Tết này đi hội chọi bò

Chơi bò chọi đang là “mốt” của người dân các tỉnh vùng cao. Khác với hội chọi trâu Đồ Sơn, các “tráng sĩ bò” ở đây được vinh danh và trả giá cao ngất ngưởng.

“Mùng 3 tết lên Nậm Miòng xem chọi bò xóm mình đi! 20 tháng giêng thì xem chọi bò huyện Bảo Lâm. Cứ gọi là vui quên đời”. - Anh Lý A Tu, người mê bò chọi ở Nậm Miòng (xã Tân Việt, Bảo Lâm, Cao Bằng) rủ rê tôi bằng giọng đầy phấn khích. Thì cũng bởi muốn nhìn tận mắt, sờ tận tay 4 con bò chọi có tiếng của nhà anh mà tôi đã leo lên tận đỉnh núi này.

Chọn bò chọi… kỹ hơn cả chọn vợ

Lý A Tu tự hào về giống bò u Bảo Lâm lắm. Anh nói chắc như đinh đóng cột rằng, không ở đâu trên khắp nước Việt Nam có giống bò to, đẹp như bò u của Bảo Lâm. Nó chẳng phải là loại lai từ giống bò ngoại quốc mà là giống bò bản địa. Có con nặng đến 700 kg.

 

"Khám" bò chọi (Ảnh: Mạnh Hà)

Hỏi chuyện bò chọi, Lý A Tu thủng thẳng: “Chọn bò chọi phải kỹ lắm. Kỹ hơn chọn vợ nhiều lần!”. Hơn 20 năm làm nghề nuôi và buôn bò, Lý A Tu tích góp được cả kho kinh nghiệm. Chỉ nhìn lướt là anh biết bò chọi giỏi hay không.

Dáng của “tráng sĩ bò” phải to khỏe, lực lưỡng, săn chắc; da dày, lông mượt. Da dầy mới chịu được đau nếu như đối phương “cắm” sừng vào sẽ chả khác nào như cắm vào đá. Đầu phải mỏng, má nhỏ. Hai tai ngắn, ép sát vào thân. Lông tai phải dầy, dài che kín cả lỗ tai. Cổ phải to, ức lớn, phồng ra thì bò mới có sức. Đuôi phải to, dài. Lông đuôi cũng dài như mớ tóc gái mười 17. Hai mông chắc, thon nhỏ.

Bò chọi đáng giá nhất là cặp sừng. Sừng bò không dài và cong vểnh lên như sừng trâu. Nó chỉ dài chừng hơn gang tay. Sừng bò chọi được coi là chuẩn phải nhọn hoắt và vồng về phía trước. Có vậy mới sẵn sàng nghênh chiến và húc ngã được đối phương. Vào đấu trường, bò chủ yếu đấu sừng. Con nào mà không biết đấu sừng thì chỉ có dùng sức mà đẩy. Cạn sức là thua ngay. Nếu biết đấu sừng, nó “chơi” vài nhát vào cổ, vào tai đối phương, tóe máu, con đó chỉ còn nước bỏ chạy.

Điểm quan trọng không thể bỏ qua khi chọn bò chọi đó là đôi mắt. Mắt không quá to, lại phải sâu, con ngươi sáng quắc thì mới “máu chọi”, chứ mắt lồi ra thì vừa nhìn thấy bò chọi nhà khác là đã “ớn” rồi! A Tu bảo, bò mắt sáng, chọi khôn hơn trâu, đấu có chiến thuật hẳn hoi. Vào trận là nó biết tung ra những miếng đánh hiểm hóc, miếng ghì, miếng móc. Con dũng mãnh còn có miếng đánh rất “cảm tử”. Nó lùi xa rồi bất ngờ lao cả thân mình vào đối thủ. Cặp sừng sắc nhọn cắm phập vào mắt, vào cổ, hạ gục đối thủ ngay lập tức.

