Khăn Piêu của phụ nữ Thái đen Tây Bắc
VOV.VN - Chiếc khăn Piêu của người phụ nữ Thái không chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Khăn Piêu được phụ nữ Thái dệt từ bông vải. Khi vải dệt thành tấm đem nhuộm chàm vài lần cho kỹ, vải sẽ không bị bạc màu, sau đó nhuộm vỏ một loại cây rừng để cho vải cứng dễ thêu như hồ. Bà con thường dùng khổ vải rộng khoảng 40 phân, dài khoảng một sải và được thêu thùa 2 đầu khăn. Vải được nhuộm chàm đen hoặc nhuộm nin (loại cây giống cây chàm chỉ dùng để nhuộm vải thành màu đen).
Khăn Piêu sắp thêu hoàn thành. |
Chỉ thêu khăn Piêu thường dùng chỉ tơ tằm nhuộm thành màu xanh, đỏ, tím, vàng... Có 2 loại Piêu theo cách gọi của bà con, một loại gọi là Piêu xôn được thêu đơn giản, không cầu kỳ, thêu chỉ đỏ xen kẽ xanh, đỏ, tím, vàng theo ô khổ vải, giữa các ô được thêu hình cây, quả trám và hoa... Một loại khăn Piêu nữa gọi là Piêu xéo được thêu cầu kỳ nhiều hoa văn rực rỡ phối các chỉ màu thêu trên nền 2 đầu khăn.
Thêu xong, chị em thường dùng vải đỏ làm nẹp viền theo nép khăn và đính cút piêu (gần giống như diềm để trang trí khăn Piêu đẹp hơn). Các cút Piêu được làm từ vải đỏ được cuộn tròn, bên trong lõi là sợi vải. Người cuộn phải rất khéo léo sao cho cút piêu này giống hình ngọn cây dương sỉ và thêu sen kẽ các chỉ màu, xanh, đỏ tím vàng.
Chị Cầm Thị Xuân ở bản Hài, phường Chiềng An, thành phố Sơn La cho biết: “Tôi học thêu khăn Piêu từ nhỏ, muốn cho khăn Piêu đẹp người thêu phải kiên trì, thêu theo từng đường vải thành hoa văn pha với các loại chỉ màu, khi nhuộm chỉ cho vài hạt muối chỉ sẽ không bị xù, chỉ mịn thêu dễ và đẹp”.
Khăn Piêu của phụ nữ Thái (Ảnh: VnExpress) |
Trong trang phục của người phụ nữ Thái đen không thể thiếu chiếc khăn Piêu. Khăn Piêu được dùng trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, che nắng, che gió, giữ ấm về mùa đông. Khăn Piêu còn thường để làm quà cưới của cô dâu ngày cưới tặng nhà chồng. Khăn Piêu dùng để biểu diễn văn nghệ, làm vật kỷ niệm tặng bạn trai trong cuộc vui chơi ném còn ngày tết. Người con gái khi mặc trang phục truyền thống, đội đầu khăn Piêu càng tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Thái duyên dáng trong bộ áo cóm, rực rỡ sắc màu của chiếc khăn Piêu.
Chị Cà Thị Chung ở bản Tông, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La người chuyên thêu khăn Piêu cho biết: “Người Thái thêu khăn Piêu không chỉ để làm quà cho con gái về nhà chồng mà còn để phòng trong nhà khi cần đến, vì hiếu hỷ của đồng bào Thái cũng cấn đến khăn Piêu, trong nhà tôi lúc nào cũng có khoảng 10 chiếc khăn để dành”.
Trong đám hiếu của đồng bào Thái phải có từ 4 đến 8 chiếc khăn Piêu để làm đồ lễ cho người đã khuất. Đặc biệt khi vợ hoặc chồng về với tổ tiên trước, một chiếc khăn Piêu sẽ được cắt đôi ra, một nửa cho vợ hoặc chồng người ở lại và đến khi người đó cũng về với tổ tiên thì sẽ mang cho người đó. Bà con cho rằng khi cùng về với tổ tiên chiếc khăn Piêu sẽ là vật giao ước để lên thiên đàng nhận lại nhau, lấy chiếc khăn đó ghép vào nhau thành một và nhận lại vợ chồng như thời đang sống dưới trần gian.
Chị Cầm Thị Xuân ở bản Hài, phường Chiềng An cho biết thêm: “Từ đời cha ông đến con cháu bây giờ khi có đám hiếu hỷ phải có khăn Piêu, khăn Piêu không thể thiếu được”.
Xã hội ngày một phát triển, với nhiều trang phục hiện đại, đa dạng, tiện dụng làm ảnh hưởng không ít đến việc bảo tồn và lưu giữ trang phục truyền thống của đồng bào Thái đen. Nhưng khăn Piêu vẫn không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái và luôn được chị em phụ nữ Thái tiếp tục thêu dệt như chính công việc đời thường của họ./.