Tạm dừng “bê-tông hóa” bờ kè Hộ Thành Hào Kinh thành Huế
VOV.VN - Dư luận ở Huế lo ngại rằng, công tác tu bổ di tích di tích Hộ Thành Hào đang làm mất đi tính “nguyên gốc”.
Những ngày qua, dư luận ở Huế có nhiều phản ứng khác nhau khi một phần kè dọc Hộ Thành Hào, thuộc dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo mặt Nam của Kinh thành Huế được dỡ bỏ và xây lại kè mới. Nhiều ý kiến lo ngại rằng công tác tu bổ di tích này đang làm mất đi tính “nguyên gốc”.
Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo mặt Nam của Kinh thành Huế được UBND tỉnh phê duyệt vào 14/9/2011 tổng mức đầu tư 1.282 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến tháng12/2020.
Dư luận cho rằng việc đơn vị thi công dùng cơ giới phá nát bờ kè cũ xây dựng bờ kè mới là đi người với quy trình trùng tu di tích. |
Trong đó, hợp phần tu bổ, tôn tạo di tích kinh thành Huế là 497 tỷ đồng do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là tu bổ toàn bộ hệ thống kè hào đã bị hư hỏng sạt lở, nạo vét lòng hào đã bị bồi lắp, tu bổ tường thành, chỉnh trang hệ thống cầu…
Phần tu bổ và tôn tạo di tích Hộ Thành Hào nằm trong tổng dự án trên, với các hạng mục: kè đá, lòng hào, tuyến phòng lộ và các bến cổng. Trong đó, sẽ tu bổ 10.443 m kè phía trong, tiếp giáp với tuyến phòng lộ, riêng mặt phía Nam sẽ tu bổ với chiều dài gần 2.500 m.
Tuy nhiên, khi dự án triển khai đoạn từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài đã có nhiều ý kiến trái chiều về công tác trùng tu ở đây. Đơn vị thi công là Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung đã dùng những chiếc xe múc dỡ bỏ toàn bộ phần bờ kè đá cũ và xây dựng một bờ kè mới bằng đá granit, vữa xi-măng, phần chân móng đúc bê-tông cốt thép. Việc tu bổ này gặp phải sự phản đối gay gắt của dư luận.
“Ai cũng thấy đây là việc làm không đúng trong việc tu bổ di tích, không thể thay hệ thống kè bằng đá gan gà truyền thống trước đây bằng một hình thức bê tông và đá mới làm một cách ồ ạt bằng phương tiện cơ giới. Tôi nghĩ đây là một dấu hiệu cho thấy việc bảo tồn và tu bổ di tích của chúng ta thiếu những chuẩn mực rất đáng ngại. Chúng ta đã sử dụng phương pháp hạ giải trong việc tu bổ di tich” - Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa không đồng tình với cách tu bổ này.
Đến nay, đoạn kè này đã được thi công với chiều dài khoảng 1.000 mét, chiếm gần 10% so với tổng chiều dài kè sẽ được tu bổ ở Hộ Thành Hào. Thời điểm hiện nay, tại nhiều đoạn kè ở Hộ Thành Hào vừa thi công, hầu như toàn bộ được làm bằng chất liệu mới, trong lúc đó việc hạ giải các đoạn bờ kè khác đã được dừng lại sau khi có sự phản ứng từ dư luận. Các phương tiện cơ giới đang thi công tuyến kè này đã được đơn vị thi công cho rút đi nơi khác.
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết, trước khi thực hiện tu bổ bờ kè của Hộ Thành Hào, Trung tâm đã có tổ chức lấy ý kiến của Hội đồng tham vấn các nhiệm vụ khoa học và nghệ thuật của Trung tâm về các giải pháp thi công. Theo ông Tuấn, chủ đầu tư và đơn vị thi công cũng tuân thủ theo nội dung lưu ý của Cục Di sản văn hóa. Đó là: Lựa chọn một số đoạn kè còn tốt để gia cố chân móng, tu bổ theo hiện trạng. Qua khảo sát mặt Nam của Kinh thành Huế có 12 điểm tường thành bị nứt nghiêm trọng. Các điểm nứt này đều do sạt lở, sụt lún của kè Hộ Thành Hào vì thế phải cho hạ giải để xử lý thật tốt các điểm sạt lở này.
“Đối với đoạn này thì sau khi cân nhắc, sau khi lựa chọn giải pháp kỹ thuật thì chúng tôi thống nhất, giải pháp hạ giải toàn bộ đoạn kè này để tu bổ và gia cố lại và tận dụng tói đa vật liệu gốc. Nhưng trong thời gian thi công có những sơ suất, chúng tôi đã kịp thời tiếp thu và sẽ điều chỉnh, áp dụng cho những đoạn còn lại” - Ông Phan Văn Tuấn cho hay.
