Bảo tồn di sản kiến trúc ở TP.Hồ Chí Minh còn nhiều mâu thuẫn
VOV.VN - Công tác bảo tồn di sản kiến trúc cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng và toàn thể xã hội.
Công tác bảo tồn di sản kiến trúc hiện còn gặp nhiều khó khăn do mâu thuẫn về pháp lý. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” được tổ chức sáng 10/6 tại TP HCM.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết: Thành phố hiện có 172 di tích, trong đó chỉ có 40 di tích (chiếm khoảng 23%) có thể phát huy thành điểm đến du lịch. Mặc dù số lượng các di tích còn ít, nhưng trong các điểm đến phải ghé thăm khi du lịch TPHCM thì đều là các công trình kiến trúc di sản bởi nó tạo nên giá trị hấp dẫn.
Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị. |
Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị nhận định, hiện nay do hoàn cảnh xã hội và các quy luật của kinh tế thị trường làm cho cơ cấu sử dụng đất thay đổi nên đang có nhiều mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc. Do vậy, giải pháp xử lý mâu thuẫn này là biến bảo tồn thành nguồn lực, tạo kinh phí cho sự phát triển.
Đối với Nhà nước, có 3 công cụ có thể sử dụng là: quy hoạch sử dụng đất, đầu tư hạ tầng cơ sở và sử dụng chính sách thuế. Các chính sách của Nhà nước không chỉ là quy định bắt buộc mà phải nâng đỡ, bảo vệ quyền lợi của người sở hữu di sản.
Ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích TPHCM. |
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích TPHCM cho rằng, công tác bảo tồn di sản kiến trúc cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng và toàn thể xã hội. Hiện việc quản lý công tác tu bổ di tích còn chồng chéo giữa nhiều cơ quan chức năng, kinh phí hạn chế nên không hiệu quả. Nhiều chủ sở hữu di tích còn e ngại việc kiểm kê, xếp hạng di tích làm giới hạn việc sửa chữa, cải tạo phát triển cơ sở vật chất. Đặc biệt là nhiều luật chi phối công tác này như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…
Ông Quân nói: "Về pháp luật hiện còn chồng chéo nhiều vấn đề tạo nên nhiều mâu thuẫn. Khi tu bổ di tích, theo Luật Di sản văn hoá thì cần ý kiến của Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, nhưng Sở Xây dựng lại cần lấy thêm ý kiến của Cục Di sản văn hoá. Đến giờ nhiều công trình gây khó cho chủ đầu tư vận động nguồn xã hội hoá phải bắt đánh giá tác động môi trường, mà đối với di sản cấp quốc gia phải chuyển Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cũng gây phức tạp"./.