Lý Sơn khuyến cáo người dân không đến các khu di tích xuống cấp
VOV.VN -Hàng loạt di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, trong đó có nhiều di tích gắn liền với chủ quyền biển đảo xuống cấp trầm trọng.
Thiếu kinh phí, việc đầu tư trùng tu, tôn tạo theo kiểu chắp vá khiến mức độ xuống cấp của các di tích ngày càng trầm trọng.
Đình làng An Hải, thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia năm 1997. |
Mái ngói dột nát, tường nhà bong tróc rường cột bị mối mọt… là hiện trạng của đình làng An Hải ở thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Vào mùa mưa gió, tình trạng thấm dột, rêu mốc càng nặng nề hơn; những ngày nắng nóng, nguy cơ hỏa hoạn càng cao.
Người dân trong làng ai cũng xót xa khi nhìn thấy đình làng cổ này ngày càng xuống cấp nhưng việc đầu tư trùng tu lại chắp vá. Ông Trương Đình Toàn, một cao niên trong làng xót xa:"Đình làng này đến nay hơn 300 năm rồi, xuống cấp, hư hỏng. Gỗ mục nát, ngói hư hỏng hết. Ngó vậy, để vậy thì bình an vô sự, xở ra là tươm nát hết."
Mối mọt đang gặm nhấm nhiều di tích cổ ở Lý Sơn.
|
Đình làng An Hải được xây dựng lần đầu vào năm Gia Long thứ 14 (Ất Hợi- 1815) bằng nguyên liệu tre, tranh, gỗ. Năm Minh Mạng nguyên niên (Canh Thìn- 1820), đình làng An Hải được xây dựng quy mô, bề thế, gồm tiền đường và chính điện theo kiểu kiến trúc hình chữ nhị.
Từ năm đó đến nay, đình làng An Hải trải qua nhiều đợt tu bổ và xây dựng thêm các công trình. Hiện kiến trúc của đình làng An Hải có kết cấu hình chữ tam gồm tiền đường, chính điện và hậu tẩm (hay còn gọi là đình hạ, đình trung và đình thượng). Năm 1997, Di tích đình làng An Hải được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Sau nhiều lần sửa chữa, trùng tu sau này, đã làm thay đổi hoặc mất đi một số chi tiết kiến trúc.
Nhiều hạng mục của Di tích đình làng An Hải, huyện Lý Sơn bị xuống cấp trầm trọng.
|
Ông Dương Hữu Nghĩa, Phó Ban quản lý đình làng An Hải, xã An Hải, huyện Lý Sơn cho biết: Trước tình trạng xuống cấp của đình làng, tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí cả tỷ đồng kinh phí sữa chữa nhưng không thấm vào đâu: "Đây là một kiến trúc cổ hàng mấy trăm năm nay, một di sản rất quí giá đối với nhân dân làng An Hải. Ban khánh tiết đình làng cũng như Ban quản lý mong muốn thời gian tới, Bộ Văn hóa. Thể thao và Du lịch quan tâm hơn nữa đại tu đình này. Nếu không, một mai, đình cổ này xuống cấp trầm trọng thì mất hết tất cả."
Nguy cơ tiềm ẩn hỏa hoạn trong các di tích ở Lý Sơn.
|
Tại huyện đảo Lý Sơn có hơn 50 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 17 di tích lịch sử cấp tỉnh, 4 di tích văn hóa cấp quốc gia và 1 di sản văn hóa phi vật thể. Do được xây dựng đã lâu, bị tác động của thiên tai, con người nên nhiều di tích xuống cấp trầm trọng. Ngoài đình làng An Hải, nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải cũng đang xuống cấp, tư liệu trưng bày cũ nát. Hay như đỉnh Linh Tự ở Chùa Đục đang bị sạt lở nhưng địa phương chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu…
Ông Nguyễn Câu, xã An Hải, huyện Lý Sơn cho rằng: việc trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp ở Lý Sơn là hết sức cấp bách, góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của cha ông: "Nguyện vọng của nhân dân là mong có tiền để tu bổ lại hết. Những di tích này mà sập thì mất gốc, đây là nét văn hóa rất quí. Tổ tiên mình đã giữ rồi thì con cháu mình phải ráng giữ.
Qua nhiều lần trùng tu, các kiến trúc cổ của một số di tích ở Lý Sơn bị thay đổi.
|
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, trước hiện trạng nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị đang xuống cấp, địa phương đã khảo sát và có kế hoạch sửa chữa, trùng tu nhưng nguồn kinh phí lại rất hạn hẹp. Địa phương cũng đã phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch kiểm tra đánh giá lại hiện trạng toàn bộ di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Trên cơ sở này xây dựng Đề án trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích để trình tỉnh, trung ương hỗ trợ kinh phí.
Thiếu kinh phí đầu tư tôn tạo chắp vá khiến nhiều di tích ở Lý Sơn ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. |
Ông Lê Văn Ninh cho biết, trước mắt, khuyến cáo du khách không đến các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ: "Sau khi có kết quả khảo sát, chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh hàng năm bố trí ngân sách hỗ trợ địa phương trùng tu tôn tạo phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Qua đó, phục vụ việc nghiên cứu về chủ quyền lịch sử của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như những nét văn hóa đặc trưng của Lý Sơn, phục vụ việc phát triển du lịch./."