Đề xuất chỉnh sửa công trình không phép tại chùa Hương
Hương nghiêm pháp đường xây dựng không phép tại chùa Hương được phép giữ lại nhưng phải chỉnh sửa một số chi tiết cho phù hợp với cảnh quan và đạo Phật.
Sáng 15/1, Sở Văn hóa Hà Nội tổ chức lấy ý kiến Cục Di sản (Bộ Văn hóa), các ban ngành liên quan và chuyên gia về giải pháp xử lý sai phạm ở di tích cấp quốc gia chùa Hương Tích - khu vực Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). 2 công trình được đề cập đến là Hương nghiêm pháp đường cao 3 tầng, xây không phép và tháp chuông chùa Thiên Trù thi công chưa đúng hồ sơ phê duyệt.
Công trình nhà khách Hương nghiêm pháp đường có quy mô hoành tráng cao 3 tầng được xây dựng không phép tại di tích chùa Hương. Ảnh: Gia Chính. |
Theo PGS.TS Phạm Mai Hùng - ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, di tích chùa Hương bị xâm hại cả về kiến trúc lẫn môi trường, cảnh quan trong nhiều năm, nhất là sự xuất hiện của công trình đồ sộ như Hương nghiêm pháp đường. Tuy nhiên, nếu đập bỏ nhà khách này sẽ rất lãng phí.
PGS Trần Lâm Biền - ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia ban đầu cho rằng phải phá dỡ như toà nhà 8B Lê Trực nhưng sau khi đi thực địa đã thay đổi ý kiến. Ông cho rằng, vị trí của Hương nghiêm pháp đường không đứng trước điện Mẫu, không che khuất Phật điện, nằm ở phía bên và trên nền những nhà khách trước đây nên không ảnh hưởng yếu tố gốc của di tích. Tuy nhiên, công trình này lớn, át đi những kiến trúc khác. Do đó, dù không cần thiết phá bỏ vẫn cần tách khối công trình này ra bằng cách trồng các cây lâu niên lớn để che bớt.
PGS Biền đề nghị bỏ hết những con giống có hình dáng xa lạ với truyền thống của người Việt được trang trí ở lan can thành bậc, trên nóc mái hay hệ thống thoát nước. "Các tháp đá 11 tầng trang trí tiền sảnh cũng phải phá bỏ. Tháp này là dành cho Phật, đặt như ở chùa Hương hóa ra Phật ở dưới trần gian", ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia nói.
Các con giống có hình dáng xa lạ ở hệ thống thoát nước, trên nóc mái, lan can... của Hương Nghiêm pháp đường được đề nghị phá bỏ trước Tết Nguyên đán 2016. Ảnh: Gia Chính. |
Một loạt các chi tiết như đầu trụ lan can giống đền, cung điện Trung Quốc được PGS Biền kiến nghị thay bằng những con trụ đặt bộ lá sen úp có đường gân. Tất cả chi tiết chỉnh sửa này cần được thiết kế bởi các kiến trúc sư hiểu biết về đạo Phật và có sự phê duyệt của cơ quan chức năng.
Ý kiến trên nhận được sự đồng thuận cao của lãnh đạo Cục Di sản, Sở Văn hóa Hà Nội… và được đưa vào bản kết luận xin ý kiến Bộ Văn hóa, UBND thành phố cùng đề xuất đổi màu sơn của Hương nghiêm pháp đường thành gam trầm hơn giúp giảm độ nổi bật và phù hợp với không gian núi rừng của thắng cảnh.
Để việc chỉnh sửa các sai phạm được nhanh chóng, dễ kiểm soát, Phó giám đốc Sở Văn hóa Trương Minh Tiến đề xuất chia giai đoạn thực hiện. Từ nay đến trước Tết Nguyên đán có thể phá hết các con giống ở hệ thống thoát nước, bỏ tháp 11 tầng và thay bằng các chậu hoa. Cầu trụ lan can và việc sơn màu lại toàn bộ Hương nghiêm pháp đường cũng có thể thực hiện trong gia đoạn này. Ở giai đoạn tiếp theo, UBND huyện Mỹ Đức sẽ đề xuất thiết kế chi tiết rồi trình lên Sở, Cục Di sản, Bộ Văn hóa xin ý kiến.
Sở VH-TT Hà Nội: Công trình mới tại chùa Hương xây dựng không phép
Công trình tháp chuông chùa Thiên Trù đã tu bổ với màu sơn không phù hợp được đề xuất bóc ra hết để trả lại màu tự nhiên cho các cấu kiện gỗ kể cả cột, xà, dui. Những cấu kiện cũ cần được đánh giá phân loại để đưa những gì có giá trị vào nhà trưng bày, cái không sử dụng được sẽ tiêu hủy.
Trước đó, ngày 21/12/2015 trong cuộc làm việc của đoàn thanh tra liên ngành với Ban quản lý khu di tích, trụ trì nhà chùa, lãnh đạo huyện Mỹ Đức thừa nhận Hương nghiêm pháp đường được xây dựng không phép nhưng mong muốn được giữ lại công trình này.
Được khởi công năm 2011 và đưa vào sử dụng từ năm 2013, Hương nghiêm pháp đường khá đồ sộ, cao 3 tầng, rộng hơn 400 m2, bên trong có nhà ăn lát sàn gỗ, phòng khách, nhà hội họp, kho... Toàn bộ cầu thang và lan can đều được lát bằng đá.
Tòa nhà có nhiều hình thù kiến trúc lạ. Dọc đường lên xuống xuất hiện bức phù điêu hình đầu rồng, gắn vòi voi, mũi sư tử không có trong nghệ thuật tạo hình của Việt Nam. Nhiều du khách đến tham quan bất ngờ khi nhìn thấy công trình lạc lõng, có kiến trúc lạ mọc lên giữa những ngôi chùa cổ kính của quần thể danh thắng Hương Sơn.
Sau các cuộc kiểm tra, Phó giám đốc Sở Văn hóa Trương Minh Tiến khẳng định, công trình này xây dựng không phép, không đúng Luật di sản. Hương nghiêm pháp đường xây trong vùng lõi di sản Thiên Trù - là khu vực 1 thuộc phạm vi bảo tồn nguyên trạng, không được phá vỡ cảnh quan. Theo Luật Di sản, việc xây dựng trong di tích cấp quốc gia cần được sự đồng ý của Bộ trưởng Văn hóa.