Nỗi đau đớn khôn cùng

Sinh được hai con trai, chị Nguyễn Thị Mãnh những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười. Nào ngờ, bé em bị tim, biến chứng, phải cắt hết chân tay!

“Một cặp song sinh nam? Thật sao?” Chồng tôi đã tròn mắt ngạc nhiên khi nghe vợ báo tin. Tôi vẫn còn nhớ gương mặt rạng rỡ của chồng khi biết mình sắp có hai đứa con trai. Tôi cũng hạnh phúc ngập tràn và hoàn toàn mãn nguyện.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Để chăm lo cho con, tôi chăm chỉ buôn bán kiếm thêm tiền. Bụng chửa vượt mặt, tôi vẫn lê la ở chợ. Chồng tôi nhiều lần động viên vợ: “Anh không tài cán gì nên mới để em khổ vậy. Từ nay, anh chỉ biết chăm nhổ mướn, chăm tưới rau hơn vì các con”.

Cuộc sống tuy vất vả nhưng tôi hài lòng với những gì mình đang có. Tháng 11/2007, hai thiên thần nhỏ của tôi chào đời. Gia Hưng là anh, Gia Lâm là em. Hai thiên thần rất khỏe mạnh dù khi sinh ra chỉ nặng 1,7kg.

Gia Hưng và Gia Lâm đều rất đáng yêu và chẳng khi nào quấy khóc. Gia Hưng có nước da ngăm ngăm, Gia Lâm lại rất trắng trẻo. Hai đứa giống nhau ở đôi mi cong, mắt tròn xoe sáng ngời.

Hạnh phúc với hai con chưa được bao lâu, tôi phải đối diện với bất hạnh khi Gia Lâm phát bệnh. Hôm ấy, khi cho Gia Lâm bú, tôi thấy con bỗng dưng tím tái, thở một cách mệt nhọc. Hoảng hốt, tôi gọi chồng: “Con bị sao rồi anh ơi!”.

Dù khuôn mặt vẫn còn ướt đẫm mồ hôi vì mới từ ngoài đồng về, chồng tôi vẫn lao đến ôm con, giọng hối thúc: “Đưa con vào bệnh viện ngay”.

Tay chân tôi lạnh toát khi ôm con trong tay, ước gì mình có thể chịu đau thay con. Gia Lâm ngằn ngặt khóc trong thở khó nhọc. Ngồi trên xe đến bệnh viện, ruột gan tôi nóng như lửa đốt.

Sau khi khám cho Gia Lâm, bác sĩ thông báo với vợ chồng tôi bằng ánh mắt ái ngại”“Cháu bị tim bẩm sinh”. Nghe đến đó, nước mắt tôi trào ra, cổ họng nghẹn lại không nói nên lời.

Bác sỹ động viên: “Không sao đâu chị, có rất nhiều trẻ em bị tim bẩm sinh. Sau khi phẫu thuật các cháu sẽ khỏe mạnh. Với cháu Gia Lâm, đợi chữa trị một thời gian cho cháu khỏe hơn, chúng tôi sẽ tiến hành phẫu thuật, chị yên tâm!”.

Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM, tôi ôm con về quê trong nỗi lo âu. Bế đứa con mới vài tuần tuổi trong tay, tôi vỗ về: “Gia Lâm ngoan, ráng khỏe nhé con, niềm vui của nhà mình không thể ngắn ngủi vậy được”.

Hết lòng chạy chữa cho con

Từ ngày sinh hai con, nhất là khi Gia Lâm phát bệnh, hầu như đêm nào tôi cũng thức trắng. Hết pha sữa, thay tã, tôi vỗ về ru Gia Lâm ngủ. Mệt mỏi thế nào, tôi cũng không gục ngã vì biết con đang rất cần mình.

Con đường từ Tây Ninh xuống TP. HCM trở nên quen thuộc như đường tôi đi chợ mỗi ngày. Những chuyến xe liên tục khiến tôi không còn bị say xe. Những đêm thức trắng trong bệnh viện giúp tôi không còn lạ lẫm.

Nước mắt của tôi không còn chảy được nữa. Tôi lo cho Gia Lâm đến dại người khi nhìn con càng lớn càng xinh trai nhưng sức khỏe lại yếu dần.

Mười lăm tháng tuổi, Gia Lâm chập chững những bước chân đầu tiên. Đó là sự phát triển bình thường của một đứa trẻ, nhưng với Gia Lâm lại là một kỳ tích.

Khi tập đi, Gia Lâm cũng biết “chành chọe” giành đồ chơi của anh Gia Hưng. Thích chơi xe nên thấy bất cứ chiếc xe đồ chơi nào, Gia Lâm lại nhào vô giành lấy.

Dù mang bệnh trong người nhưng Gia Lâm rất hiếu động. Từ ngày biết đi, hễ mẹ lơ là một tí, cu cậu liền đi ra đầu ngõ.

