Vài nét về lễ cúng ché của người Êđê

VOV.VN - Đối với người Êđê, ché thể hiện sự sung túc, sức mạnh của một gia đình, dòng tộc.

Đối với dân tộc Êđê, nếu cồng chiêng, ghế Kpan, nồi đồng và con voi được coi là vật linh thiêng và có giá trị nhất của mỗi gia đình và cộng đồng, thì ché thể hiện sự sung túc, sức mạnh của một gia đình, dòng tộc. Mỗi khi có một ché mới về nhà thì cần phải làm lễ cúng lên thần linh để báo cáo; đó chính là phong tục lâu đời của người Êđê.

Tiết trời Tây nguyên man mát gió thổi se lạnh, lay động những bông hoa dã quỳ đung đưa đầu xuân, chúng tôi có dịp chứng kiến lễ cúng ché mới của người Êđê tại Buôn Tai, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk.

Lễ cúng ché của người Êđê.

Dân tộc Êđê nói riêng và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, ché không chỉ là đồ đựng đắc dụng mà là tài sản tích lũy của gia đình, thước đo về sự giàu có và uy lực, là lễ vật dùng trong các dịp cúng tế thần linh, vật nộp phạt với những ai vi phạm luật tục của cộng đồng, sính lễ trong cưới hỏi, của hồi môn cho con cái và là tài sản chia cho người quá cố. Cùng với cồng chiêng, ché là một phương tiện để giao tiếp với thần linh, thể hiện bản sắc và văn hóa của người Êđê.

Ngoài ra, ché còn là một lễ vật không thể thiếu trong các nghi lễ như mừng lúa mới, cầu mùa, cầu sức khỏe, cúng bến nước.... Thầy cúng Aê H’Djuang (Buôn Hoang, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk) cho biết: “Tập tục chung của người Êđê là sau khi đưa một chiếc ché quý về nhà, họ phải tổ chức cúng nhập gia cho ché với ý nghĩa, gia chủ muốn thông báo cho họ hàng, bà con trong buôn được biết và đến chia vui, từ đây ché chính thức được coi như một thành viên, được quan tâm, đối xử như con người và chung sống lâu dài, đầm ấm, hòa thuận với gia đình. Nếu vì một lý do nào đó mà gia đình không sử dụng ché nữa (bán hoặc cho đi) thì cũng phải làm lễ cúng chia tay, tiễn biệt, cầu cho ché sẽ phù hộ cho chủ mới; nếu không may làm bể ché thì phải cúng tạ lỗi với thần linh và chủ ché”.

Ông Ama Sem – chủ nhà tổ chức lễ cúng ché cho biết: Năm nay nhờ được ông bà tổ tiên và các thần linh phù hộ nên gia đình ông có nhiều sức khỏe, may mắn và được mùa mì (sắn), bắp, lúa. Trong năm, ông đã sắm thêm được chiếc ché Tang mới. Vì vậy theo tục lệ của ông bà tổ tiên, gia đình ông phải cúng cho ché trước khi mang về nhà. Lễ vật để cúng ché bao gồm: 1 con heo thiến, 3 ché rượu lớn, 6 vòng đồng, 3 chuỗi hạt, 3 chén đồng, 3 tô đồng, 1 mâm đồng… Trên cột lễ không thể thiếu cây Xoan, vì đây được xem là vật kết nối giữa con người với thần linh trong mỗi lần tổ chức lễ cúng của người Êđê. Trong nhà dài, cột Gơng, cột rượu được dựng lên và trang trí với đủ màu sắc, hoa văn sặc sỡ, bên cạnh là ba ché rượu cần lớn được buộc cố định vào 3 cột rượu bằng những sợi dây rừng. Khi lễ vật đã chuẩn bị xong và rượu đã cột, đội chiêng của buôn tấu lên bài chiêng đón khách để mời bà con, anh em, họ hàng gần xa đến tham dự lễ cúng ché mới.

Nghi thức đeo chuỗi vòng cho ché.

Thầy cúng Aê H’Djuang cầm trên tay vòng đồng và chuỗi hạt đứng trước ché, bắt đầu làm lễ và khấn mời thần núi, thần sông, tổ tiên, ông bà về chứng giám và cho phép gia đình được tổ chức lễ cúng và khấn:“Ơ các Yang (thần linh) gần, Yang xa, Yang trên trời, Yang dưới đất, các Yang đều đã đồng ý để gia đình tổ chức cúng cho ché. Gia đình dù có khó khăn, vất vả, cũng đã tiết kiệm, tích góp để mua được ché quý về ủ rượu cúng Yang. Ơ thần ché, gia chủ hôm nay tổ chức lễ đón ché Tang về nhà, xin được thông báo và mời thần ché cùng dự tiệc với gia chủ, từ nay về sau gia đình sẽ coi ché như con cháu trong nhà, được đối xử tử tế… vì thế mong ché hãy chung sống vui vẻ, lâu dài, hòa thuận, đầm ấm và giúp đỡ các thành viên trong gia đình”. Sau đó, thầy cúng đeo vòng đồng, chuỗi hạt vào cổ và tai ché, với mục đích ché mang điều may mắn và phù hộ cho gia chủ mới.

