Masan Group có tên trong Top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2021
VOV.VN - Masan Group được vinh danh trong Top 5 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2021 và đứng thứ 15 trong BXH Top 500 doanh nghiệp lớn nhất, bao gồm cả khối tư nhân và nhà nước.
Theo Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), bảng xếp hạng VNR500 (Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021) nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định trong giai đoạn đầy thử thách do tác động của đại dịch COVID-19 vừa qua.
Thu hút mạnh mẽ giới đầu tư, liên tục “bắt tay” các đối tác lớn
Tháng 5/2021, nhóm các nhà đầu tư trong đó có Alibaba và Baring Private Equity Asia đã đầu tư 400 triệu USD vào công ty The CrownX. The CrownX là nền tảng hợp nhất mảng tiêu dùng (Masan Consumer Holdings) và bán lẻ (WinCommerce, đơn vị vận hành chuỗi VinMart, VinMart+) của Masan. Theo thỏa thuận, The CrownX hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online tại Việt Nam. Qua đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được phục vụ hàng hóa đáp ứng tiêu chí “Tươi ngon thượng hạng” dù mua sắm tại kênh online hay siêu thị/cửa hàng VinMart, VinMart+. Ban lãnh đạo The CrownX Masan đặt mục tiêu tổng giá trị hàng hóa từ kênh online của The CrownX chiếm ít nhất 5% tổng doanh số bán hàng của công ty trong thời gian tới.
Với quy mô gần 2.500 điểm bán của WinCommerce (WCM) và mối quan hệ mật thiết của Masan với gần 300.000 tiệm tạp hóa truyền thống trên cả nước, Masan có tiềm lực mạnh mẽ để đẩy nhanh lượng hàng được bán qua kênh online. Với độ phủ sóng rộng khắp trên cả nước, lan tỏa vào các khu dân cư, mỗi điểm bán offline có thể đồng thời là các điểm phục vụ đơn hàng online.
Mới đây, Masan Group và SK Group, tập đoàn đầu tư đa ngành của Hàn Quốc, vừa thoả thuận mua lại cổ phần The CrownX với tổng giá trị tiền mặt 345 triệu USD. Theo thoả thuận, SK Group sở hữu 4,9% cổ phần tại đây, còn Masan sẽ tăng tỷ lệ sở hữu từ 84,9% lên 85%. Trước đó, vào tháng 4/2021, SK Group chi 410 triệu USD để mua lại 16,26% cổ phần WCM.
Phía Masan cho biết, mục tiêu của họ là khép lại vòng huy động vốn vào The CrownX với giá trị từ 200-300 triệu USD trong năm nay. Họ cũng có thể tăng tỷ lệ sở hữu tại đây trong thời gian tới.
Chuỗi WinCommerce đã có lãi ròng, tăng tốc mở rộng mô hình mini-mall
Năm 2021, Masan đã cải thiện lợi nhuận trên tất cả các mảng kinh doanh, đáng chú ý nhất là có quý đầu tiên đạt lãi ròng vào Quý 3/2021. Bảng cân đối kế toán của Masan Group đã cải thiện đáng kể và được kỳ vọng sẽ có kết quả tốt hơn nữa nhờ vào kết quả kinh doanh Quý 4/2021 và các giao dịch tăng vốn gần đây.
Năm 2022, Masan đã vạch ra kế hoạch sơ bộ mở rộng quy mô chuỗi WinMart+ thêm 700 -1.000 điểm bán, nâng tổng số siêu thị mini lên 3.300 – 3.600 điểm trước cuối năm 2022. Masan cũng có kế hoạch chuyển đổi ít nhất 50% điểm bán WinMart+ thành các cửa hàng theo mô hình mini-mall. Mô hình này hiện tích hợp phục vụ nhu yếu phẩm (WinMart+), trà và café (kiosk Phúc Long), dược phẩm, dịch vụ tài chính (Techcombank) và viễn thông (Reddi). Masan tin tưởng mô hình này sẽ thúc đẩy gia tăng giá trị nhờ vào việc tích hợp đa dạng sản phẩm và dịch vụ giúp gia tăng lưu lượng khách hàng, qua đó cải thiện lợi nhuận chuỗi WCM. Mô hình chia sẻ doanh thu các kiosk với cửa hàng giúp gia tăng lợi ích kinh tế và rút ngắn thời gian đạt điểm hòa vốn của các cửa hàng mới. Mặt khác, các cửa hàng WinMart+ theo mô hình mới cũng giúp tăng cường vị thế và sự hấp dẫn của các cửa hàng này ở khu vực phía Nam và khu vực nông thôn.
Trong năm 2021, Masan đã mở rộng sang lĩnh vực viễn thông thông qua việc mua lại công ty Mobicast (nhà mạng di động mới sở hữu thương hiệu Reddi). Từ đó, thiết lập nền móng để chuyển đổi hệ sinh thái của Masan trở thành nền tảng tiêu dùng công nghệ, thu hút khách hàng mới và cung cấp dịch vụ số nhằm tạo ra tăng trưởng bền vững trong dài hạn./.