Dinh Thượng Thơ cần được bảo tồn
VOV.VN - Câu chuyện “số phận” Dinh Thượng Thơ, một kiến trúc xưa từ thời Pháp thuộc ở TP.Hồ Chí Minh lại thêm một lần “nóng”.
Câu chuyện “số phận” Dinh Thượng Thơ, một kiến trúc xưa từ thời Pháp thuộc ở TP.HCM lại thêm một lần “nóng”, cũng như ngoài Dinh Thượng Thơ còn các công trình kiến trúc xưa tương tự ở TP.HCM. Hủy bỏ, bảo tồn, và bảo tồn như thế nào?
Tại Hội thảo “Đánh giá về giá trị và giải pháp bảo tồn kiến trúc” công trình Dinh Thượng Thơ tại địa chỉ 59-61 Lý Tự Trọng, Q1, TP.HCM do Sở Quy hoạch- Kiến trúc TP.HCM vừa tổ chức, hầu hết ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử và kiến trúc khẳng định giữ lại Dinh Thượng Thơ là không thể khác. Vấn đề cần bàn là giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của công trình kiến trúc cổ này như thế nào?
Hội thảo “Đánh giá về giá trị và giải pháp bảo tồn kiến trúc” công trình Dinh Thượng Thơ. |
Cần có cơ sở pháp lý về công trình
Chuyên gia sử học Trần Hữu Phúc Tiến đưa ra nhiều căn cứ sử liệu, đề nghị thành phố giữ nguyên hiện trạng, không phá bỏ tòa nhà đồng thời khảo sát toàn bộ kiến trúc, tầng hầm và lập phương án trùng tu. Theo ông Tiến, ô đất giáp ranh đường Đồng Khởi- Lý Tự Trọng- Lê Thánh Tôn chính là khu vực pháo đài ở cổng thành phía Nam, mang tên Càn Nguyên của Thành Gia Định xưa.
Ngay từ những năm 1860, người Pháp đã quy hoạch xây dựng Dinh Thượng Thơ và sau đó là Dinh Xã Tây (trụ sở UBND thành phố hiện tại). Từ 1861- 1879, Pháp thiết lập chính quyền quân quản ở Sài Gòn và sau đó ra toàn Nam kỳ. Người Việt gọi là “soái phủ”, đứng đầu là Đô đốc Thống đốc nhưng 4 năm đầu chưa có bộ máy riêng về hành chính dân sự.
Dinh Thượng Thơ. |
Năm 1864, Thống đốc Nam kỳ mới ra quyết định thành lập Direction de I' Interieur (Bộ Nội vụ), viết tắt là DI- hiện hai chữ này còn nguyên trên cửa sắt ở cổng tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng và trở thành dấu tích mở đầu lịch sử hành chính đô thị và hành chính quốc gia hiện đại.... "Nền của hai công trình kiến trúc quan trọng này ẩn chứa di tích không chỉ của Thành Gia Định mà còn của làng Tân Khai, chiếc nôi của người Việt trên đất Sài Gòn".
Theo GS-TS-KTS Nguyễn Trọng Hòa, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, một trong những bức xúc nhất liên quan đến công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố hiện nay là hàng loạt chủ đầu tư xin phép tháo dỡ một số các biệt thự cũ, chủ yếu xây từ thời Pháp thuộc, để xây dựng mới.
Trong số này, có những công trình tuy chưa được xếp hạng di tích, nhưng không phải là không có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, rồi cho là không cần bảo tồn. Riêng đối với tòa nhà Dinh Thượng Thơ, thời gian gần đây có khá nhiều ý kiến tranh luận vềviệc bảo tồn hay tháo dỡ để phục vụ cho việc cải tạo, mở rộng trụ sở làm việc của UBND TP.HCM.
Phân tích giá trị di sản của công trình, ông Hòa khẳng định: “Đây là một dinh thự cũ còn khá nguyên vẹn, có khối tích khá đồ sộ, đặc trưng cho thể loại công trình kiến trúc mà người Pháp đã xây dựng trước đây tại khu vực khí hậu nhiệt đới Đông Nam Á, nên có giá trị về mặt kiến trúc rất rõ, còn giá trị về lịch sử và văn hóa thì khỏi phải nói nữa”.
Vì thế, không thể nói Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách kiểm kê bảo tồn mà muốn làm gì cũng được. Ông cho rằng: “Việc cần làm đầu tiên là phải đưa ngay công trình này vào danh mục kiểm kê bảo tồn để bắt buộc phải bảo tồn theo các quy định của Luật Di sản văn hóa”.
Dinh Thượng Thơ xưa. |
Đồng quan điểm, PGS.TS.KTS Trần Văn Khải, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM nhấn mạnh: “Thật sai lầm khi cho rằng được phép phá bỏ Dinh Thượng Thơ do công trình chưa được xếp hạng. Việc phá bỏ các di sản kiến trúc đô thị kiểu như thế bị coi là hành vi “tự sát về văn hóa”. Bởi bảo tồn di sản kiến trúc đô thị là tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và xã hội, quảng bá di sản dân tộc. Thực tế cũng cho thấy, các thành phố có bản sắc nổi bật là nơi hấp dẫn về đầu tư, du lịch.
