Ngỡ ngàng trước màu vôi mới của Hoàng Thành Thăng Long
VOV.VN - Sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đến lượt Hoàng Thành Thăng Long được quét vôi mới gây xôn xao dư luận.
Khác với vẻ trầm xỉn của những bức tường mang lại vẻ cổ kính, rêu phong cho Hoàng Thành Thăng Long của cách đây mấy tháng, vẻ đẹp mới nhìn tươm tất hơn của di tích lịch sử này mang lại cảm giác lạ lẫm với người xem.
Cổng Đoan Môn vừa được quét vôi mới. |
Giống như Bia Quốc Học Huế, Hoàng Thành Thăng Long được quét lại hoàn toàn bằng màu vàng. Theo ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long (Đơn vị có trách nhiệm bảo tồn và quản lý Hoàng Thành Thăng Long) đây là vôi được trộn với ve vàng, chỉ có hai màu chủ đạo là trắng và vàng.
Cũng theo ông Việt Anh, phần quanh cổng giữa Đoan Môn, cũng như 2 cổng bên đã được phủ một lớp nước vôi màu vàng nhạt (riêng khu vực cổng Đoan Môn vẫn đang trong quá trình thực hiện).
Một bức tường mới quét vôi của Hoàng Thành Thăng Long. |
Chia sẻ với PV, ông Việt Anh cho biết, đây là việc bảo quản di tích thường kỳ, vẫn được Trung tâm thực hiện hàng năm. Thao tác với từng bộ phận của Đoan Môn đều đã được giới chuyên gia cùng cơ quan chức năng thẩm định và thông qua.Công việc này được khởi công từ đầu tháng 12/2016 và dự kiến kết thúc vào 20/1 tới.
"Với những kết cấu gỗ, chúng tôi phải làm sạch bằng tay, đánh vec-ni. Tất cả đều được làm theo phương pháp thủ công truyền thống. Những phần mái, tường gạch phải làm sạch bề mặt do rong rêu cây cỏ bám vào, sau đó vá lại phần sứt lở bằng vữa truyền thống với nồng độ xi măng rất ít", giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long cho biết.
Một cánh cửa được đánh lại vec-ni. |
Cũng giống như Văn Miếu, cổng Đoan Môn và các hạng mục trong Hoàng Thành Thăng Long chỉ sử dụng vôi ve truyền thống mà không dùng sơn. Vì thế màu vàng của cổng Đoan Môn sẽ trầm xuống và trở lại tông màu như trước sau vài tháng.
"Việc dư luận quan tâm tới màu mới của Đoan Môn là rất đáng quý. Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng việc quét vôi bảo dưỡng như vậy vẫn được chúng tôi thực hiện hàng năm, cho từng bộ phận. Riêng khu vực cổng Đoan Môn, lần quét vôi tổng thể như đang làm cũng từng được thực hiện vào dịp Đại lễ 2010", ông Trần Việt Anh chia sẻ thêm.
Theo nhà quản lý này, khu vực cổng Đoan Môn của Hoàng thành Thăng Long đã trải qua nhiều lần trùng tu và biến đổi về kết cấu trong lịch sử. Lần gần nhất, năm 1998, khi chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, cổng Đoan Môn cũng được trùng tu lại sau khi Bộ quốc phòng chuyển giao khu vực này cho Hà Nội. Trong đợt trùng tu này, cổng Đoan Môn cũng được quét lớp "áo" màu vàng.
Trao đổi với PV về vấn đề “bảo quản, trùng tu” các di tích lịch sử, GS Phan Huy Lê cho rằng, về nguyên tắc các nhà quản lý đã làm đúng, tuy nhiên cách xử lý còn cần phải bàn thêm để tránh những ồn ào đáng tiếc xảy ra.
Giáo sư Hà Minh Đức cũng cho rằng chúng ta đang thiếu kinh nghiệm trong việc trùng tu di sản. Bởi thế nhiều công trình di tích lịch sử đã vô tình bị làm mất hình ảnh nguyên bản. Nhà nghiên cứu văn hóa viện dẫn câu chuyện về việc trùng tu đền Vua Lê ở Thanh Hóa trong nhiều năm trước. Ông cho rằng, nguyên tắc của việc bảo quản hay trùng tu là phải tôn trọng cái cũ. Tuy nhiên, điều cơ bản này đã bị nhiều nhà quản lý bỏ qua./.