Lễ hội chùa Thầy 2018: Không thu phí thắng cảnh trong 3 ngày
VOV.VN - Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, thắng cảnh chùa Thầy sẽ không thu phí tham quan để thể hiện sự hiếu khách.
Sáng nay (17/4), UBND huyện Quốc Oai tổ chức họp báo thông tin về lễ hội chùa Thầy 2018.
Ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, Trưởng BTC lễ hội chùa Thầy phát biểu tại họp báo. |
Ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, Trưởng BTC lễ hội chùa Thầy đã trình bày những nét mới trong công tác tổ chức lễ hội năm nay. Theo đó, nếu như mọi năm, lễ hội chùa Thầy được tổ chức trong 3 ngày 5,6,7/3 Âm lịch, thì đây là năm đầu tiên tổ chức mùa lễ hội chùa Thầy, kéo dài từ mùng 1 tháng Giêng cho đến hết tháng 3 âm lịch. Trong 3 ngày chính hội (5,6,7/3 Âm lịch), thắng cảnh chùa Thầy sẽ không thu phí tham quan để thể hiện sự hiếu khách.
Ông Nguyễn Vũ Hán - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quốc Oai cho biết: “Trong năm 2017, chùa Thầy đón 125.000 lượt khách. Đầu năm 2018 đến bây giờ, ước tính có khoảng 75.000 du khách đã đến với chùa Thầy. Giá vé tham quan thắng cảnh chùa Thầy là 10.000đ. Một năm, tiền vé thu triệt để xấp xỉ 1 tỷ đồng. Dù 3 ngày chính hội khách đến đông nhất nhưng chúng tôi quyết định không thu tiền vé để tạo cho du khách sự thoải mái. Sắp tới đây, chúng tôi dự định sẽ tiến tới việc miễn phí vé tham quan”.
Chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội). |
Năm 2018, với phương châm chuyên sâu về tôn vinh giá trị đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể lễ hội chùa Thầy, huyện Quốc Oai chú trọng phục dựng nguyên bản theo sử sách, dân gian các nghi thức tế, rước trong ngày lễ Mục Dục (5/3 âm lịch) và lễ Tạ Thánh (7/3).
Ngoài ra, sau khi tham vấn các nhà khoa học, huyện Quốc Oai sẽ từng bước đầu tư, khôi phục trang phục tế lễ truyền thống mang dấu dấn đặc trưng của mỗi thôn có nhiệm vụ thực hiện các nghi thức trong lễ hội.
Bên cạnh phần lễ, phần hội khôi phục những yếu tố truyền thống về vui chơi, lao động sản xuất của người dân bản xứ như trình diễn múa rối nước, các trò chơi truyền thống của người Sài Sơn như đá cầu, bắt trạch trong chum, bịt mắt bắt dê, vật, bịt mắt đập niêu, kéo co… Du khách đến lễ hội chùa Thầy còn được trải nghiệm làm bánh gai, bánh gio – hai đặc sản nổi tiếng của chùa Thầy.
Mùa lễ hội chùa Thầy năm 2018, nhằm tạo cho du khách cảm giác thư thái, phấn khởi, thoải mái khi tham gia lễ hội; UBND huyện đã triển khai đồng loạt một số công việc như sắp xếp lại bãi đỗ xe, phân luồng giao thông, cấm tuyệt đối xe ô tô đi vào khu vực lễ hội, tránh gây ùn tắc, cản trở giao thông; Giải tỏa lối vào trước cổng chùa, tiến hành rải áp phan toàn bộ khu vực đường đi vào chùa. Từ lối đi chỉ rộng 3-4m, nay thông thoáng hơn 20m, tạo thuận lợi cho đoàn tế, rước của các thôn khi rước Thánh từ chùa ra và từ Quán về; du khách có không gian chiêm ngưỡng, theo dõi từng đoàn rước, không bị chen lấn, xô đẩy.
Ngoài ra, nhằm loại bỏ tình trạng nâng, ép giá, BTC lễ hội cũng yêu cầu các chủ cửa hàng lưu niệm niêm yết giá công khai, không để xảy ra hiện tượng bán hàng rong trên lòng đường./.
Quần thể di tích và danh thắng chùa Thầy nổi tiếng với nhiều điểm tham quan nhưng giá trị kiến trúc nổi bật nhất nằm ở ba tòa của chùa Cả với những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc thế kỷ XVII. Đặc biệt, tại gian giữa của tòa Điện Thánh (chùa Thượng) còn lưu giữ được 3 pho tượng Di đà tam tôn bằng gỗ mít, được coi là ba pho tượng đẹp vào bậc nhất nước ta vào thời nhà Lê (thế kỷ 16 để lại).
Chùa Thầy được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2015, 3 pho tượng Di đà tam tôn được công nhận là bảo vật quốc gia.
Từ xưa đến nay, chùa Thầy là điểm thu hút du khách thập phương về chiêm bái, là điểm hẹn của giới nghiên cứu khoa học, cũng như những ai đam mê tìm hiểu nghệ thuật kiến trúc các triều đại lịch sử. Lễ hội chùa Thầy mùng 7/3 âm lịch hàng năm đã đi vào dân gian với nhiều câu ca: “Nhất vui là hội chùa Thầy”, “Nhớ ngày mùng 7 tháng 3/ Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy”…