Dạo chơi cùng di sản
VOV.VN - Có đi mới thấy, có nghe mới biết, đâu đó giữa bộn bề cuộc sống vẫn còn bao người đang gìn giữ nét đẹp văn hóa theo cách rất riêng.
Không đơn thuần là cuộc dạo chơi, chúng tôi được chạm tay vào miền ký ức của những công trình kiến trúc cổ xưa, nghe kể chuyện ngày cũ và cảm nhận rõ vẻ đẹp của di sản Việt.
Ngược dòng phố xá
Điểm đến đầu tiên trong hành trình “hoài cổ” là The Villa (thường được gọi là biệt thự Phương Nam) - căn biệt thự nổi tiếng trên đường Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM. Mặc dù đang trong quá trình trùng tu nhưng vẻ đẹp hiện có xen lẫn những câu chuyện kể thú vị bạn đồng hành chia sẻ đã giúp chúng tôi cảm nhận rõ hơn giá trị của công trình mà nhiều người Sài Gòn chưa có dịp ghé thăm.
Du khách nghe kể về lịch sử áo dài Nam Bộ xưa trong không gian nhà cổ họ Trần tại Bình Dương. |
Được xây dựng từ những năm 20 của thế kỷ trước, đến nay, The Villa được xem là công trình độc nhất vô nhị và hiếm hoi còn lại tại TP.HCM. Theo tài liệu còn lưu, căn biệt thự độc đáo này được xây dựng bằng vật liệu cao cấp chuyển trực tiếp từ Pháp về Việt Nam được hàng trăm thợ giỏi nghề xây trong vòng 1 năm. Từng bậc thang, mái vòm đến các bức tranh trên tường đều gắn liền với những câu chuyện đẹp của người yêu văn hóa, am hiểu về kiến trúc, lịch sử. Đứng trước một di sản kiến trúc trên trăm tuổi, đầu đội mũ bảo hộ ngắm nhìn các đội thi công đang tỉ mẩn trùng tu từng hạng mục, chúng tôi mỉm cười vì biết không bao lâu nữa ngay lòng Sài Gòn nhộn nhịp sẽ có một bảo tàng văn hóa miền Nam, nơi nhiều người có thể thoải mái ghé thăm để tận hưởng những điều đẹp nhất từ ngày ấy đến bây giờ.
Từ biệt thự Phương Nam, chúng tôi xuôi sông Sài Gòn về Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương để hòa mình vào không gian cổ kính của một di sản kiến trúc độc đáo khác: Đình thần Phú Long. Được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, kiến trúc đình Phú Long là sự hòa trộn phong cách Việt - Hoa. Trong đó, rõ nét nhất là mặt bằng theo dạng “nội tam ngoại quốc” với tòa nhà 5 gian không chái có nét giống kiểu đền miếu Quảng Đông. Trên bờ mái có sản phẩm trang trí như lưỡng long tranh châu, tượng lân, ông Nhật, bà Nguyệt…, được đắp nổi gốm Lái Thiêu danh tiếng do các nghệ nhân giỏi nghề bậc nhất thời kỳ ấy từ Huế vào thực hiện. Mặt tiền trang trí mang phong cách Việt với đề tài tùng lộc, hoa điểu, trúc tước, long hổ hội... hết sức sống động. Bao quanh bốn mặt tường của trung điện là các nhân vật được làm theo dạng tiểu tượng, tái hiện lại những điển cố trong tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Hoa. Đây là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia nhưng ít ai biết đến vì chưa mở cửa phục vụ khách du lịch.
Điều khiến chúng tôi xúc động là Đình thần Phú Long dù được xây dựng từ lâu nhưng từng nét chạm trổ, từng bức tranh, pho tượng trong đình đều được giữ gìn cẩn thận. Không gian ấm cúng với gỗ và tranh, tượng trở nên ý nghĩa hơn khi bàn thờ Bác Hồ được bày biện tại khu vực chính, nơi ai có dịp ghé thăm cũng dễ dàng tìm đến. Thắp nén hương trầm nghi ngút khói, mỗi người đứng trước gian chính, gian phụ, nhắm mắt khấn vái với lòng thành khẩn. Ở đây, trong hơi gió của sông, hương trầm ấm nồng, những bộn bề được gác lại để mọi người cùng nhau hòa vào dòng cảm xúc rất đặc biệt góp nhặt từ những điều cũ xưa.
Ngược về Thủ Dầu Một, băng qua khu chợ quê, chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của nhà cổ Trần Công Vàng. Ngôi nhà vẫn được các thế hệ sau của chủ nhân sử dụng mỗi ngày và bảo tồn gần như nguyên vẹn từ kiến trúc đến nội thất. Nhà dạng chữ Đinh, mái thấp mang dấu ấn của phong cách kiến trúc miền Trung. Qua lời kể của người dẫn chuyện, chúng tôi hiểu rõ ý nghĩa của từng tác phẩm điêu khắc cùng những lời hay ý đẹp trên hoành phi, liễn đối tại công trình kiến trúc gần 130 tuổi này. Không chỉ là những lời căn dặn của tiền nhân với các thế hệ con cháu về nếp sống, những gì còn lưu giữ tại ngôi nhà cổ giúp chúng tôi hiểu hơn về lịch sử của vùng đất Sông Bé ngày xưa, nơi những cư dân Ngũ Quảng hàng trăm năm trước chọn Nam tiến để góp phần tạo nên một Nam bộ đầy cá tính và đậm bản sắc như ngày nay.
