Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua Châu bản, Mộc bản

VOV.VN -Sáng 2/12/2015, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề tài liệu lưu trữ “Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua Châu Bản, Mộc bản – Di sản tư liệu thế giới”. 

Triển lãm lần này nhằm giới thiệu đến công chúng về sự thành công và đóng góp của triều Nguyễn đối  với việc tổ chức, nghiên cứu và biên soạn sử sách qua hai di sản tư liệu thế giới được UNESCO công nhận: Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cắt băng khai mạc triển lãm.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết: “Trong lĩnh vực văn hóa, triều Nguyễn đã có những đóng góp to lớn và để lại cho dân tộc những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc biệt quý giá được UNESCO công nhận và vinh danh là di sản văn hóa thế giới như: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế. Triều Nguyễn cũng để lại hai di sản thế giới quý báu là Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn. Một trong những đặc trưng nổi trội của di sản tư liệu so với các di sản khác là ở chỗ thông tin được chứa đựng trong di sản. Châu bản, Mộc bản đều chứa đựng những thông tin sử liệu gốc, phong phú về lịch sử, địa lý, chính trị-xã hội, bang giao, pháp chế, văn hóa-giáo dục, tín ngưỡng, văn thơ, ngôn ngữ, văn tự… phản ánh bức tranh đời sống xã hội và con người Việt Nam thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20”.
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

Triển lãm trưng bày hơn 100 phiên bản thuộc khối Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn có niên đại từ thời Gia Long đến Bảo Đại (1802 – 1945). Đây là những tài liệu đặc sắc, phản ánh rõ nét và xác thực sự quan tâm của các vị vua triều Nguyễn đối với việc biên soạn chính sử. Chủ trương đó được thể hiện qua các biện pháp tổ chức thực hiện, cụ thể như việc tổ chức Quốc sử quán, tuyển bổ người biên soạn, kiểm duyệt, san khắc, in ấn cũng như bảo quản và sử dụng các bộ chính sử và các ván khắc in. Có thể nói đây là một trong những đóng góp và thành công tiêu biểu của nền sử học quân chủ Việt Nam.

Các vị khách tham dự lễ khai mạc tham quan triển lãm

PGS.TS  Lâm Bá Nam - Đại học KHXHNV-ĐHQGHN, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng: "Việc tổ chức giới thiệu các triển lãm như thế này cần phải làm thường xuyên hơn, rộng lớn hơn, quảng bá ra cả thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Đây là việc tăng cường vai trò, vị trí trong việc khai thác các giá trị lịch sử. Qua triển lãm, chúng ta sẽ hiểu ông cha ta đã làm sử như thế nào, được tiếp cận với sự khách quan, đó là một trong những nhu cầu và nhiệm vụ của sử học. Đây là nguồn tài liệu gốc mang tính trung thực phản ánh một giai đoạn lịch sử hơn 100 năm của Việt Nam. Thông qua đây, chúng ta đánh giá một cách khách quan hơn vai trò, vị trí và công lao của triều Nguyễn đối với lịch sử dân tộc".

 Ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Nói về mục đích, ý nghĩa của triển lãm này, ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết: "Nét đặc sắc của triển lãm lần này trước hết là các tư liệu được trưng bày để giới thiệu tới công chúng đều được huy động từ hai di sản tư liệu đã được thế giới công nhận, đó là Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn. Thứ hai, triển lãm đi sâu vào chuyên đề phản ánh một hoạt động thành công của triều Nguyễn là việc biên soạn chính sử. Hai di sản Châu bản và Mộc bản bổ sung cho nhau, góp phần vào việc cung cấp những thông tin và chứng cứ đặc sắc, sát thực của triều Nguyễn. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu, khai thác thông tin để giới thiệu đến công chúng những chủ đề khác".

Một số hình ảnh tại cuộc triển lãm “Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua Châu Bản, Mộc bản – Di sản tư liệu thế giới”. 

Bản tấu của Nội các ngày 17/9 năm Tự Đức thứ 31 (1878) về việc triều Nguyễn bắt đầu chế ấn kiềm cấp cho Quốc sử quán, khẳng định giá trị pháp lý chính thống của cơ quan chuyên trách sưu tầm và biên soạn chính sử
Mộc bản và bản dập bìa sách "Đại Nam thực lục Chính biện đệ nhị kí" ghi chép về lịch sử Việt Nam dưới thời vua Minh Mệnh (1820-1840)

Quốc sử quán triều Nguyễn - Cơ quan chuyên trách sưu tầm và biên soạn chính sử.

Triển lãm “Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua Châu Bản, Mộc bản – Di sản tư liệu thế giới” sẽ kéo dài từ ngày 2/12/2015 đến hết ngày 30/1/2016 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 18 Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên