Cậu bé 4 tuổi chịu châm cứu mỗi ngày để biết đi, để đi học

VOV.VN - Cậu con trai 4 tuổi bị bại não đang điều trị tiến triển tốt, nhưng người mẹ năm lần bảy lượt xin bác sĩ cho về vì hoàn cảnh quá khó khăn.

Nằm trên giường bệnh cậu bé Hoàng Hà Tấn Phát (4 tuổi) cười tươi lanh lợi. Cậu bé rất thích bánh kẹo, ô tô và máy bay như bao đứa trẻ khác. Bị bại não dẫn đến tổn thương vận động, cậu bé đang được điều trị tại Khoa điều trị liệt vận động - ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Cậu bé Hoàng Hà Tấn Phát đang điều trị có tiến triển tích cực, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn mà có thể phải bỏ dở việc điều trị.

Thời điểm tuyệt vọng nhất của người mẹ đơn thân

Câu chuyện của chị Hoàng Thị Hải Yến (36 tuổi, Cần Thơ) không hề hiếm gặp trong xã hội hiện nay, nhưng bất cứ ai biết và chứng kiến cuộc đời của chị cũng sẽ thấy xót xa cho “kiếp hồng nhan” của người phụ nữ này.

Chị Yến kể lại, khi mang bầu 5 tháng, chồng chị có người phụ nữ khác bên ngoài. Người phụ nữ này thậm chí liên lạc với chị Yến khi chị đang trong thai kỳ. Hai vợ chồng chị quyết định ly hôn khi con trai được 9 tháng và một mình chị nuôi con từ thời điểm đó.

Khi mới sinh, bé Hoàng Hà Tấn Phát không hề có biểu hiện bất thường. Cậu bé cũng nhanh nhẹn và có nhận thức như những trẻ khác. Nhưng khi con trai được 5 tháng, chị Yến một lần nữa bị ngã gục. Cậu bé không lật, không lẫy được và cổ rất yếu. “Lúc đấy, tôi đưa đi khám ở TP HCM, bác sĩ chẩn đoán con bị bại não. Tôi đã rất sốc, vợ chồng đang lục đục nên không thể cứu vãn”, chị Yến xót xa kể lại.

Chị đã ôm con đi khắp các bệnh viện từ Cần Thơ đến TP HCM để chạy chữa. Đến tháng 8/2018, chị biết thông tin về Khoa điều trị liệt vận động - ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, nên 2 mẹ con lên đường con ra Hà Nội. Thời gian đầu, bé Phát điều trị trái tuyến và đến đầu 2019 mới hoàn tất hồ sơ để chuyển bảo hiểm ra Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Mẹ chăm con, con động viên mẹ trong viện

Hơn một năm điều trị tại Hà Nội, tình hình của con tiến triển là động lực để chị Yến tiếp tục cố gắng, vượt qua mọi khó khăn để đồng hành cùng con chiến đấu với bệnh tật. Nhiều người đã xui chị gửi con vào trung tâm để lo cuộc sống của mình, nhưng chị nghĩ sống cho mình thì dễ, mà sống vì con mới khó.

Vậy là bỏ nhà bỏ cửa, bỏ công ăn việc làm chị theo con, chăm con suốt những năm qua. Nhà chị hiện chỉ còn bà ngoại là giáo viên đã nghỉ hưu và thường xuyên đau yếu. Bà ở Cần Thơ nên không giúp gì được.

“Khi mới phát hiện con bị bại não, tôi đưa con đi điều trị ở Cần Thơ và TP HCM. Thời điểm này tôi vẫn còn đi làm và có bà ngoại ở gần, nên có thể gửi bà chăm con. Nhưng 3 năm nay tôi đã không thể đi làm. Ra Hà Nội cũng chỉ có 2 mẹ con tự xoay sở với nhau. Nếu con không có khả năng bình phục thì  cũng phải chấp nhận, nhưng bác sĩ nói cháu đang điều trị tiến triển tốt, có khả năng bình phục nên phải cố điều trị cho cháu, để cháu có tương lai có thể đi học”, chị Yến nói.