Tôi nhớ có lần, Lâm đang say đưa ngắm xe chạy, tôi gọi: “Gia Lâm, vô đây đi con!”. Nghe mẹ gọi, Lâm ngoái lại nhoẻn miệng cười, hếch mũi lên làm mặt hề rồi vẫy tay về phía tôi.

Chạy về phía con trai, trái tim người mẹ trong tôi rộn rã mừng khi thấy con chỉ tay ra đường rồi ngọng ngịu nói: “Xe!”. Và Lâm cười thành tiếng rất trong.

Thời gian sau, những cơn đau liên tục kéo đến hành hạ Gia Lâm. Nhiều lúc đang ngồi chơi, con tôi nằm vật ra đất, người tím tái, hơi thở nặng nề. Tôi lại tức tốc ôm con đến bệnh viện.

Hai mẹ con nằm viện hàng tuần, có khi lên đến hàng tháng. Có tháng, tôi chẳng kiếm được đồng nào vì ở trong viện suốt. Nguồn sống của gia đình năm người trông chờ vào mấy luống rau, vài chục nghìn đồng chồng tôi  kiếm được từ việc làm thuê.

Đau xót nhìn con không lành lặn

Lâm vẫn hay tím tái người, hàng đêm vẫn thở khò khè. Bao nhiêu thuốc, bao nhiêu ngày nằm viện chẳng thể giành lại cho Lâm trái tim khỏe mạnh. Tôi đếm từng ngày trôi qua với niềm mong mỏi con sớm được phẫu thuật.

Ngày ấy rồi cũng đến. Ngày 22/5/2009, Gia Lâm vào khám tại Viện Tim TP. HCM. Bác sĩ chẩn đoán Lâm bị tim tứ chứng Fallot và chỉ định phẫu thuật vào ngày 8-6.

Trong khoảng nửa tháng nằm tại Viện Tim, ngoại trừ những lúc lên cơn khó thở, Lâm vẫn rất hiếu động. Mỗi lần nhìn con chơi đùa, tôi không tin con mình mang bệnh hiểm nghèo trong người.

Những lúc ba lên thăm, Lâm vòi ba bế đi dạo trong khuôn viên bệnh viện. Lâm vòi bong bóng, thích đồ chơi như bao đứa trẻ khỏe mạnh khác. Nhìn con, tôi không khỏi chạnh lòng.

Lúc ký giấy phẫu thuật cho con, lòng tôi tràn trề hy vọng. Tôi không ngừng động viên mình: “Gia Lâm nhất định không sao. Có bao nhiêu đứa trẻ đã mổ tim thành công, con mình chắc chắn sẽ khỏi. Gia Lâm đáng yêu như thế, ông trời sẽ phù hộ cho con”.

Ngày 8-6 cuối cùng đã đến, nhằm vào thứ Hai. Trước khi vào phòng phẫu thuật, Gia Lâm còn nhìn tôi mỉm cười. Đèn phòng phẫu thuật bật sáng, tôi ngồi chờ bên ngoài mà ruột gan nóng như lửa đốt, không ngừng cầu nguyện.

Năm ngày sau khi ca phẫu thuật kết thúc, tôi sống trong lo âu và căng thẳng cực độ. Đến ngày 13-6, tôi được phép vào thăm con lần đầu sau mổ.

Nhìn khúc ruột của mình nằm mê man, lọt thỏm trong mớ khăn trắng toát, tôi ứa nước mắt. Lúc cầm tay Gia Lâm lên xem, tôi thấy một ngón tay của con tím đen. Linh tính có điều chẳng lành, tôi lập tức báo với ban giám đốc bệnh viện.

Những ngày sau đó, vệt tím đen chết chóc kia lan rộng dần. Hỏi bác sĩ, tôi được biết Gia Lâm bị biến chứng suy tim nặng và đang điều trị.

Kể từ ngày đó, không lúc nào tôi yên lòng. Những ngày tôi được vào thăm con ít dần đi. Tôi toàn nghĩ đến điều chẳng lành, ngơ ngẩn như người mộng du.

Sáng ngày 31-8, miếng vải băng trên tay con rơi ra, tôi chết điếng khi thấy đó chẳng còn là bàn tay của sự sống. Bàn tay nhỏ xinh tôi từng đưa lên miệng hôn nay khô queo quắt, tím đen như đã cháy tự bao giờ.

Tôi nghẹn ngào trong nước mắt, lao đi tìm bác sĩ. Tôi đã không còn đủ tỉnh táo. Trong cơn đau đến tột cùng, tôi hỏi một cách bấn loạn: “Tay con em bị sao vậy bác sĩ? Tại sao lại như thế?”.

Họ động viên tôi bình tĩnh rồi yêu cầu tôi ký giấy giải phẫu tay và chân cho con. Tôi không tin vào tai mình. Sự thật tôi đang đối diện quá khủng khiếp. Tôi cứ tưởng mình đang mơ.

