Học cách người Hà Lan chăn nuôi bò sữa bền vững
VOV.VN - Lần đầu tiên, nông dân Việt Nam được chia sẻ kiến thức chăn nuôi bò sữa bền vững theo kinh nghiệm Hà Lan.
Lần đầu tiên, các hộ chăn nuôi bò sữa trong Chương trình phát triển ngành sữa (DDP), của Tập đoàn FrieslandCampina Việt Nam (đơn vị sở hữu Sữa Cô Gái Hà Lan, Friso, Yomost, Fristi...), có cơ hội tham gia buổi Tập huấn và Trao đổi kinh nghiệm với nông dân Hà Lan, về phát triển bền vững trong chăn nuôi bò sữa. Hoạt động diễn ra tại Củ Chi vừa qua đã tạo dấu ấn mới trên hành trình hiện thực hóa sứ mệnh phát triển bền vững của tập đoàn, nhằm “Mang đến nguồn dinh dưỡng vượt trội để nuôi dưỡng thế hệ tương lai”.
Học Hà Lan cách chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững
Hà Lan được biết đến là một trong những quốc gia dẫn đầu về năng lượng sạch, tận dụng tối đa năng lượng mặt trời và gió cho các ngành công – nông nghiệp. Song song đó, đất nước này còn sở hữu ngành chăn nuôi bò sữa bền vững lớn nhất thế giới, theo hướng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Đây là những kiến thức và kinh nghiệm thiết thực, mà các trang trại chăn nuôi bò sữa của Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng, để trở thành một ngành phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Để hướng đến mục tiêu trên, các nông hộ tại Việt Nam đã được tạo nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn từ nông dân Hà Lan, thông qua Chương trình “Nông dân giúp nông dân” (Farmer to Farmer Training Program) – góp phần khắc phục những khiếm khuyết, tối ưu hóa tiềm năng sản xuất của nông trại, rút ngắn khoảng cách về kỹ thuật chăn nuôi giữa Việt Nam và thế giới.
Trong buổi chia sẻ lần này, lần đầu tiên, các nông dân Việt Nam đã tìm hiểu giải pháp dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của bò giúp giảm phát thải trong chăn nuôi bò sữa, tư vấn tối ưu hệ thống điện mặt trời trong trang trại chăn nuôi bò sữa để tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nước và xử lý tốt nước thải, ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã chú trọng hơn vào việc áp dụng mô hình phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, vốn là những người có ý thức hơn trong việc lựa chọn những thứ tốt cho sức khỏe và ít gây tác hại môi trường.
Tham gia buổi giao lưu, tập huấn, bà Nguyễn Thị Mai Hương, một nông hộ chăn nuôi bò sữa thuộc Chương trình Phát triển Ngành sữa (DDP), đánh giá cao hoạt động thiết thực này của Tập đoàn FrieslandCampina Việt Nam. “Qua việc tiếp cận trực tiếp kiến thức và kinh nghiệm quý giá từ nông dân Hà Lan, chúng tôi đã có cơ hội trau dồi thêm kỹ thuật chăn nuôi cải tiến để hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường. Mỗi nông dân chúng tôi sẽ là hạt nhân để nhân rộng hơn nữa mô hình phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam”, bà nói.
Lấy nông dân làm trọng tâm trong chương trình phát triển ngành sữa
Ngay từ khi bước chân vào Việt Nam gần 30 năm trước, FrieslandCampina đã xác định lấy người nông dân chăn nuôi bò sữa làm trụ cột chính để phát triển ngành chăn nuôi trong nước. Do vậy, thay vì xây dựng trang trại lớn theo quy cách công nghiệp, FrieslandCampina Việt Nam đã chọn hướng đi về vùng nông thôn, đến với những người nông dân chăn nuôi bò sữa, thiết lập quan hệ đối tác với họ, cung cấp cho họ kiến thức khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong chăm sóc bò và thu hoạch sữa, nhờ đó tối đa hóa giá trị của người nông dân trong chuỗi cung ứng.
Kiến tạo tương lai bằng chiến lược phát triển bền vững
Gần 3 thập kỷ đồng hành cùng Việt Nam, FrieslandCampina Việt Nam luôn kiên định sứ mệnh cung cấp nguồn dinh dưỡng an toàn, giàu dưỡng chất nhằm góp phần cải thiện dinh dưỡng cho người tiêu dùng Việt. Đàn bò chăn nuôi theo tiêu chuẩn Hà Lan chính là nền tảng để tập đoàn thực hiện sứ mệnh này.
Đây cũng là trụ cột chính trong chiến lược phát triển bền vững của tập đoàn xoay quanh 4 trọng tâm: Cung cấp nguồn dinh dưỡng chất lượng cao cho người tiêu dùng; sử dụng bao bì thân thiện môi trường; giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu; cải thiện cuộc sống của các nông hộ thành viên.
Dự kiến đến năm 2025, FrieslandCampina Việt Nam sẽ thực hiện 40.000 lượt đào tạo kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm cho toàn bộ nông hộ đối tác trong Chương trình phát triển ngành sữa (DDP). Cam kết này không những thể hiện mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống cho các nông hộ thành viên, trong chuỗi cung ứng của tập đoàn, mà còn chung tay sáng tạo giá trị vì sự phát triển bền vững của ngành sữa Việt Nam.