An Giang xuất khẩu lô hàng cá tra sản xuất theo quy trình công nghệ cao
VOV.VN - Sản phẩm cá tra sản xuất theo công nghệ cao để xuất khẩu, gồm: Cá tra phi lê, cá tra nguyên con cắt khúc, cá tra xẻ bướm, cá tra cắt lát và cá tra còn da...
Sáng ngày 30/10, tại thành phố Long Xuyên, An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Cổ phần Nam Việt tổ chức lễ công bố lô hàng cá tra sản xuất theo quy trình công nghệ cao xuất khẩu sang thị trường EU, Nam Mỹ, Asean, Trung Quốc và Trung Đông.
Cụ thể, sau buổi Lễ công bố này, Tập đoàn Nam Việt, tại An Giang, mỗi tháng sẽ xuất khẩu từ 300 - 350 container, mỗi container 25 tấn sản phẩm cá tra sản xuất theo quy trình công nghệ cao sang các thị trường quan trọng, như: EU, Nam Mỹ, Asean, Trung Quốc và Trung Đông.
Sản phẩm cá tra sản xuất theo công nghệ cao để xuất khẩu, gồm: Cá tra phi lê, cá tra nguyên con cắt khúc, cá tra xẻ bướm, cá tra cắt lát và cá tra còn da, cùng các mặt hàng giá trị gia tăng như: Giò chả basa Nam Việt, chả basa đặc biệt, chả basa thì là, các mặt hàng phi lê tẩm bột và chả viên tẩm bột...
Ông Đỗ Lập Nghiệp, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt cho biết, hiện Tập đoàn có các nhà máy chế biến sản phẩm với đầy đủ các tiêu chuẩn HACCP.IES, BRC, ISO đáp ứng được đủ điều kiện xuất khẩu đến các thị trường khó tính nhất trên thế giới. Do các điều kiện trên nên sản phẩm của tập đoàn Nam Việt đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và được ưa chuộng tại rất nhiều thị trường trên thế giới như: EU, Trung Quốc, Thái Lan, Nam Mỹ.... Để đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường, Nam Việt có phát triển một số sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra như: Chả cá thì là, giò chả cá, chả cá đặc biệt... được sản xuất chất lượng với tiêu chí xanh, sạch, tiện lợi đang được người tiêu dùng đánh giá cao.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của nước ta thời gian qua cơ bản đạt mục tiêu đã được đề ra, đặc biệt là ngành hàng cá tra có sự vượt khó đáng khi dần tiếp cận trở lại với các thị trường truyền thống.
Ông Phùng Đức Tiến khẳng định: “Cá tra đã đi được nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia, những thị trường quan trọng: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Asean... Ngoài thị trường mà chúng ta đã phát huy được, trên cơ sở xúc tiến thương mại, tìm kiếm thông tin, quảng cáo và xây dựng thương hiệu để chúng ta tìm kiếm các thị trường lớn, thị trường khác để phát huy.
Đồng thời, giải quyết một cách đồng bộ sản xuất theo một chuỗi khép kín, kinh tế tuần hoàn: từ khâu giống, thức ăn dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng, sơ chế, chế biến và giá trị gia tăng thì tổng thể giá trị cá tra được phát huy, như vậy sẽ có ngành cá tra phát triển nhanh và bền vững với giá trị gia tăng cao”./.