Chính vì vậy, nếu lỗi do chưa được xếp hạng hay đưa vào danh mục kiểm kê di tích thì ngay từ bây giờ, phải tiến hành hoàn thiện cơ sở pháp lý để xếp hạng di tích đối với Dinh Thượng Thơ, nếu không sẽ lần lượt đến Bưu điện Thành phố và nhiều công trình có giá trị kiến trúc cổ khác cũng bị đập bỏ thay bằng nhà hộp kính.
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn: “Việc cho rằng công trình phải được đưa vào danh sách xếp hạng di tích thì mới bảo tồn là cách làm mang tính cứng nhắc lâu nay, cần thay đổi. Không riêng gì Dinh Thượng Thơ, việc bảo vệ các di sản chưa được xếp hạng cần một hành lang pháp lý cụ thể hơn, để về sau không còn tiếp tục xảy ra tình trạng nhiều công trình di sản bị đe dọa. Theo đó, cần tiếp tục điều chỉnh những thiếu sót của Luật Di sản văn hóa hiện hành, đặc biệt là lĩnh vực bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc”.
Cần bảo tồn nguyên trạng, tại chỗ di sản kiến trúc
KTS Lê Quang Ninh, Hội Kiến trúc sư TP.HCM, một trong những người kịch liệt phản đối phương án phá dỡ Dinh Thượng Thơ để mở rộng trụ sở làm việc của UBND TP.HCM nói kiên quyết: “Giữ lại Dinh Thượng Thơ là chuyện đương nhiên không phải bàn. Ai là người tham mưu đưa ra phương án phá dỡ công trình kiến trúc cổ này thì nên xem lại”.
Ông Ninh phân tích, nhu cầu điều hành một đô thị văn minh không nằm trong việc xây dựng trụ sở đồ sộ mà nằm trong việc áp dụng “Cách mạng Công nghệ 4.0”, vì thế không cần phải dịch chuyển công trình này đi đâu, mà phải bảo tồn nguyên trạng, tại chỗ.
TS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc của Dinh Thượng Thơ là rất rõ ràng. Sự hình thành và tồn tại của công trình gắn liền với quá trình phát triển của thành phố, đặc biệt là nằm trong khuôn viên lưu giữ khá nhiều ký ức về hồn đô thị.
Do đó, nên xem xét lại việc vì sao không được đưa vào danh mục kiểm kê di tích để xếp hạng? Không riêng gì Dinh Thượng Thơ mà còn nhiều công trình khác trên địa bàn như Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà…
Ông Chính còn lưu ý, đối với một thành phố đặc biệt như TP. Hồ Chí Minh thì quá trình phát triển đô thị không nên làm biến dạng công trình Dinh Thượng Thơ, và càng không nên chuyển dịch đi đâu, mà nên bảo tồn nguyên trạng tại chỗ để gìn giữ và phát huy giá trị của công trình.
Phân tích dưới góc nhìn khảo cổ học đô thị, TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phát biểu: “Kiến trúc của tòa nhà được đánh giá là cá biệt trong vùng Đông Nam Á. Dinh Thượng Thơ, do KTS Marie-Alfred Foulhoux thiết kế, có lịch sử lâu dài hơn Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát thành phố, Bưu điện, Tòa án nhân dân..., sự tồn tại của Dinh Thượng Thơ đóng góp vào sự phát triển bền vững của đô thị, đáp ứng thỏa mãn các nhu cầu về tinh thần của cộng đồng, lưu giữ ký ức hồn đô thị trong xã hội hiện đại.
Qua đó bà kiến nghị bảo tồn công trình một cách nguyên trạng và ngay tại vị trí hiện hữu. Trùng tu toàn bộ và có thể thay đổi chức năng để phù hợp với quy mô và sức bền của công trình… Nên hướng công trình trở thành di sản cho đời sau chứ không nên phá bỏ từ bây giờ để đời sau hụt hẫng, trở nên “nghèo” nàn vốn văn hóa…”
Riêng có ý kiến khác từ ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, một công trình nằm ngay quận 1, sau lưng UBND thành phố mà "bị bỏ quên không xếp hạng và không được tôn trọng" là điều đáng suy nghĩ. Công trình này có thể chưa đủ sức hấp dẫn, chưa gây ấn tượng cho cộng đồng, nghĩa là giá trị nơi chốn đô thị chưa đạt. Thực tế, người dân thành phố, các nhà khoa học, kiến trúc sư rất ít người biết đến Dinh Thượng Thơ và trong ký ức của họ không tồn tại hình ảnh của một công trình di sản…
Các chuyên gia Steven Hsun Lee (ĐH Harvard, Mỹ) và đại diện của TS-KTS Tô Kiên (Nhật Bản) cũng mang tới hội thảo nhiều kinh nghiệm quý báu về bảo tồn các công trình cổ của châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Qua nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu kiến trúc và văn hóa, lịch sử thể hiện sự tâm huyết với công trình Dinh Thượng Thơ, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc TP.HCM cho biết sẽ tập hợp và báo cáo cho lãnh đạo chính quyền thành phố. Đồng thời phối hợp với Sở Văn hóa- Thể thao xem xét, đánh giá lại toàn bộ giá trị của công trình để có đầy đủ cơ sở cho việc bảo tồn công trình kiến trúc cổ này.
Việc bảo tồn Dinh Thượng Thơ và các công trình kiến trúc xưa nói chung của TP.HCM thể hiện chính quyền thành phố văn minh trong ứng xử với di sản lịch sử, hiện đại theo xu hướng bảo vệ di sản văn hóa của thế giới và nghĩa tình với quá khứ của mảnh đất mình đang sinh sống./.