận những bao lì xì đỏ. Ở quê, không nhiều lì xì như ở thành phố; ngày bé thỉnh thoảng, tôi còn ghen tị với lũ bạn về tiền mừng tuổi; nhưng những bao lì xì ở quê ý nghĩa và thú vị hơn nhiều. Đó là vì cái cảm giác hồ hởi, háo hức của trẻ nhỏ và đôi mắt trìu mến, lời chúc chân thành, thắm thiết, thực thà của người dân thôn quê.

Vậy là một cái Tết nữa lại sắp đến! Tết này đối với tôi có thật nhiều thay đổi. Anh đi học ở xa, chị đã đi lấy chồng; tôi sẽ là chị cả, dìu dắt những em nhỏ hơn. Tôi sẽ phải học làm nhiều để còn dạy lại cho các em như lời ông tôi dạy. Mong một cái Tết với nhiều trưởng thành! Mong một cái Tết đầm ấm sum vầy sẽ lại đến với thật nhiều ý nghĩa cho gia đình tôi và cho mọi người!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên