Giữ cho em sự sống

Căn bệnh khiến bé Thảo nôn ra máu, khi ngủ, máu cũng tràn ra miệng.

Em thích được đi học như mấy đứa bạn trong xóm. Từ nhỏ tới giờ em chưa được đến lớp ngày nào”, bé Mai Phương Thảo, 12 tuổi, kéo áo lau vệt máu vừa tràn ra miệng, buồn bã nói.

Thấy cha vừa đi vào cổng, bé Thảo mừng rỡ: “Cha về rồi, mua bột được chưa cha?”.

Anh Mai Hồng, ba bé Thảo, vội đỡ lấy con, nói với giọng hoảng hốt: “Từ từ thôi con, chạy mạnh vậy máu ra nhiều làm sao!”.

Tấm lòng biển trời của cha mẹ nuôi

Anh Hồng ngoài bốn mươi, có gương mặt khắc khổ, thân hình gầy gò. Xoa cái đầu trọc lóc, anh ngần ngại nói với chúng tôi: “Bé Thảo bệnh hoài không hết. Tôi không biết làm sao ngoài việc cầu trời khấn Phật cho con khỏi bệnh. Tôi vái cho bé Thảo hết bệnh nên tháng nào tới rằm tôi cũng xuống tóc”.

Anh kể tiếp: “Tôi là bộ đội ở chiến trường Tây Nam năm 1980. Trong lúc đi chiến đấu, tôi thường xuyên bị sốt rét rừng. Xuất ngũ, tôi không còn khả năng sinh con. Sau đó, tôi gặp một cô gái câm điếc. Chúng tôi yêu thương nhau và quyết định gắn kết cuộc đời với nhau. Để cho nhà cửa đỡ hiu quạnh, vợ chồng tôi xin bé Thảo từ một bệnh viện khi bé mới hai ngày tuổi. Ngày thôi nôi bé, sau một cú ngã, tôi đưa con vào bệnh viện vì máu chảy mãi không đông. Tôi bàng hoàng khi bác sĩ cho biết bé mắc chứng sốt xuất huyết liệt tiểu cầu, máu không đông”.

Từ sau ngày định mệnh đó, cuộc sống cha con anh gắn liền với bệnh viện. Suốt mười một năm, tháng nào anh Hồng cũng phải đưa con đi bệnh viện ít nhất ba lần.

Anh bán nhà, đất của mình để chữa trị cho con gái. Nhờ người chị gái thương tình, vợ chồng anh về ở nhờ nhà chị.

Hàng ngày, anh Hồng bán bánh tiêu ở chợ, còn chị Phương, vợ anh, đi bán vé số để đắp đổi qua ngày. Cả gia đình họ nương tựa vào nhau cố vượt qua bệnh tật và cái nghèo.

Không đủ tiền để chữa bệnh cho con

Anh tâm sự: “Nhờ địa phương quan tâm, gia đình tôi được cấp sổ nghèo, bé Thảo có bảo hiểm y tế. Dù không tốn viện phí nhưng mỗi khi vô tiểu cầu, số tiền lên tới hàng chục triệu đồng, tôi phải tự lo. Vì bận chăm cho con nên nhiều lúc thời gian buôn bán cũng không có. Tiền bạc cứ thế đội nón ra đi”.

“Căn bệnh khiến bé Thảo thường xuyên nôn ra máu, miệng bé luôn ngậm đầy máu. Nhìn con mà tôi không biết làm gì. Dù là con nuôi nhưng tôi thương bé như khúc ruột của mình. Tôi còn sống ngày nào sẽ cố lo cho con ngày đó. Bác sỹ bảo Thảo phải ghép tủy mới có thể sống tiếp, nhưng số tiền đó vượt ngoài khả năng của tôi”.

Đến khi nào con mới được đến trường?

Vì bệnh tật nên bé Thảo không thể đi học như bạn bè cùng trang lứa. Chiếc cặp học sinh, lẽ ra để bé Thảo đến trường, lại dùng để đựng đầy toa thuốc, giấy ra viện, hóa đơn thanh toán viện phí…

Anh Hồng bảo giữ tất cả lại làm kỷ niệm, đợi sau này bé Thảo lớn lên hết bệnh, bé sẽ không quên những tháng ngày vất vả của hai cha con.

Mười hai tuổi nhưng bé Thảo chỉ nhỏ bằng đứa trẻ lên bảy. Bé cứ ôm mãi cuốn truyện tranh, say sưa ghép lời thoại cho nhân vật dù không biết một chữ nào.

Nhìn con, người cha nở một nụ cười méo xệch, nghèn nghẹn nói: “Thảo rất hay mua truyện về rồi tự đọc theo tranh. Bé diễn ra rất hay, nhìn thương lắm. Tôi nghiệp, chứng bệnh nan y khiến con gái tôi chưa có một ngày được đi học. Tôi mong bé được sống khỏe mạnh, chỉ mơ thế nhưng không biết làm sao. Tôi bị đau phổi, vợ cũng bị chứng phổi úng nước mà không có tiền chữa trị. Tôi chỉ sợ một ngày vợ chồng tôi mất sớm, bé Thảo không có chốn tựa nương”.

Mọi thông tin xin liên hệ anh Mai Hồng, ngụ tại 212/31 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên