Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay chùa Mễ Sở là Bảo vật quốc gia
Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay chùa Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Ngày 23/5 tại chùa Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên đã diễn ra Lễ công bố Quyết định số 1821/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia đối với tượng Phật nghìn mắt nghìn tay (Quan Âm thiên phủ thiên nhãn).
Bảo vật Quốc gia tượng Phật Quan Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Mễ Sở được tạo tác vào đầu thế kỷ XIX. |
Tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Mễ Sở là hiện vật gốc độc bản, có hình thức thể hiện độc đáo, được các nghệ nhân xưa tạo tác hoàn toàn bằng kỹ thuật điêu khắc thủ công truyền thống hết sức công phu, tiêu biểu cho nền mỹ thuật đầu thế kỷ thứ XIX.
Đây là pho tượng Phật có số lượng tay nhiều nhất nước ta hiện nay với 1.014 cánh tay. Đi kèm mỗi cánh tay là một con mắt được tạo tác tinh xảo trong lòng bàn tay và được chia ra thành nhiều tầng lớp khác nhau. Những cánh tay lớn của tượng không chỉ được tạc từ cánh tay chính, mà còn có thêm phần gập của khuỷu tay.
Đôi tay trên cùng (gọi là tay đảnh hóa Phật) được chụm lại trên đỉnh mũ Thiên quan nâng đỡ đài sen và tượng Phật nhỏ. Điểm ấn tượng và độc đáo nhất của pho tượng này là có thêm một đôi tay phổ lễ ở phía sau lưng, tạo không gian mở đa chiều, hình tượng nghệ thuật vừa thân quen, vừa trang nghiêm về một vị thần thánh đầy linh nhiệm.
PGS.TS, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền từng nhận xét, tượng Phật ở chùa Mễ Sở rất đẹp và là một trong những pho tượng nhiều tay nhất Việt Nam. Tượng Phật ở chùa Mễ Sở khác với tượng Phật nghìn tay, nghìn mắt ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) là trong lòng bàn tay không có mắt. Nhưng đây là pho tượng có nhiều sáng tạo, là một khâu trong quá trình tồn tại và phát triển của tượng Quan Âm Nam Hải.
Không chỉ là một tác phẩm mang ý nghĩa tôn giáo thông thường, pho tượng còn chứa đựng nhiều triết lý sâu xa, kỳ ẩn của nhà Phật; là một vũ trụ thu nhỏ, được sáng tác theo hệ thống quy luật chặt chẽ. Đó là những quy luật âm dương ngũ hành và bát quái, luôn bao hàm các cặp phạm trù đối lập nhưng thống nhất.
Bức tượng này từng 2 lần bị kẻ gian đánh cắp do những giá trị đặc biệt về mỹ thuật và kiến trúc nhưng đều may mắn được tìm thấy. Gần đây nhất, bức tượng đã bị đánh cắp vào năm 2016, sau đó được tìm thấy bên vệ đường quốc lộ 5B, thuộc địa bàn huyện Văn Giang./.