Cuối cùng chính là nghi thức cúng cho chủ ché, xin thần linh ban cho chủ nhà sức khỏe, may mắn, làm ăn thuận lợi, để có thể mua được nhiều ché quý và các vật dụng có giá trị khác: “Ơ các Yang, Ơ các Yang ở trên trời, các Yang ở dưới đất, ở các Yang gần, Yang xa, Yang núi non, Yang sông suối, Yang cây cối, ơ các Yang tốt, Yang đẹp, Yang ở đằng Đông, Yang ở phía Tây. Hỡi các Yang luôn chăm lo cho con người và muôn vật…"

Kết thúc lời khấn, vợ chồng gia chủ cùng thầy cúng nếm thử các lễ vật để cầu mong mọi điều may mắn. Các thành viên tham dự lần lượt nâng cần rượu, phụ nữ trước, nam giới sau, người già trước, người trẻ sau, gia đình bên vợ trước, gia đình bên chồng sau... Trong không khí rộn ràng lời chúc tụng, chung vui của cả chủ và khách, tiếng chiêng tiếng trống vang lên liên tục tạo nên không khí tưng bừng náo nhiệt. Ấy là khi phần hội chính thức bắt đầu.

Việc tổ chức lại lễ cúng ché của người Êđê không chỉ mang niềm vui, điều may mắn cho chủ nhà, việc tổ chức lại lễ cúng này để cho các thế trẻ của người Êđê còn thấy, còn biết, với ông bà cùng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình. Anh Y- Bon Mlô chia sẻ. Một mùa xuân mới lại về. Mùa xuân Tây nguyên cũng là mùa của những lễ hội. Những nghi lễ trong những gia đình như Ama Sem cũng đã góp phần làm cho Tết Tây nguyên thêm đẹp, thêm giàu bản sắc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bắn chết thầy cúng vì nghi “yểm bùa” con mình
Bắn chết thầy cúng vì nghi “yểm bùa” con mình

Nghi Thào làm bùa, chài đối với con mình, Sùng liền lấy khẩu súng tự chế đuổi theo bắn Giàng A Thào làm người này chết trên đường đi cấp cứu.

Bắn chết thầy cúng vì nghi “yểm bùa” con mình

Bắn chết thầy cúng vì nghi “yểm bùa” con mình

Nghi Thào làm bùa, chài đối với con mình, Sùng liền lấy khẩu súng tự chế đuổi theo bắn Giàng A Thào làm người này chết trên đường đi cấp cứu.

Xây trạm y tế xã khang trang, người dân Mò Ó không còn tìm đến thầy cúng
Xây trạm y tế xã khang trang, người dân Mò Ó không còn tìm đến thầy cúng

Bà con xã nghèo Mò Ó (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) sắp có trạm y tế 2 tầng khang trang, với 13 phòng chức năng thay cho khu nhà cấp 4 cũ nát hiện nay.

Xây trạm y tế xã khang trang, người dân Mò Ó không còn tìm đến thầy cúng

Xây trạm y tế xã khang trang, người dân Mò Ó không còn tìm đến thầy cúng

Bà con xã nghèo Mò Ó (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) sắp có trạm y tế 2 tầng khang trang, với 13 phòng chức năng thay cho khu nhà cấp 4 cũ nát hiện nay.

Cúng siêu thoát cho cháu bé đuối nước, thầy cúng chết đuối ở Lào Cai
Cúng siêu thoát cho cháu bé đuối nước, thầy cúng chết đuối ở Lào Cai

VOV.VN -Trong lúc cúng siêu thoát cho 1 cháu bé đuối nước, thầy cúng trượt chân ngã xuống sông và mất tích. Sau gần 2 ngày, thi thể thầy cúng đã được tìm thấy.

Cúng siêu thoát cho cháu bé đuối nước, thầy cúng chết đuối ở Lào Cai

Cúng siêu thoát cho cháu bé đuối nước, thầy cúng chết đuối ở Lào Cai

VOV.VN -Trong lúc cúng siêu thoát cho 1 cháu bé đuối nước, thầy cúng trượt chân ngã xuống sông và mất tích. Sau gần 2 ngày, thi thể thầy cúng đã được tìm thấy.