Lễ trao giải VinFuture sẽ diễn ra vào tối nay (20/1)
VOV.VN - Lễ trao giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture diễn ra vào 20h10 tối 20/1 tại Nhà hát lớn Hà Nội, tìm ra các chủ nhân giải thưởng mùa đầu tiên.
Buổi lễ vinh danh các chủ nhân giải thưởng khoa học VinFuture thu hút sự chú ý của công chúng trong nước và quốc tế. Trong đó, phần Lễ sẽ được tổ chức theo nghi lễ trang trọng nhất với sự chứng kiến của Lãnh đạo Nhà nước Việt Nam và các nhà khoa học kiệt xuất, là chủ nhân của những giải thưởng khoa học danh giá thế giới như: Nobel, Millennium Technology, Turing… Tiếp đó là phần biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao được thiết kế riêng cho lễ trao giải, với sự tham gia của hai ngôi sao nổi tiếng từng đạt nhiều giải thưởng hàn lâm danh giá về âm nhạc là Nghệ Sĩ John Legend và Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.
Trước đó, Tuần lễ khoa học VinFuture đã diễn ra với các sự kiện giao lưu Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo sáng 18/1, Toạ đàm khoa học về tương lai của: Năng lượng; Sức khoẻ và Trí tuệ nhân tạo hôm 19/1.
Tuần lễ khoa học VinFuture còn nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn như các workshop, triển lãm, bài giảng đại chúng… thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học và công chúng.
Sự kiện khoa học tầm cỡ thế giới sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và phát trực tuyến trên các nền tảng kỹ thuật số của VTV, VinFuture, các kênh truyền thông quốc tế như CNN, CNBC, Euronews và TechNode.
Theo cơ cấu giải thưởng, hệ thống Giải thưởng VinFuture gồm 4 hạng mục, trong đó, giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD. Đây là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại, ngay cả với Nobel, giá trị cao nhất của giải thưởng này được ghi nhận chỉ khoảng 1,1 triệu USD.
Đáng chú ý, ba Giải Đặc biệt của VinFuture, mỗi giải trị giá 500.000 USD, sẽ dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới.
Đây là điểm khác biệt nhân văn của VinFuture trong bối cảnh có rất ít giải thưởng tầm cỡ, giá trị lớn tôn vinh và cổ vũ cho các nhà khoa học ở những "vùng trũng" hoặc phải đối diện với nhiều rào cản trong nghiên cứu khoa học.
Nhà vật lý học Kostya Novoselov, người có ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực vật lý vật chất ngưng tụ, vật lý trung mô và công nghệ nano, và một trong những nhà khoa học trẻ nhất từng đạt giải Nobel vào năm 36 tuổi, cho biết các nhà khoa học ở nhiều quốc gia đang phát triển chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng với những nỗ lực và thành tựu của họ. Đơn giản vì tiếng nói của họ chưa thực sự được lắng nghe.
"Giải thưởng VinFuture sinh ra để thay đổi điều này. Tôi tin rằng những tài năng lỗi lạc có thể xuất hiện ở bất kỳ quốc gia nào, và tất cả đều xứng đáng được khích lệ".
GS Gerard Mourou, Đại học École Polytechnique, Pháp (đạt giải Nobel Vật lý năm 2018) - thành viên hội đồng giải thưởng chia sẻ, ông được Quỹ VinFuture mời tham gia vì từng đoạt giải thưởng Nobel. "Có lẽ VinFuture muốn hướng tới việc xây dựng giải thưởng này đạt tầm cỡ giải Nobel", GS Gerard Mourou nói.
Ông cũng cho rằng, để so sánh giải thưởng VinFuture với một số giải thưởng lớn khác như Nobel là rất khó. Nobel ra đời cách đây hơn 120 năm, còn VinFuture mới năm đầu tiên. Nhưng cả 2 giải thưởng có điểm giống nhau là khuyến khích lòng đam mê khoa học, đồng thời khuyến khích sự phát triển khoa học công nghệ của các quốc gia. Giải thưởng này thu hút nhiều sự quan tâm của giới khoa học. Sinh viên cũng sẽ nhìn thấy triển vọng của khoa học từ giải thưởng này để tham gia vào hoạt động nghiên cứu nhiều hơn.
Ngay từ mùa giải đầu tiên, VinFuture đã tiếp nhận 599 dự án tranh giải, trong đó, có gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Nhiều người đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nobel, Giải thưởng Breakthrough, Giải thưởng Tang Prize, Giải thưởng Japan Prize…
Cụ thể, khoảng 60 quốc gia ở sáu châu lục đã tham gia sự kiện, trong đó số lượng dự án đến từ Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu chiếm một tỷ trọng lớn 52,6%. Việt Nam cũng có sự tham gia ấn tượng với 17 dự án.
599 dự án được đề cử năm nay được các Hội đồng đánh giá có chất lượng cao, vượt trội về tính khoa học, tiên phong về công nghệ, hứa hẹn mang lại tác động tích cực cho hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người trên thế giới.
Những vấn đề mà các dự án này tập trung giải quyết bao gồm công nghệ y sinh để ứng phó với đại dịch, ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, sáng tạo vật liệu mới để lưu trữ và sản xuất năng lượng sạch và giá rẻ, nông nghiệp bền vững, công nghệ tiên tiến để tạo ra nguồn nước sạch cho các nước nghèo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị bệnh hiểm nghèo và tạo ra các cơ hội bình đẳng trong giáo dục.
Với việc được tổ chức thường niên, Giải thưởng VinFuture sẽ định vị Việt Nam thành một điểm đến mới trên bản đồ khoa học - công nghệ toàn cầu, góp phần tạo bệ đỡ cho nền khoa học công nghệ trong nước hội nhập với thế giới./.