Rót trà nóng ra những chiếc tách nhỏ trắng tinh và chuẩn bị sẵn bánh ngọt quê mời khách, bà Trần Thị Ánh Tuyết, chủ nhân hiện tại của ngôi nhà cổ cho biết, gia đình bà quyết định mở cửa đón người lạ ghé thăm như một cách để tri ân tiền bối. “Chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều người, đặc biệt là bạn trẻ đến đây tham quan và nghe kể những câu chuyện đẹp gắn liền với ngôi nhà này để họ biết thêm về văn hóa miền Nam, từ đó có cách gìn giữ, phát triển. Mỗi tác phẩm, vật dụng trong nhà đều có câu chuyện của riêng nó”, bà Tuyết vui vẻ nói.
Bạn đồng hành là… người trẻ
Bên cạnh sự độc đáo của các công trình thì điều thú vị mà chúng tôi cảm nhận được từ chuyến đi là những bạn đồng hành đặc biệt. Họ trẻ, rất trẻ, đa phần là sinh viên hoặc mới tốt nghiệp. Họ mang đến cho du khách những câu chuyện đẹp, hay và đôi khi rất mới mẻ về kiến trúc, di sản và văn hóa vùng miền. Gọi là người kể chuyện bởi đơn vị thiết kế tour không sử dụng những hướng dẫn viên khuôn mẫu cùng kịch bản có sẵn mà tìm những người trẻ yêu văn hóa, di sản và mời họ cùng đồng hành. “Đây là sự trải nghiệm mà chúng tôi muốn dành tặng du khách, những người yêu di sản.
Tìm hiểu và trải nghiệm quy trình làm gốm thủ công. |
Người kể chuyện cho chúng ta nghe trong suốt hành trình khám phá là những bạn trẻ yêu văn hóa Sài Gòn, yêu Nam bộ. Họ có thể là người rất trẻ nhưng với niềm đam mê và sự mày mò, tìm tòi của mình, họ sẽ mang đến cho chúng ta những câu chuyện thú vị, bất ngờ. Đó còn có thể là những người kể chuyện lớn tuổi, những hướng dẫn viên kỳ cựu nay đã về hưu, họ nắm Sài Gòn trong lòng bàn tay và rất yêu Sài Gòn, Nam bộ. Chúng tôi muốn tích hợp những câu chuyện kể với các vệt di sản văn hóa để tạo nên một tour trải nghiệm đặc thù, chưa hề có”, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Giám đốc Nam Thi Travel, đơn vị thiết kế tour dạo chơi cùng di sản đầu tiên tại TP.HCM phấn khởi nói.
Quả đúng như vậy, trên hành trình từ TP.HCM về Bình Dương, chúng tôi say sưa với những câu chuyện kể khá duyên dáng của Trương Trần Trung Hiếu, tân cử nhân Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Là thành viên “Tản mạn kiến trúc”, một nhóm bạn trẻ yêu và muốn giữ gìn những nét đẹp về kiến trúc, di sản, văn hóa xưa, Hiếu khiến người nghe bất ngờ với sự am hiểu về di sản, lịch sử qua từng câu chuyện kể gần gũi, có chiều sâu. Đó là sự giải thích khéo léo về các địa danh gắn liền với Sài Gòn, Nam bộ mà em thu thập được từ các nguồn tư liệu. Đó là những điển tích, điển cố tưởng chừng khô khan nhưng khi lồng ghép hợp lý lại rất dễ nhớ. Và đó còn là tình yêu mà những người trẻ như em muốn gửi gắm đến bạn đồng hành thông qua sự hào hứng mỗi khi được nói về di sản, kiến trúc.
Tại nhà cổ Trần Công Vàng, một bạn trẻ khác được “chọn mặt gửi vàng” để kể khách đến chơi nghe câu chuyện về áo dài Nam kỳ xưa. Nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng đầy kiến thức thú vị, người kể chuyện giúp chúng tôi hiểu về tà áo truyền thống mình đang mặc ngày nay và yêu mến những chiếc áo dài 5 tà, tay dài, áo chẽn… bày biện trang trọng trên bàn. Chúng tôi mê mẩn ngắm nghía từng tà áo, chiếc khăn, háo hức mặc thử và cảm nhận rõ sự tự hào, trân quý đang chảy trong tâm hồn.
Cũng là người trẻ, họ lại kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện khác về hành trình giữ gìn văn hóa miền Nam, về làng nghề gốm sứ “vang bóng một thời” tại Bình Dương. Họ là nghệ nhân trẻ, quyết bám nghề gốm thủ công để giữ lại nếp xưa trước nguy cơ mai một. Cách họ mân mê miếng đất sét trong tay hay sờ nhẹ vào từng hoa văn chạm nổi khi kể cho khách nghe về nguồn gốc các dòng gốm miền Nam đủ để chúng tôi thấy được tình yêu di sản, văn hóa và quyết tâm bảo vệ làng nghề. Ngậm ngùi một chút, hân hoan một chút nhưng khi kết thúc hành trình bao hy vọng, niềm tin lớn dần. Niềm tin về sự phát triển mạnh mẽ hơn của văn hóa miền Nam nói chung và Sài Gòn - TP.HCM nói riêng khi may mắn vẫn còn rất nhiều người trẻ thấu hiểu và yêu nét đẹp của người xưa để lại./.