Lỗ hổng pháp lý qua vụ sổ đỏ dinh thự vua Mèo
VOV.VN - Có nhiều di tích Quốc gia là sở hữu hợp pháp của cá nhân, gia đình, nhưng việc quản lý, sử dụng phải tuân thủ theo Luật Di sản.
Cấp sổ đỏ sai
Việc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang cấp sai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của dinh thự “Vua Mèo” cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn khiến dư luận đi từ ngạc nhiên đến bức xúc.
Dù đã thu hồi sổ đỏ cấp sai quy định, tuy nhiên lãnh đạo tỉnh Hà Giang khẳng định chưa tính đến việc cấp sổ mới cho nhà họ Vương. Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: “Muốn cấp sổ đỏ mới, gia đình họ Vương cần chứng minh được quyền thừa kế hợp pháp”.
Dinh thự Vua Mèo. |
Để chứng minh được quyền thừa kế thực sự không phải dễ. Ông Vương Duy Bảo, cháu đích tôn của “Vua Mèo” Vương Chí Sình bất bình: “Đất của nhà họ Vương hàng trăm năm nay, không cần phải chứng minh, yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về việc buộc nhà họ Vương phải chứng minh quyền thừa kế hợp pháp thì mới được cấp sổ đỏ là hoàn toàn vô lý”.
Được biết “Vua Mèo” Vương Chính Đức có 3 người vợ, 4 người con trai và nhiều con gái. Trước khi mất, “Vua Mèo” Vương Chính Đức đã chia toà dinh thự cho những người thừa kế như sau: Tiền dinh cho Vương Quỳnh Sơn, cháu đích tôn của ông Vương Chính Đức; Trung Dinh cho Vương Chí Chư, con trai thứ 3 của Vương Chính Đức; Hậu dinh cho Vương Chí Sình, con trai thứ 4 của ông Vương Chính Đức. Việc thừa kế này có sự chứng giám của các đầu dòng họ người H’Mông. Cho đến nay, nhiều người là con cháu của “Vua Mèo” Vương Chính Đức, những người có quyền thừa kế, hiện đang sinh sống tại nước ngoài.
Theo lời ông Vương Duy Bảo, đến thời điểm năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận ngôi nhà là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Năm 2002, tỉnh Hà Giang tiến hành trùng tu dinh thự, thì gia tộc họ Vương vẫn có 6 hộ gia đình với hơn 40 nhân khẩu, toàn là con cháu của “Vua Mèo” sinh sống trong dinh thự. Chính quyền tỉnh đã hỗ trợ tổng số 500 triệu đồng, và yêu cầu 6 hộ gia đình với vài chục nhân khẩu rời khỏi ngôi nhà mà tổ tiên để lại cho mình.
Khó hay dễ thì cấp sổ đỏ là việc quản lý Nhà nước, chưa làm được là tỉnh Hà Giang chưa hoàn thành nhiệm vụ. Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Quốc Bình, Văn phòng Luật Long Hà cho rằng: “Việc xác minh quyền chủ sở hữu dinh thự “Vua Mèo” phải được căn cứ trên cơ sở luật thừa kế. Nếu không có di chúc hợp pháp để xác định thì quyền thừa kế đối với dinh thự này sẽ thuộc về các con, cháu theo trực hệ của “Vua Mèo” là những người đồng sở hữu. Nếu không làm rõ quyền sở hữu của những người này thì việc cấp lại sổ đỏ dinh thự “Vua Mèo” sẽ không thể thực hiện được”.
Cũng theo luật sư Bình, việc xác minh quyền sở hữu dinh thự “Vua Mèo” còn là cơ sở để xác định, phân chia lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh mà chính quyền Hà Giang đã thực hiện trong suốt thời gian từ năm 2002 cho đến khi xác định được chủ sở hữu. Bởi theo luật, sau khi dinh thự “Vua Mèo” được công nhận là di tích Quốc gia, ban quản lý di tích bán vé tham quan du lịch cho du khách sẽ phải nộp lại khoản thu này cho các đồng chủ sở hữu, và chỉ được trích giữ lại một phần chi phí phục vụ công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng di tích.
