Thắp lửa đam mê hô hát Bài Chòi
VOV.VN - Việc duy trì sinh hoạt CLB Bài Chòi góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của loại hình nghệ thuật dân gian này.
Sau khi UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiều địa phương triển khai Kế hoạch gìn giữ, trao truyền và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài Chòi trong cộng đồng. Tuy nhiên để Bài Chòi thực sự có đất sống, cần phải có sự chung tay của chính quyền và người dân.
Đều đặn mỗi tháng 2 lần, các thành viên Câu lạc bộ dân ca Bài Chòi thành phố Quảng Ngãi tụ họp về Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca Bài Chòi và hát hố Quảng Ngãi ở Tổ 6, phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi sinh hoạt hô hát dân ca Bài Chòi. Mọi người đến với câu lạc bộ này thuộc mọi thành phần bằng tất cả niềm đam mê, yêu thích Bài Chòi.
Các câu lạc bộ Bài Chòi ở các địa phương duy trì sinh hoạt hàng tháng. |
Bà Võ Thị Kim Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Bài Chòi thành phố Quảng Ngãi cho biết: Qua 5 năm thành lập, đến nay, câu lạc bộ có hơn 40 hội viên vui buồn cùng những giai điệu trữ tình của dân ca Bài Chòi.
"Chúng tôi thành lập câu lạc bộ, hội tụ các hội viên, những người đã biết hát trước đây và những người sau này mới được học, nhưng đều có chung niềm đam mê với Bài Chòi", bà Hồng cho biết.
Từ nhiều năm nay, ngôi nhà của anh Hiệu Trịnh Công Sơn và chị Hiệu Trần Thị Mỹ Lệ trở thành “điển hẹn” của những người yêu thích Bài Chòi. Hai vợ chồng này dành hẳn ngôi nhà nhỏ của gia đình làm trụ sở hoạt động của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca Bài Chòi và hát hố Quảng Ngãi. Cả hai vợ chồng từng là đào, kép chính của Đoàn Dân ca, kịch Bài Chòi tỉnh Nghĩa Bình cũ. Năm 2013, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca Bài Chòi và hát hố Quảng Ngãi ra đời, trở thành nơi sinh hoạt của những người đam mê Bài Chòi.
Ông Trịnh Công Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca Bài Chòi và hát hố Quảng Ngãi cho rằng: việc duy trì sinh hoạt những câu lạc bộ Bài Chòi ở các địa phương, đơn vị, hội đoàn thể… góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của loại hình nghệ thuật dân gian này.
Ông Sơn chia sẻ: "Chúng tôi đang nóng lòng để làm thế nào lan tỏa ngọn lửa đam mê đến tất cả mọi người. Nay mai, chúng tôi già đi, tôi e rằng không có lớp kế thừa. Vì vậy đây là phương pháp cấp tốc và quyết liệt nhất để truyền ngọn lửa đam mê cho các thế hệ tiếp theo. Đó là niềm mong ước của chúng tôi".
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ dân ca Bài Chòi thành phố Quảng Ngãi tại Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca Bài Chòi và hát hố Quảng Ngãi. |
Tỉnh Quảng Ngãi đang xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài Chòi giai đoạn 2018 - 2025. Trong đó, tập trung nghiên cứu, sưu tầm, đánh giá thực trạng về nghệ thuật Bài Chòi; khôi phục, kiện toàn hoạt động và tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ biểu diễn, sáng tác Bài Chòi cho các nghệ nhân, câu lạc bộ, nhóm Bài Chòi; hỗ trợ kinh phí, xét, đề nghị vinh danh nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân Bài Chòi; gắn kết nghệ thuật Bài Chòi với phát triển du lịch...
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Thời gian tới, cần thiết phải đưa Bài Chòi vào tour du lịch, hành trình du lịch để các nghệ nhân, nghệ sĩ, biểu diễn Bài Chòi. Tour du lịch đó, cộng đồng chia sẻ lợi ích với các nghệ nhân, tạo điều kiện để cho họ có đất diễn nhưng đồng thời cũng để họ có được một khoản thù lao xứng đáng".
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa đồng ý giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Bài Chòi toàn quốc lần thứ Nhất – năm 2018. Đây là dịp để các đơn vị nghệ thuật Tuồng chuyên nghiệp, các Câu lạc bộ Bài Chòi trình diễn, giới thiệu các tác phẩm mới dàn dựng cũng như kết quả của việc bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ thuật tuồng truyền thống và Bài Chòi./.