Chủ nhân giải Nobel Vật lý: Giải thưởng VinFuture tương đồng với Nobel
VOV.VN - GS Gerard Mourou cho rằng, cả 2 giải thưởng đều khuyến khích lòng đam mê khoa học và sự phát triển khoa học công nghệ của các quốc gia.
Hai ngày nữa, giải thưởng VinFuture sẽ công bố chủ nhân 4 giải thưởng danh giá, với tổng giá trị 4,5 triệu USD. Trong khuôn khổ sự kiện sẽ có chuỗi chương trình giao lưu và tọa đàm với đội ngũ các nhà khoa học “khủng” nhất thế giới trong nhiều lĩnh vực diễn ra từ ngày 18 - 21/1.
Giải VinFuture tương đồng với Nobel
Trong buổi gặp gỡ báo chí tại Hà Nội hôm 17/1, GS Gerard Mourou, Đại học École Polytechnique, Pháp (đạt giải Nobel Vật lý năm 2018) - thành viên hội đồng giải thưởng chia sẻ, ông được Quỹ VinFuture mời tham gia vì từng đoạt giải thưởng Nobel. "Có lẽ VinFuture muốn hướng tới việc xây dựng giải thưởng này đạt tầm cỡ giải Nobel", GS Gerard Mourou nói.
Ông cũng cho rằng, để so sánh giải thưởng VinFuture với một số giải thưởng lớn khác như Nobel là rất khó. Nobel ra đời cách đây hơn 120 năm, còn VinFuture mới năm đầu tiên. Nhưng cả 2 giải thưởng có điểm giống nhau là khuyến khích lòng đam mê khoa học, đồng thời khuyến khích sự phát triển khoa học công nghệ của các quốc gia. Giải thưởng này thu hút nhiều sự quan tâm của giới khoa học. Sinh viên cũng sẽ nhìn thấy triển vọng của khoa học từ giải thưởng này để tham gia vào hoạt động nghiên cứu nhiều hơn.
Gần 600 đề cử
Theo GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California, đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture, ngay trong năm đầu tiên, hội đồng sơ khảo nhận được gần 600 hồ sơ đề cử. Trong đó, gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học trong top 2% được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Nhiều người trong số đó từng nhận được giải thưởng cao quý như Nobel, Breakthrough, Giải Tang, Giải Japan Prize.
“Vì năm đầu tiên xét giải nên chúng tôi nghĩ may mắn thì được khoảng 150 hồ sơ, nhưng thực tế lại nhiều gấp 4 lần, mà đều hồ sơ xuất sắc. Đây là áp lực với hội đồng. Chúng tôi làm việc rất nhiều. Thay vì tổ chức vài cuộc thảo luận thì chúng tôi họp rất nhiều và cuộc nào cũng kéo dài. Nhưng chúng tôi rất vui khi nhận được nhiều đề cử xuất sắc”, GS Quyên nói.
“Là người Việt Nam, tôi thấy rất vinh dự, hãnh diện vì đất nước mình có được giải thưởng lớn như vậy, được cả cộng đồng khoa học thế giới biết tới. Dù VinFuture là quỹ tư nhân, nhưng giải thưởng này giúp các nhà khoa học thế giới biết đến Việt Nam chứ không chỉ là biết đến VinFuture”, GS Quyên nói thêm.
GS Richard Friend, Đại học Cambridge, Anh Quốc - Chủ tịch Hội đồng giải thưởng cho biết, khoa học công nghệ chỉ làm tròn sứ mệnh khi được kết nối để mang lại lợi ích cho xã hội. Nhưng thật đáng tiếc, trong khoảng thời gian rất dài ở phương Tây, nguyên tắc này đôi khi gần như bị lãng quên, nhiều khi hoạt động nghiên cứu khoa học chỉ thuần túy “vị khoa học” mà chưa để ý tới khía cạnh kết nối để mang lại lợi ích cho xã hội. Do đó, giải thưởng VinFuture là ý tưởng tuyệt vời, mang ý nghĩa lớn tạo sự kết nối, tôn vinh những phát kiến khoa học công nghệ mang lại lợi ích cho xã hội.