Về khoản chọn bò chọi, anh Tu có một bí quyết nhà nghề và vô tư chia sẻ, đó là: “Nhìn vào tim nó mình biết nó thích chọi hay không. Bò có tim ác thì nó mới “hiếu chiến”. Mà muốn biết tim nó ác hay hiền thì chỉ cần nhìn vào mắt nó, biết liền. Cái mắt nó, cái con ngươi ấy, lúc nào cũng long lên sòng sọc. Và đặc biệt là lúc nào cũng nhìn xuống, không nhìn thẳng lên trên bao giờ, cứ lấm la lấm lét. Con nào mà ánh mắt tỉnh bơ trước đám đông, đàng hoàng nhìn ra xung quanh, thoải mái ngắm trời ngắm đất thì… cái gan nó “bé’ và “yếu” lắm. Có thả vào “sới” cũng chỉ chạy, chứ chả biết chọi đường nào.

Bò chọi ít nhất phải là bò đực từ 5 tuổi trở lên, nhưng không được quá già. Muốn thắng đối phương trong hội chọi bò, chủ bò phải vỗ béo cả năm trời. Béo nhưng phải săn chắc chứ không phải là béo ục ịch.

Chọn được con bò chọi đủ tiêu chuẩn mới thắng lợi 50%. Chăm sóc bò chọi cũng phải có chế độ đặc biệt, cho ăn cháo cám, cháo ngô cùng với cỏ thái nhỏ. Bò chọi thường phải nuôi nhốt trong chuồng chứ không thả rông. Mà lại phải nhốt trong chuồng chật hẹp, để bò có bốn bắp chân to, khoẻ. Việc “cấm cung” như vậy là để bồi cho bò chọi tính khí nóng nảy, sẵn sàng nghênh chiến khi gặp đối thủ.

Từ thú chơi chọi bò chợ phiên đến trường đấu mỗi năm một lần

Cứ như lời anh Lý A Tu thì chọi bò là một thú chơi từ lâu của bà con người Mông ở Bảo Lâm. Cứ mỗi phiên chợ bò, người mang bò đi bán, người dắt bò đi khoe, cùng sở thích xem bò húc nhau. Thế là là cho chọi luôn. Vui một lúc, xong rồi mới nói chuyện bán mua. Thắng thua không quan trọng, miễn là “anh vui, tôi sướng”. Kết thúc cuộc đấu, hai chủ bò ngật ngưỡng bên chén rượu ngô, bát thắng cố bốc khói nghi ngút nối tình anh em...

Đông đảo hội chọi bò (Ảnh Mạnh Hà)

Chơi bò chọi đang là “mốt” của người dân các tỉnh vùng cao, từ Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng. Cho nên, nghe đâu có bò chọi hay là Lý A Dinh và anh em trong xóm tìm đến. Mua để vỗ béo, chờ hội chọi bò. Mua để đem bán, kiếm lời. Theo anh Lý Văn Dinh, một tay buôn bò có hạng ở đây thì nuôi bò chọi lãi hơn bò thịt nhiều lần. Buôn bò, mỗi năm trung bình Lý A Dinh cũng để ra được hơn 30 triệu tiền lãi. Riêng năm nay, gặp may, chỉ trong 6 tháng A Dinh đã lãi 50 triệu đồng.

Từ năm 2008 đến nay, năm nào huyện cũng tổ chức hội chọi bò vào ngày 20 tháng giêng. Và thế là hình thành một nghề mới ở vùng này - nghề nuôi bò chọi. Cả xóm Nậm Miòng, hầu như nhà nào cũng nuôi bò chọi. Riêng nhà Lý A Tu đã có 4 con bò chọi. Khác với hội chọi trâu Đồ Sơn, những con thắng cuộc đều bị giết thịt tế thần, các “tráng sĩ bò” ở đây, sau hội chọi được vinh danh và thường được người mua trả giá cao ngất ngưởng! Và “tráng sĩ” ấy còn có mặt trong nhiều hội chọi bò vùng Tây Bắc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên