Quản lý di tích, nhìn từ vụ việc bê tông hóa đình Lương Xá

VOV.VN - Chẳng mấy chốc mà hàng ngàn di tích lịch sử sẽ biến mất, thay vào đó là những “công trình văn hóa mới”.

Vì đâu đình gỗ Lương Xá hơn 300 tuổi bị phá hoại, xây mới bằng bê tông?; bia Quốc Học ở Huế bị làm mới, biến dạng so với nguyên gốc?; mộ bà tài nhân họ Lê (phi tần của vua Tự Đức) bị một công ty tự ý san phẳng để thực hiện dự án bãi đỗ xe?; rồi nhà thờ Trà Cổ bị phá đi, xây mới?... Có quá nhiều câu hỏi liên quan đến việc xâm hại di tích đang diễn ra nhức nhối ở nhiều địa phương mà vẫn chưa có lời giải đáp nào thỏa đáng.

Đình Lương Xá bị hạ giải, xây mới bằng kinh phí xã hội hóa vì xuống cấp, chưa được xếp hạng.

Loạn lý do

Vụ việc đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) bị hạ giải và xây mới bằng bê tông, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Khi được hỏi vì sao địa phương tự ý trùng tu bằng cách phá dỡ để xây mới bằng bê tông?, cả chính quyền xã và ban quản lý di tích cùng người dân đều có một câu trả lời chung: “Đình chưa được công nhận di tích, lại trùng tu bằng kinh phí xã hội hóa nên đình xuống cấp thì cứ làm thôi”.

Đình Lương Xá trước khi bị bê tông hóa.

Cách đây chưa lâu, cuối năm 2017, mộ bà tài nhân họ Lê, phi tần của vua Tự Đức; bia Quốc học Huế (thành phố Huế) bị san ủi, tự ý đập đi xây mới cũng được giải thích là di tích chưa được kiểm đếm, xếp hạng. Cùng thời gian này, nhà thờ Trà Cổ (một công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, tôn giáo và nghệ thuật xây dựng từ thế kỷ 19 tại Trà Cổ, Quảng Ninh) cũng bị phá đi xây mới với cùng lý do. Có một điểm chung nữa mà hầu hết các di tích lịch sử bị xâm hại là đều được đập bỏ, trùng tu, xây mới bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Thời điểm này, công trình trùng tu, tôn tạo chùa Phúc Ân, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, Phú Thọ đang được những nghệ nhân đến từ huyện Thạch Thất, Hà Nội thi công những hạng mục đầu tiên. Việc trùng tu chùa Phúc Ân cũng được thực hiện nhờ nguồn kinh phí xã hội hóa nhưng địa phương vẫn làm rất đúng quy trình, bài bản. “Việc xin phép tự trùng tu và phê duyệt thiết kế kỹ thuật kéo dài từ năm 2012 cho đến cuối năm 2017 mới hoàn thành, giữa năm 2018 mới bắt đầu trùng tu.

Việc xin phép, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật được tư vấn của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý văn hóa. Đơn vị thi công cũng do các chuyên gia tư vấn giới thiệu và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trùng tu các di tích nổi tiếng trên cả nước”, ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng ban quản lý di tích xã Sơn Vi cho biết.

“Pháp luật phải đứng ra cứu di tích, bởi đây là đối tượng đủ quyền và lực để thực hiện việc đó. Người thực thi pháp luật phải mạnh bạo và quyết liệt hơn nữa, phải có ý thức và trí tuệ cao hơn nữa, phải có sự hiểu biết lẫn nắm vững nền tảng pháp luật, tuyệt đối không được trốn tránh trách nhiệm” - GS Trần Lâm Biền.

Từ những ví dụ cụ thể trong công tác quản lý, bảo tồn di tích nêu trên, có một điều dễ nhận thấy là, ở những di tích bị xâm hại, cơ quan quản lý trực tiếp những di tích này biết rõ rằng, di tích đã được đưa vào danh mục kiểm đếm phải được quản lý theo Luật Di sản. Vậy nhưng lý do giải thích khi những di tích này bị xâm hại rất giống nhau: Di tích chưa được xếp hạng, xuống cấp trầm trọng, ngân sách hạn chế, thủ tục cấp phép, tu bổ di tích còn chồng chéo, mất nhiều thời gian, không tiếp nhận được thông tin...

Nguy cơ mất hàng ngàn di tích

Cho đến nay, nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa hoàn thành tổng kiểm kê, phân loại di tích, hiện vật, cổ vật trên địa bàn. Tại Hà Nội, quá trình “đãi cát tìm vàng” đến năm 2017 đã có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa được kiểm kê, đánh giá và phân loại (gần bằng 1/3 tổng số di tích trên cả nước), trong đó có 3.487 di tích chưa xếp hạng. Nếu các địa phương cứ tự trùng tu như xây mới với lý do di tích chưa được xếp hạng, không có kinh phí nhà nước, trùng tu bằng kinh phí xã hội hóa… chẳng mấy chốc mà hàng ngàn di tích lịch sử sẽ biến mất, thay vào đó là những “công trình văn hóa mới”.

Đình Lương Xá bị bê tông hóa.
Mảng trạm mang giá trị thẩm mỹ thời Lê Trung Hưng tại Đình Lương Xá.