Giải thưởng chính của VinFuture năm nay dựa trên 2 tiêu chí quan trọng: tính đổi mới sáng tạo, mang lại lợi ích xã hội to lớn. Đây là giá trị cốt lõi làm nên nét đặc trưng, tạo ra sự khác biệt của giải thưởng này với một số giải thưởng khác trên thế giới.
Giải thưởng VinFuture do ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân là bà Phạm Thu Hương đồng sáng lập từ 20/12/2020. Đây là giải thưởng thường niên được trao cho các đề cử từ các nhà khoa học, nhà phát minh có ảnh hưởng toàn cầu, tổ chức nghiên cứu, giáo dục, tập đoàn công nghệ, vườn ươm đổi mới sáng tạo uy tín ở tất cả các quốc gia.
Hội đồng của giải thưởng VinFuture làm việc độc lập để xét chọn người đoạt giải từ các đề cử. Thành viên Hội đồng giải thưởng bao gồm: Giáo sư Gérard Mourou, Đại học Bách Khoa Pháp – người đoạt Giải Nobel Vật lý năm 2018; Giáo sư Sir Richard Henry Friend – Giáo sư Vật lý Cavendish tại Đại học Cambridge; Giáo sư Jennifer Tour Chayes – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Microsoft, Phó hiệu trưởng Trường Máy tính, Khoa học Dữ liệu và Xã hội, Đại học California, Berkeley; Giáo sư Michael Porter, Đại học Harvard, cha đẻ học thuyết “Chiến lược cạnh tranh toàn cầu”.
Hội đồng cũng bao gồm Giáo sư Sir Kostya S. Novoselov, Đại học Manchester – người đoạt Giải Nobel Vật lý năm 2010 ở tuổi 36; Tiến sĩ Padmanabhan Anandan - Viện Trí tuệ nhân tạo Wadhwani, Ấn Độ; Giáo sư Pascale Cossart - Viện Pasteur, Paris, Pháp; Giáo sư Đặng Chí Văn - Viện Wistar, Mỹ; Giáo sư Vũ Hà Văn - trường Đại học Yale, Mỹ; Giáo sư Michael Eugene Porter, Trường Kinh doanh Harvard, Mỹ.
Giải thưởng VinFuture nhằm là tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người trên Trái đất bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. Giải thưởng cũng tôn vinh những trí tuệ xuất sắc không phân biệt quốc gia, giới tính, lứa tuổi – tác giả của các nghiên cứu khoa học, các phát minh, sáng chế đổi mới công nghệ nhằm giải quyết những thách thức chung của nhân loại như: Nâng cao sức khỏe và chất lượng sống, xóa nghèo, chấm dứt nạn đói, tạo cơ hội cho mọi người được hưởng thụ nền giáo dục tiến bộ, nước sạch, năng lượng tái tạo, bình đẳng, công bằng, sản xuất và thương mại có trách nhiệm, ứng phó với biến đổi khí hậu./.
Tuần lễ trao giải VinFuture có 4 hoạt động chính:
- Ngày 18/1 là chương trình giao lưu cùng Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo.
- Ngày 19/1 là tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" gồm 3 phiên thảo luận với các chủ đề: Tương lai của năng lượng, tương lai của trí tuệ nhân tạo và tương lai của sức khỏe toàn cầu. Sự kiện có sự có sự tham gia của nhiều GS hàng đầu từng đoạt giải Nobel, Millennium Technology.
- Ngày 20/1 là lễ trao giải thưởng VinFuture tại Nhà hát lớn Hà Nội lúc 20h (Truyền hình trực tiếp trên VTV1, Fanpage VinFuture Prize).
- Ngày 21/1 giao lưu cùng chủ nhân giải thưởng VinFuture.
Tuần lễ khoa học VinFuture còn nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn như các workshop, triển lãm, bài giảng đại chúng… thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học và công chúng.