HDBank tăng "vốn xanh" cùng gạo Việt vươn tầm
VOV.VN - HDBank tăng hạn mức và đẩy mạnh giải ngân cho các chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, tiếp tục đồng hành cùng quá trình vươn tầm của gạo Việt.
Ngày 2/3/2024, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số số 10 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giữa hợp tác xã với doanh nghiệp.
Cũng trong thời điểm này, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết, từ đầu tháng 3/2024 sẽ tiến hành giải ngân gần 5.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Lộc Trời - doanh nghiệp đang mở rộng những chuỗi giá trị trong ngành hàng lúa gạo, bao gồm các công ty sản xuất phân bón, chế biến và xuất khẩu gạo, hệ thống đại lý và các hộ dân sản xuất.
Đợt giải ngân mới này tập trung đáp ứng nhu cầu vốn cao điểm khi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bước vào mùa thu hoạch rộ vụ Đông Xuân 2023 – 2024.
Theo ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank, nguồn vốn cho vay theo chuỗi liên kết và chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo như trên có thể xem là "những nguồn vốn xanh" cho phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, bởi gắn với mục tiêu thúc đẩy và đáp ứng các tiêu chuẩn trong sản xuất kinh doanh với trách nhiệm bảo vệ môi trường, đặc biệt là khi tạo ra những sản phẩm vượt qua được sự kiểm định khắt khe của các thị trường phát triển trên thế giới.
Như tại Tập đoàn Lộc Trời, một tháng ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực (từ ngày 01/8/2020), những lô gạo thơm của Việt Nam đã tập đoàn xuất khẩu thành công sang châu Âu. Đến năm 2022, Tập đoàn Lộc Trời và Công ty con - CTCP Nông sản Lộc Trời (LTA) tiếp tục thành công khi xuất khẩu gạo mang thương hiệu riêng - "Cơm ViệtNam Rice" - sang thị trường Đức, Hà Lan và Pháp. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên đưa gạo Việt lên kệ hàng của E.Leclerc - hệ thống siêu thị với gần 600 đại siêu thị và hơn 100 siêu thị bán lẻ trên khắp nước Pháp...
Những năm vừa qua, ngành lúa gạo Việt Nam đã có những thành công vượt bậc, vươn tầm thế giới và khẳng định vị thế. Điều quan trọng là ngành lúa gạo của chúng ta đã có những doanh nghiệp tổ chức và đảm bảo được các tiêu chuẩn sản xuất khắt khe, sản xuất xanh và tăng trưởng xanh. Đây chính là những giá trị chiều sâu, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững, cho những kỷ lục về cả lượng và giá trị kim ngạch mà xuất khẩu gạo đạt được trong năm vừa qua", ông Phạm Quốc Thanh nhìn nhận.
Hướng đi trên của ngành lúa gạo Việt Nam, với sự đồng hành của các ngân hàng thương mại, cũng đã được xác định rõ trong Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023. Đề án xác định mục tiêu giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống và giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50% đến năm 2030.