Kế bên chùa Phúc Ân, đình Do Nghĩa là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, một hình ảnh mẫu mực của phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc có niên đại hơn 1000 năm, đã được công nhận (ngày 27/12/1990) là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đình đang bị xuống cấp trầm trọng, nhiều cấu kiện mái, cột, các mảng chạm khắc bị mối mọt nặng, mục nát do mưa dột...

Ông Bùi Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Sơn Vi cho biết: “Đình Do Nghĩa được trùng tu lớn một lần vào năm 2006 bằng kinh phí nhà nước. Từ đó đến nay, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp trầm trọng. Nếu trùng tu phải tốn nhiều tỷ đồng nhưng chính quyền chưa có kinh phí. Hiện nay xã đã có báo cáo lên Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh để xin phương án bảo tồn. Trong thời gian đó, ban quản lý và người dân chỉ sửa chữa nhỏ bằng kinh phí xã hội hóa để chống dột, chống mối mọt. Còn việc trùng tu cần phải làm theo đúng quy trình”.

Điều đáng nói là, nếu vẫn không có kinh phí nhà nước, nếu làm đúng quy trình như trường hợp chùa Phúc Ân (mất 5 năm để xin phép) thì khi đó, liệu đình Do Nghĩa có còn cứu được không?

Nơi lỏng quản lý

Không chỉ với những di tích chưa được xếp hạng, trong những năm gần đây, có nhiều di tích Quốc gia, di tích Quốc gia Hạng đặc biệt và cả di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận cũng bị xâm hại nghiêm trọng, như các vụ việc: Tự ý xây thêm các hạng mục, bày thêm hiện vật tại di tích Quốc gia hơn 1000 năm tuổi - chùa Khúc Thủy (Thanh Oai, Hà Nôi) diễn ra kéo dài từ năm 2010 - 2017 mà chính quyền xã vẫn “làm ngơ”; Đầu năm 2018, Tam quan mới ở chùa Bổ Đà, Bắc Giang xây sai thiết kế quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt… Và điển hình là vụ xây công trình đường lên núi Cái Hạ trong vùng lõi khu di sản thiên nhiên danh thắng Tràng An vào cuối năm 2017, mà cho đến nay việc giải quyết hậu quả vẫn đang gặp nhiều vướng mắc…

“Tôi đảm bảo chưa có ai đi tù về việc phá hoại di tích, chưa có một bản án nào đủ sức răn đe để người ta phải cẩn thận khi can thiệp vào di tích. Bây giờ phải có quy định cụ thể, nếu không sau này lại có đình, chùa, di tích bị bê tông hóa vì chưa được xếp hạng” - TS. Nguyễn Hồng Kiên - Viện Khảo cổ học Việt Nam

Thực tế cho thấy, những vụ việc xâm hại di tích đều có một phần nguyên nhân từ sự hợp tác lỏng lẻo giữa ban quản lý di tích, đơn vị trông coi, chính quyền và nhân dân địa phương, nhất là với các công trình lịch sử có yếu tố tâm linh. Di sản xuống cấp, nhu cầu trùng tu di tích của người dân là chính đáng nhưng cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm, dẫn đến di sản bị xâm hại.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội: “Vấn đề là ý thức chấp hành của người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp. Trong thời gian tới vẫn cần kiên trì tuyên truyền về Luật Di sản và Quyết định số 48 của UBND thành phố về quy chế quản lý di tích cho đối tượng cán bộ các cấp từ thành phố tới cơ sở, người trụ trì, trông coi trực tiếp tại di tích và nhân dân, tăng cường trách nhiệm quản lý. Với những di tích chưa xếp hạng, giao tất trách nhiệm cho chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn”.

Không đồng tình với quy trình phân cấp quản lý di tích hiện nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, nhóm Đình Làng Việt, bày tỏ: “Giao tất trách nhiệm quản lý di tích đến cấp xã, phường, thị trấn như hiện nay là không hợp lý. Cán bộ quản lý trực tiếp không đủ năng lực chuyên môn, thậm chí họ còn “tiếp tay” hoặc “làm ngơ” khi các đơn vị thi công xâm hại di tích. Đã đến lúc cần quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm lẫn nghĩa vụ trong việc phân cấp quản lý di sản, di tích”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngôi đình gỗ 300 tuổi bị "bức tử" bằng bê tông hóa
Ngôi đình gỗ 300 tuổi bị "bức tử" bằng bê tông hóa

VOV.VN - Khi những người dân địa phương quá muốn có một di tích mới, thì “tính mạng” di tích xưa trở nên quá nguy hiểm.

Ngôi đình gỗ 300 tuổi bị "bức tử" bằng bê tông hóa

Ngôi đình gỗ 300 tuổi bị "bức tử" bằng bê tông hóa

VOV.VN - Khi những người dân địa phương quá muốn có một di tích mới, thì “tính mạng” di tích xưa trở nên quá nguy hiểm.

Ngôi đình cổ cấp Quốc gia ở Hà Nội xuống cấp trầm trọng
Ngôi đình cổ cấp Quốc gia ở Hà Nội xuống cấp trầm trọng

VOV.VN - Đình Thần Quy được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia hiện đang bị xuống cấp trầm trọng.

Ngôi đình cổ cấp Quốc gia ở Hà Nội xuống cấp trầm trọng

Ngôi đình cổ cấp Quốc gia ở Hà Nội xuống cấp trầm trọng

VOV.VN - Đình Thần Quy được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia hiện đang bị xuống cấp trầm trọng.