Mẹ cần một mái ấm

Đời người “Sống có cái nhà, chết có cái mồ”, vậy mà bà Nguyễn Thị Hòa - vợ liệt sĩ Lê Văn Đượm - nay đã đến cái tuổi sắp gần đất, xa trời mà chưa có được căn nhà để che nắng che mưa.

Sinh ra và lớn lên ở Ngãi Đăng (Mỏ Cày, Bến Tre), là người con thứ 7 trong một gia đình có 9 anh em, không cam lòng sống cảnh nước mất nhà tan, theo tiếng gọi của non sông, người thanh niên Lê Văn Đượm tham gia du kích xã Ngãi Đăng, để lại quê nhà bố bà già và người vợ trẻ Nguyễn Thị Hoà.

Năm 1975, bà Nguyễn Thị Hoà sinh được một cô con gái, vừa hay tin chồng hy sinh. Không chịu nổi cú sốc tinh thần, bà có dấu hiệu bệnh tâm thần. Mặc dù được gia đình hết lòng chạy chữa nhưng bệnh của bà ngày càng trầm trọng hơn. Từ đó, cuộc sống của bà và người con dựa hoàn toàn vào sự thương cảm của gia đình, chòm xóm, đặc biệt là sự đùm bọc, chở che của người em trai, vốn là một thương binh, cũng có hoàn cảnh rất khó khăn.

Giường hàng đêm bà Hoà vẫn nằm ngủ

Ngày tháng qua đi, con của bà dần lớn lên. Chị có chồng, bà theo về sống bên quê chồng của con ở Cẩm Sơn. Do bị bệnh nên bà cất lều sống riêng. Số tiền trợ cấp vợ liệt sĩ bà giao cho vợ chồng người con lãnh để mua gạo và thức ăn. Lúc trái gió trở trời bà đem thẻ bảo hiểm đến Phòng khám khu vực Cẩm Sơn để điều trị.

Lấy cái bàn cũ gãy một chân để thờ chồng, nhà không có điện nên một lần trong đêm bà vấp vào bàn, làm lư hương lăn xuống mương vườn, đến nay vẫn chưa tìm thấy. Hai vợ chồng người con của mẹ thương cha đem bằng Tổ quốc ghi công về lập bàn thờ ở nhà mình.

Sau cơn mưa tầm tã do ảnh hưởng của cơn bão số 1, tôi đến thăm bà. Bà ngồi co ro trên chiếc giường cũ, vạc bị gãy, người ướt sũng.

Bà Nguyễn Thị Hòa trước căn lều lụp xụp

Một căn nhà chiều ngang chưa đầy 3m, chiều dài khoảng 5m, nằm cạnh dòng kênh Xáng thuộc ấp Bình Tây, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam. Có 6 chiếc cột bằng cây bạch đàn xiêu vẹo, nghiêng hẳn về một bên, vách lá quá cũ, có nhiều chỗ bị rách nát được chầm vá bằng bao thức ăn gia súc. Nhà không có cửa; mái lá tả tơi, phần lành để che nắng che mưa ít hơn phần bị rách. Phía dưới mái lá là một tấm ni lông được may từ phần trong của bao thức ăn để che nắng, còn lúc trời mưa thì bà dùng cây chỉa cho nước tuôn ra ngoài, có lúc mạnh tay, ni lông bị lủng, nước đổ xối xả vào nơi ngủ làm ướt cả mùng mền, chiếu gối,… trong nhà không có tài sản gì có giá trị.

Năm 2009, chính quyền địa phương đến thăm và dự định tặng cho bà căn nhà tình nghĩa, nhưng đến nay chưa thấy hồi âm.

Chiếc bàn dùng để  thờ liệt sĩ Lê Văn Đượm

Có lẽ do ngày phơi nắng, đêm phơi sương, tấm thân dãi dầu mưa gió nên nhìn bà Hoà già hơn rất nhiều so với tuổi gần 60.

Gần đây ngoài việc heo, dừa xuống giá, thu nhập bấp bênh, vợ chồng người con của bà còn phải lo cho hai đứa con ăn học nên rất khó khăn chật vật. Những hôm nước cạn, bà đi xúc, tát tìm thức ăn, ngày nước rong bà hái rau rừng về nấu canh cho qua bữa.

Hoàn cảnh của bà rất cần sự chung tay giúp đỡ của mọi người./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên