Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội: Cần sự nuôi dưỡng của cộng đồng
VOV.VN - Trong khi nhiều di sản đang có nguy cơ mai một thì không ít di sản được phục hồi từ nhiệt huyết, đam mê của các nghệ nhân và người dân.
Hồi sinh nhiều di sản quý
Múa đánh bồng thường gắn với lễ hội làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì được coi là một trong những điệu múa cổ độc đáo nhất của đất Thăng Long mà người làng Triều Khúc đã dày công gìn giữ. Khoảng thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, múa đánh bồng đã từng bị mai một do thời kỳ chiến tranh. Mãi đến những năm 80, các bậc cao niên trong làng trăn trở với làn điệu truyền thống của tiền nhân để lại nên đã cất công khôi phục. Đến nay điệu múa đánh bồng đã thu hút sự tham gia của nhiều người, trở thành niềm tự hào của người dân làng Triều Khúc.
Nhiều điệu múa cổ, làn điệu hát, lễ hội, nghề truyền thống rất quý được hồi sinh từ chính cộng đồng làng xã.
Điệu múa con đĩ đánh bồng được người làng Triều Khúc dày công giữ gìn. (Ảnh: Vũ Toàn) |
Theo lời kể của các cụ cao niên xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, hội chèo tàu của quê hương cuối cùng được tổ chức vào năm 1922, đến năm 1998, hội được khôi phục. Từ đó, CLB hát chèo tàu tổng Gối xã Tân Hội được thành lập với 20 người ban đầu, sau một thời gian số hội viên tăng dần, đến nay đã có 60 người. Đến với nhau, họ cùng chung niềm đam mê và lòng tự hào với di sản vốn quý của làng xã để quên đi những vất vả trong cuộc sống.
Những ánh lửa đam mê
Những người trăn trở, đam mê với di sản ngày đêm cần mẫn khôi phục, phát huy, trao truyền cho thế hệ trẻ. Thậm chí họ vẫn phải bỏ kinh phí riêng để duy trì sức sống cho di sản, để khích lệ lớp trẻ tham gia.
Gặp ông Âu Xuân Kiên, Trưởng ban quản lý di tích đình - chùa Trường Lâm, phường Việt Hưng (quận Long Biên), nghe ông kể chuyện về bảo tồn điệu múa lột rắn mới thấy sự đam mê của ông với nghi lễ cổ này. 20 năm qua ông gắn bó với chức Trưởng ban quản lý di tích và điệu múa lột rắn truyền thống bằng lòng nhiệt huyết, thậm chí việc nhà bận rộn ông cũng gác lại, sức khỏe yếu ông cũng gắng gượng đi. Bởi theo ông, các cụ trong làng có công khai sáng ra di sản quý thì thế hệ như ông phải có công gìn giữ. Ông Âu Xuân Kiên lo lắng bởi ông tuổi cũng cao, những người kế tục sau này có đủ nhiệt huyết để duy trì tốt các nghi lễ múa cổ hay không?
Chủ nhiệm CLB múa bồng Triều Khúc, ông Triệu Đình Hồng nói về điệu múa đánh bồng: “Cả đời tôi đam mê với múa bồng, ngoài thời gian lo công việc riêng, cứ rảnh lúc nào tôi lại dồn công sức cho di sản cha ông để lại”.Cần mẫn vận động, truyền dạy đến nay số nam thanh niên tham gia múa thường xuyên lên tới vài chục người. Ngoài ra, ông còn vào Trường THCS Tân Triều dạy múa cho các cháu học sinh nam.
Nhiều người gắn bó với di sản như một cái nghiệp, không chỉ nhiệt tình mà còn là niềm đam mê, có thể hy sinh cả cái riêng cho sự phát triển của di sản. Tuy vậy, để có sức sống bền vững, di sản vẫn cần sự tiếp sức từ nhiều phía, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan chức năng./.