Cậu bé đang tập đứng bằng cách vịn vào song cửa sổ.

Dù mới 4 tuổi, nhưng bé Phát rất lanh lợi. Cậu bé nói chuyện rõ ràng, rành rọt với mẹ và bác sĩ điều trị. Cậu bé biết bệnh của mình, biết cố gắng để vượt qua bệnh tật nên luôn gắng chịu đau mỗi ngày khi châm cứu để biết đi, để được đi học. Chứng kiến con kiên cường như vậy, hàng ngày châm cứu đau như vậy mà không khóc, chị Yến cũng phải cố gắng theo. Nhưng vì không có điều kiện, vì hết tiền nên chị đang tính đến việc sắp tới phải đưa con về Cần Thơ để kiếm việc làm.

Chị đã được hỗ trợ từ người thân, bạn bè và cố gắng vay mượn thêm để tiếp tục chạy chữa cho con. Dù có bảo hiểm, nhưng chi phí 2 mẹ con chữa bệnh tại Hà Nội vẫn rất lớn. Nhiều đêm hai mẹ con ôm nhau khau khóc muốn bỏ cuộc: “Bao nhiêu năm vay mượn, bây giờ tôi không thể vay tiếp vì người ta cho vay cũng nhìn hoàn cảnh. Thấy nhà tôi như vậy ai có thể cho vay mãi được, người ta cũng nghi ngại mình không biết bao giờ mới trả được. Tôi muốn đưa con về, gần bà có bà chăm đỡ để đi làm, khi có tiền sẽ đưa con ra chữa trị tiếp”, người mẹ nghẹn ngào.

Hy vọng phục hồi trong 1-2 năm tới

Dù hy vọng là vậy, nhưng khó khăn khiến chị Yến một lần nữa bị dồn vào đường cùng, thậm chí là bỏ dỡ cơ hội phục hồi của con. “Trước đây con không thể ngồi. Nhưng nay đã ngồi được và đang tập đứng, vịn vào song cửa sổ để đứng lên. Bác sĩ động viên: “Phát đang điều trị tốt mà mẹ lại buông thì tội con lắm”. Đôi khi nghĩ lại, tôi thấy mình và con vẫn còn may mắn. Khi thấy con thông minh, mình lại cố để con được đi học. Nhưng hoàn cảnh của tôi bây giờ không cho phép”, chị Yến chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, người điều trị trực tiếp cho cậu bé Phát nói về tiến triển rất rõ rệt của bệnh nhi: “Khi mới nhập viện, thể trạng bệnh nhi rất gầy. Cháu 3 tuổi nhưng chỉ hơn 10kg. Đến nay cháu đã tăng được 4kg. Khi mới điều trị cháu không ngồi được, không bế cắp nách được. Cơ thể cháu căng cứng chỉ có thể bế ngửa, hai tay chân ngoắc chéo, co quắp, không cầm nắm được và đặt đâu nằm đấy. Nhưng hiện tại cháu đã ngồi được, tự xúc được cơm, cháu cũng đang tập đứng và tập đi”.

Cậu bé Phát rất gắn bó với bác sĩ Tuấn và chỉ “cho phép” bác sĩ Tuấn châm cứu và xoa bóp cho mình. “Bác châm vào tay, vào lưng, vào chân… nhưng con không đau. Con châm để biết đi, để con đi học” - Phát luôn nói với bác Tuấn như vậy.

Thấy bệnh nhi tiến triển tốt, các bác sĩ đều động viên, tạo điều kiện và giúp đỡ hết sức để người mẹ cố gắng tiếp tục chạy chữa cho con.

“Trí tuệ của bệnh nhi phát triển bình thường. Trong quá trình điều trị, bị châm cứu mà cháu hầu như không khóc. Phát cũng kêu đau, tôi chỉ biết động viên cháu. Dù rất nhỏ tuổi, nhưng Phát đã rất kiên cường”, bác sĩ Tuấn nói.