“Mình ký vào giấy cắt hết tay chân của con mình sao? Tay chân con sẽ bị cắt sao Gia Lâm? Rồi con sẽ đi bằng gì, cầm nắm bằng gì? Rồi mẹ sẽ dắt con đi bằng gì?…” hàng nghìn câu hỏi bủa vây tôi. Gục mặt xuống trong tiếng khóc câm lặng, tôi biết mình không còn lựa chọn nào khác. Đó là cách duy nhất để giữ lại mạng sống cho Gia Lâm của tôi.

Ký giấy rồi, tôi thấy trời đất trước mắt mình tối sầm lại. Tôi lao đi như điên dọc theo hành lang bệnh viện. Tôi lẩm bẩm nói chuyện một mình. Tôi gọi điện báo tin cho chồng, anh nghẹn ngào chẳng nói được lời nào, chỉ biết khóc theo vợ.

Những ngày đợi để gặp mặt con, tôi như người chết dở sống dở. Tôi nhịn ăn mấy ngày liên tiếp vì nuốt cơm vào như nuốt phải trấu khô. Cổ họng tôi đắng nghét, tim gần như không đập nổi, máu trong huyết quản như đông cứng.

Nghĩ đến con, tôi ráng động viên mình ăn uống để có sức tiếp tục chăm sóc cho con. Đêm tôi thức trắng nghĩ đến con, nếu ngủ được, tôi cũng chỉ thấy hình ảnh Gia Lâm lành lặn, chạy đến bên tôi và nũng nịu mỉm cười.

Hôm gặp lại Gia Lâm với hai bàn chân và hai tay cụt ngủn, tôi sững sờ, đứng như hóa đá. “Trời ơi, con trai bé bỏng của mình đây sao? Mẹ biết làm gì cho con bây giờ?”, tôi nấc nghẹn.

Gia Lâm giơ hai mõm tay và chân hãy còn tứa máu của mình lên, nhìn vào đó một lượt rồi ngước nhìn tôi và khóc. Tôi biết Gia lâm có ý hỏi mẹ tay chân của con đâu rồi. Tôi lặng câm, chỉ có tiếng khóc thay cho câu vỗ về.

Mẹ vẫn luôn ở bên con, Gia Lâm yêu dấu

Giọng Gia Lâm đã khan đục, khóc không thành tiếng nữa. Trái tim Lâm đã đập bình thường, đã thôi tím tái. Thế nhưng, ánh mắt ngây thơ của con tôi luôn u uất buồn.

Gia Lâm chẳng còn nước mắt để khóc. Âm thanh phát ra từ cổ họng của Lâm nghe yếu ớt như con mèo gầy. Vết thương đã thôi thứa máu, cơn đau cũng qua đi nhưng lúc ngồi bên đống đồ chơi, Lâm cố nhấc chiếc xe lên mà chẳng được.

Những lúc ấy, Lâm bất lực nhìn mẹ, Lâm đưa tay về phía tôi, chỉ xuống đất. Con tôi đòi đi đó mà! Đôi mắt thơ ngây của con như bóp nát trái tim tôi.

Những ngày sau đó, dường như đã quen với việc mình chẳng còn chân tay, con trai tôi ngoan ngoãn ngồi một chỗ với bịch đồ chơi. Lúc dùng hai cánh tay cụt kẹp chiếc xe nhựa bỏ vào bịch thành công, Lâm nhìn mẹ mỉm cười thích thú. Rồi Lâm lại bắt tôi đổ hết bọc đồ chơi ra ngoài cho Lâm kẹp bỏ vào.

Ngồi nhìn con chơi, tôi thấy trong mắt mình hình ảnh của một thiên thần. Tôi luôn cố an ủi bản thân: “Rồi mẹ sẽ dắt con đi bằng đôi chân của mẹ, sẽ dạy cho con cách cầm nắm cuộc đời mình dù không có đôi tay. Miễn là trái tim con còn đập. Hãy mạnh mẽ lên, thiên thần của mẹ!”.

(Ghi theo lời kể của chị Nguyễn Thị Mãnh, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh).

Thông tin thêm

- Chị Nguyễn Thị Mãnh và anh Nguyễn Văn Lập hiện cư ngụ tại 3/8 ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Thu nhập của gia đình chị trông chờ vào vườn rau và tiền công làm thuê, làm mướn của người chồng.

- Bé Nguyễn Gia Lâm, con trai của anh chị, mắc bệnh tim tứ chứng Fallot bẩm sinh. Sau khi phẫu thuật, bé bị biến chứng suy tim nặng, máu không lưu thông được đến tay chân, dẫn đến hoại tử, buộc phải cắt bỏ tứ chi.

- Ngoài Gia Lâm và Gia Hưng, chị Mãnh và anh Lập còn có một cô con gái đang học lớp ba./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên