Loay hoay bảo tồn Tháp Chăm gắn với phát triển du lịch
VOV.VN - Tháp Đôi nằm giữa lòng trung tâm thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Việc khai thác di tích này chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng vốn có.
Các tháp Chăm ngàn năm tuổi ở tỉnh Bình Định có nét độc đáo, bí ẩn, thể hiện trình độ kiến trúc và nghệ thuật Chămpa ở từng giai đoạn phát triển khác nhau. Tỉnh này cũng có các giải pháp trùng tu, tôn tạo các tháp Chăm và đưa vào khai thác, phát huy giá trị gắn với du lịch. Thế nhưng, thực tế cho thấy hiệu quả từ khai thác du lịch tháp Chăm còn rất khiêm tốn.
Tháp Đôi được xây dựng vào cuối thế kỷ 12. Di tích này nằm ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn. |
Tỉnh Bình Định là một trong những nơi lưu giữ nền văn hóa Chăm một thời vàng son rực rỡ. Trong đó phải kể đến hệ thống di tích các tháp cổ. Nổi bật là Tháp Đôi được xây dựng vào cuối thế kỷ 12. Di tích này nằm ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, được xếp vào loại đẹp, độc nhất vô nhị của nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Tháp Đôi gồm 2 tháp: tháp chính cao 20 m, tháp phụ cao khoảng 18 m. Đây là nơi thu hút lượng khách tham quan đông nhất trong hệ thống tháp cổ ở tỉnh Bình Định.
Anh Đỗ Trung Kiên ở Hà Nội lần đầu tiên đến Bình Định và đến tham quan di tích Tháp Đôi, cho biết: "Tôi thấy kiến trúc tháp ở đây rất lạ và hay. Nghe mọi người nói rằng tháp Đôi này được xây mà không cần dùng vữa. Tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về tháp này. Nhưng chỉ tiếc là khi tới đây không có người giới thiệu nên cũng không biết nguồn gốc nó như thế nào. Nhiều điều không hiểu nhưng tôi cũng không biết hỏi ai".
Việc khai thác di tích này chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng vốn có. |
Tháp Đôi nằm giữa lòng trung tâm thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Việc khai thác di tích này chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng vốn có. Hiện, di tích Tháp Đôi đã được trùng tu phần tháp nhưng diện tích khuôn viên quá nhỏ hẹp, không thể tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật và các dịch vụ khác.
Anh Nguyễn Hữu Trí, nhân viên thuyết minh di tích Tháp Đôi tỉnh Bình Định trăn trở: "Vào lúc cao điểm, lượng khách rất nhiều nhưng nhân viên khu di tích không đảm bảo. Khi khách vào đông quá chúng tôi không kiểm soát được, bộ phận thuyết minh chỉ phục vụ được một lượt thôi, không thuyết minh cho nhiều khách cùng một lúc được. Khuôn viên khu di tích rất chật hẹp, khách vào chỉ tham quan, chụp ảnh, chứ không có các dịch vụ văn hóa tín ngưỡng của người Chăm như các khu di tích khác ở Quảng Nam hay Nha Trang".
Ở di tích Tháp Chăm Bình Đình không có dịch vụ đi kèm nên chưa hấp dẫn du khách. |
Hiện nay, tỉnh Bình Định có 8 cụm tháp nổi tiếng là: Bánh Ít, Dương Long, Tháp Đôi, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm và Hòn Chuông. Gần ngàn năm trôi qua nhưng các cụm tháp Chăm ở đây còn khá nguyên vẹn, như là một báu vật, điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa. Rất tiếc, hiệu quả khai thác các giá trị những di tích này hiện còn thấp.
Ông Bùi Tỉnh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định giải thích, do các di tích tháp Chăm ở Bình Định nằm rải rác khắp nơi nên khó khăn trong quản lý, giữ gìn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của các di tích tháp Chăm chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Các điểm đến đều không có dịch vụ hàng lưu niệm, ăn uống, giải khát, vui chơi giải trí phụ trợ hay chương trình biểu diễn nghệ thuật tại chỗ.
Theo ông Bùi Tỉnh, UNBD tỉnh Bình Định đã giao Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh lập đề án “Xã hội hóa hoạt động quản lý, khai thác một số di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Định” nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch, trong đó chú ý phát huy hệ thống tháp Chăm độc đáo ở địa phương này
Ông Bùi Tỉnh nói: "Hiện nay, Sở Văn hóa - Thể thao cũng chỉ đạo cho Bảo tàng phối hợp với các cơ quan mời các chuyên gia đầu ngành để thiết kế, từng bước trùng tu xây dựng lại các tháp cổ trong thời gian tới. Căn cứ vào tình hình phát triển 5 năm, Bình Định cũng đã phối hợp với các cơ quan ban ngành trùng tu, tôn tạo, ổn định cơ sở hạ tầng tại tất cả các tháp, sau đó có cơ sở thì mới phát triển du lịch được./.