Bên cạnh đó, việc bồi thường thiệt hại trong khoảng thời gian bị “mất nhà” cho 6 hộ gia đình với hơn 40 nhân khẩu đang sinh sống trong dinh thự “Vua Mèo” từ thời điểm nhà nước tiến hành trùng tu cho đến nay cũng là vấn đề cần được làm rõ. Bởi theo lời ông Vương Duy Bảo, với số tiền hỗ trợ ít ỏi, vài chục triệu đồng mỗi hộ chỉ đủ dựng tạm mấy “túp lều” ở một góc mảnh đất phía trước dinh thự.
Con cháu họ Vương bỗng dưng mất nhà, sau khi ngôi nhà ấy được vinh danh. Đã gần 20 năm qua, gia đình ông Vương Quỳnh Sơn, cháu của “Vua Mèo” rồi đến con trai ông Sơn là Vương Duy Bảo, liên tục đơn thư, đòi lại nhà, hoặc yêu cầu chính quyền bố trí nhà ở, để thờ cúng, để tụ họp gia đình trong những ngày trọng đại, nhưng chưa được giải quyết.
Hà Giang: Sẽ thu hồi sổ đỏ dinh Vua Mèo cấp sai quy định
Trưng mua để quốc hữu hóa di tích
Hiện có nhiều di tích Quốc gia là sở hữu hợp pháp của cá nhân, gia đình, nhưng việc quản lý, sử dụng phải tuân thủ theo Luật Di sản. Chính điều này đã dẫn tới xung đột lợi ích, gây khó khăn trong công tác bảo tồn. Điều này có thể thấy rất rõ ở các ngôi nhà cổ tại khu phố cổ Hội An, làng cổ Đường Lâm…
Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu di sản là tài sản hợp pháp của cá nhân, gia đình thì họ phải được hưởng các quyền lợi của chủ sở hữu theo quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, những bất cập trong việc xác định quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với di tích Quốc gia đã dẫn đến việc người dân không chủ động làm hồ sơ công nhận di tích, từ chối việc công nhận di tích, trả lại bằng công nhận di tích, tự ý xâm hại, hủy hoại di tích đối với những di tích mà họ có quyền sở hữu hợp pháp.
Đặc biệt, khi có phát sinh trong quá trình sử dụng như: Nhu cầu sửa chữa, mua bán, trao quyền thừa kế, chuyển đổi mục đích sử dụng, hay việc phát sinh các lợi ích kinh tế từ hoạt động bán vé tham quan, kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch có khai thác giá trị của di tích, di sản... thì lộ diện nhiều lỗ hổng pháp lý.
Theo luật sư Nguyễn Quốc Bình, đối với những di tích Quốc gia nhưng lại thuộc sở hữu cá nhân, gia đình, Nhà nước nên xem xét phương án trưng mua để Quốc hữu hóa di tích, đảm bảo cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản.
Trong trường hợp không thể thỏa thuận trưng mua, cơ quan quản lý nên có biện pháp tuyên truyền, giáo dục người dân để họ hiểu được giá trị của di tích, để họ tự khai thác các giá trị của di tích đem lại lợi ích kinh tế cho chính họ, đồng thời sẽ giúp họ có ý thức hơn trong công tác bảo tồn và khai thác lợi ích lâu dài. Nhà nước chỉ thu thuế từ hoạt động khai thác lợi từ di tích của họ, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý để quản lý, tư vấn cho họ về kỹ thuật trong quá trình sử dụng di sản./.
Cấp sổ đỏ dinh Vua Mèo: Hà Giang nói làm đúng, chuyên gia nói sai luật
Bộ Văn hóa sẽ lên Hà Giang để kiểm tra vụ “cấp sổ đỏ dinh vua Mèo”