Bác sĩ Tuấn cho biết, mẹ bệnh nhi đã 4-5 lần xin về vì khó khăn không thể tiếp tục điều trị. Cũng theo bác sĩ, có rất nhiều nguyên nhân gây bại não, từ trước sinh, sau sinh hay trong quá trình sinh trẻ bị ngạt gây tổn thương não. Thường các trẻ bị bại não, có 60-70% có sóng động kinh, có trường hợp liệt tứ chi. Với trường hợp bại não của Phát khi làm điện não không có sóng động kinh. Bệnh nhi chỉ tổn thương về vận động, trí tuệ hoàn toàn bình thường và chỉ cần chú trọng cải thiện tổn thương vận động.

“Sau hơn 1 năm điều trị, cháu đã tiến triển được 50%. Nếu cháu cứ tiến triển như vậy, tôi hy vọng 1-2 năm nữa bệnh nhi có thể đi lại được”, bác sĩ Tuấn cho biết./.

Mọi hỗ trợ cho bé Phát xin gửi về tài khoản của mẹ bé chị Hoàng Thị Hải Yến TK: 1809205002086 HOANG THI HAI YEN Ngân hàng Agribank, chi nhánh Cờ Đỏ, TP Cần Thơ
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bố đi bốc vác kiếm vài trăm nghìn mỗi ngày chữa ung thư cho con trai
Bố đi bốc vác kiếm vài trăm nghìn mỗi ngày chữa ung thư cho con trai

VOV.VN-Vay hàng trăm triệu làm chuồng nuôi lợn, anh chị hiện trắng tay vì dịch bệnh. Nghiệt ngã hơn khi đúng lúc này, con trai của anh chị phát hiện bị ung thư.

Bố đi bốc vác kiếm vài trăm nghìn mỗi ngày chữa ung thư cho con trai

Bố đi bốc vác kiếm vài trăm nghìn mỗi ngày chữa ung thư cho con trai

VOV.VN-Vay hàng trăm triệu làm chuồng nuôi lợn, anh chị hiện trắng tay vì dịch bệnh. Nghiệt ngã hơn khi đúng lúc này, con trai của anh chị phát hiện bị ung thư.

Đau lòng bé trai bị bại não chi chít vết thương do 4 con chó cắn
Đau lòng bé trai bị bại não chi chít vết thương do 4 con chó cắn

VOV.VN - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận bé V.Đ.D. (9 tuổi, dân tộc Nùng, trú tại Yên Bình, tỉnh Yên Bái) bị chó nhà nuôi cắn thương tâm.

Đau lòng bé trai bị bại não chi chít vết thương do 4 con chó cắn

Đau lòng bé trai bị bại não chi chít vết thương do 4 con chó cắn

VOV.VN - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận bé V.Đ.D. (9 tuổi, dân tộc Nùng, trú tại Yên Bình, tỉnh Yên Bái) bị chó nhà nuôi cắn thương tâm.

Bố mẹ mù lòa dò dẫm chăm con trai 19 tháng tuổi ung thư võng mạc
Bố mẹ mù lòa dò dẫm chăm con trai 19 tháng tuổi ung thư võng mạc

VOV.VN - Đó là hoàn cảnh éo le của gia đình bé Phạm Hữu H. (Hưng Yên) đang điều trị ung thư võng mạc tại khoa Nội nhi, Bệnh viện K.

Bố mẹ mù lòa dò dẫm chăm con trai 19 tháng tuổi ung thư võng mạc

Bố mẹ mù lòa dò dẫm chăm con trai 19 tháng tuổi ung thư võng mạc

VOV.VN - Đó là hoàn cảnh éo le của gia đình bé Phạm Hữu H. (Hưng Yên) đang điều trị ung thư võng mạc tại khoa Nội nhi, Bệnh viện K.