Kè Hộ Thành Hào, mặt Nam Kinh thành Huế. |
Theo Hồ sơ dự án, phương án tu bổ Hộ Thành Hào gồm: Bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt; hạ giải, tu bổ và phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng; gia cố, tu bổ những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ... Thế nhưng với những gì đã diễn ra, dư luận tại Huế đặt ra câu hỏi “Liệu công tác trùng tu bờ kè Hộ thành hào như vừa qua có vi phạm Luật Di sản cũng như ý kiến của Cục Di sản văn hoá có được xem xét đầy đủ chưa?”.
Lý giải việc đưa thêm phần cốt thép móng trong thi công bờ kè Hộ Thành Hào, kỹ sư Lê Văn Quảng, nguyên giám đốc Phân viện Khoa học - Công nghệ miền Trung, người chủ trì thiết kế phương án tu bổ di tích Hộ Thành Hào cho biết, Hộ Thành Hào được xây dựng gần 200 năm trên nền đất yếu. Kè của công trình này được thi công bằng hình thức xếp đá khan với loại đá gan gà dài từng phiến. Trải qua thời gian dài tồn tại, loại đá này bị phong hóa dẫn đến thiếu lực ma sát nên nhiều chỗ của bờ kè đã bị sụt lún, kéo theo phòng thành bị nứt gãy. Theo ông Quảng, đoạn kè vừa thi công là đoạn bị sụt lún, hư hại đến gần 80%. Tuy nhiên, hiện nay không có đủ đá gan gà để làm lại kè như nguyên gốc, hơn nữa nếu làm như cũ thì quá tốn kém, nên phải dùng đá granit và bê tông cốt thép xử để thay thế.
“Tại sao bây giờ ta không thể xếp đá gan gà được, bởi vì hiện nay chỉ khai thác đá granit dạng hình tròn không có dài thành phiến để mà xếp được. Hơn nữa không kiếm được đá gan gà với kích thước lớn để xếp. Thứ 2 là độ ổn định, trong điều kiện của khoa học hiện đại thì đá xếp rất kém khi có rung chấn, khi rung hệ số ma sát giảm rất lớn” - kỹ sư Lê Văn Quảng nói.
Việc phá nát kè đá Hộ Thành Hào để làm mới hoàn toàn là một điều đáng lo ngại. Thạc sĩ, Họa sĩ Trần Thanh Bình, nguyên giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế, Thành viên Hội đồng Tham vấn các nhiệm vụ Khoa học của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lên tiếng tại cuộc họp Hội đồng hoa học ngày 20/4/2018. Hội đồng khoa học luôn giữ quan điểm phải bảo tồn tính nguyên vẹn cả về kiến trúc, kết cấu kỹ thuật và màu thời gian của đi tích Hộ Thành Hào, chỉ phục hồi đối với những chỗ bị sụp đổ, nhưng phải hạn chế tối đa làm mới.
Ông Bình cũng cho biết, trong quá trình thi công trùng tu di tích, nếu có những vấn đề nảy sinh mà trong quá trình khảo sát chưa lượng hết thì cần phải có hội thảo, mời hội đồng khoa học để thảo luận xin ý kiến để có phương án mới. Không nên tự động điều chỉnh mà không thông qua hội đồng.
Hầu hết các đoạn kè vừa thi công đều được làm mới khiến dư luận không đồng tình. |
Thạc sĩ, Họa sĩ Trần Thanh Bìnhcho rằng, đây là một sự tùy tiện trong việc trùng tu di tích: “Hội đồng tham vấn có nêu ra phải đảm bảo tính nguyên vẹn của bờ kè, những chỗ còn nguyên thì phải giữ nguyên và cũng không đưa ra quan điểm gỡ toàn bộ Hộ Thành Hào. Thứ hai, những chỗ Hộ Thành Hào bị sụt lún hoặc mất hết thì phục hồi trong điều kiện tối đa cho phép thì có thể dùng đá mới tương tự như đá cũ không dùng hồ vữa, nếu dùng hồ vữa thì chỉ bên trong. Tuy nhiên, trong quá trình thi công có thể đơn vị tư vấn đã tự động điều chỉnh mà không thông qua hội đồng”.
Trước phản ứng gay gắt của dư luận, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tạm dừng thi công hạng mục tu bổ và tôn tạo Hộ Thành Hào, mặt nam Kinh thành Huế. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu kiểm tra thông tin phản ánh, rà soát lại các thủ tục, quá trình đánh giá, quy trình thi công để báo cáo lên UBND tỉnh xem xét.
Việc chính quyền địa phương kịp thời chỉ đạo dừng thi công xây dựng bờ kè Hộ Thành Hào được người dân hoan nghênh. Mọi sự tuỳ tiện trong tu bổ di tích đều phải trả giá đắt mà nhiều nơi đã và đang gánh chịu./.
Hơn 4.000 tỷ đồng bảo tồn, tu bổ và tôn tạo Kinh thành Huế