Tương lai không rác thải nhựa: Hành động nhỏ, hiệu quả lớn

VOV.VN - Một bước tiến lớn tới tương lai không rác thải nhựa bắt đầu từ những hành động nhỏ nhờ mô hình kinh tế tuần hoàn dựa vào cộng đồng.

Dự án “Mô hình Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” là một trong những hoạt động tiêu biểu tại Thành phố Hà Nội, góp phần khẳng định tầm quan trọng của việc phân loại rác thải nhựa tại nguồn, hướng tới việc thực hiện hoá một tương lai không còn rác thải nhựa - một kinh tế tuần hoàn tài nguyên.

Rác thải nhựa gia tăng ô nhiễm

Việt Nam hiện là một trong năm quốc gia Đông Á đóng góp trên 50% tổng lượng rác thải nhựa ra biển. Trung bình có khoảng 61.000 tấn rác thải sinh hoạt được xả ra mỗi ngày tại nước ta, nhưng chỉ 10-15% con số trên được thu gom, tái sử dụng hoặc tái chế, trong khi phần còn lại được chôn lấp hoặc đốt. Điều này dẫn tới thực trạng quá tải, thiếu đất tại các bãi chôn lấp, chi phí xử lý tăng cao, hay nghiêm trọng hơn là gia tăng ô nhiễm môi trường nước và không khí.

Theo một số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường tại Việt Nam, với 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Tại 2 thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình có khoảng 80 tấn nhựa và nilon được thải ra môi trường mỗi ngày.

Là quận trung tâm của Thành phố Hà Nội, bao gồm 18 phường và 155.900 cư dân, quận Hoàn Kiếm phát sinh khoảng 200 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày.

Có thể nói, lượng rác thải nhựa khổng lồ phát sinh mỗi ngày tại nước ta đang tạo nên một gánh nặng không hề nhỏ cho môi trường. Nếu tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, trong khi không có giải pháp cụ thể nào được thực hiện thì tương lai về thảm hoạ “ô nhiễm trắng” - thảm hoạ ô nhiễm túi nilon và rác thải nhựa là điều không thể tránh khỏi.

Bước tiến lớn trong việc cải thiện tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa…

Đứng trước tình trạng rác thải nhựa không được xử lý đang ngày càng trở nên nhức nhối tại Việt Nam, nhiều tổ chức từ cấp Trung ương cho tới cơ sở, các doanh nghiệp tư nhân đã cùng nhau chung tay với những hành động vô cùng thiết thực, trở thành tấm gương sáng, tạo bước tiến lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.

Tháng 08/2020, Chính Phủ đã phê duyệt Kế hoạch Hành động Quốc gia về Quản lý Chất thải Nhựa Đại dương đến năm 2030 (NAP). Cùng với đó, chỉ thị 33/CT-TT của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã được ký ngày 20/8/2020 nhằm tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Hợp tác công tư (PPC) về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam cũng được thiết lập, với mục đích chính đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải, tập trung vào rác thải nhựa có giá trị thấp ở Việt Nam.

Công ty Dow Việt Nam - một trong những thành viên sáng lập Hợp tác công tư trên, đã và đang luôn nỗ lực tìm ra những giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy việc tái sử dụng những sản phẩm nhựa và giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Công ty Dow Việt Nam từng chia sẻ: “Tại Dow, chúng tôi có trách nhiệm, cơ hội để tiên phong trong giải quyết những thách thức toàn cầu. Rất vui mừng khi thấy ngày càng nhiều các bên liên quan cùng chung tay thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Là công ty khoa học vật liệu, cung cấp giải pháp, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức liên quan để loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường và phát minh các giải pháp KH-CN để trực tiếp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và rác thải nhựa”. Dự án “Mô hình Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” là một trong những nỗ lực của Dow tại Việt Nam.

Ở cấp độ địa phương, quận Hoàn Kiếm cũng đã phê duyệt Kế hoạch 10 “Quản lý, phân loại rác thải, ngăn chặn rác thải nhựa và túi nilon trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Dự án “Mô hình Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” (gọi tắt là Mô hình) là một trong những hoạt động tiêu biểu góp phần đạt được mục tiêu phân loại 100% rác thải sinh hoạt của Quận.

Mô hình này là dự án đầu tiên, thí điểm nghiên cứu các vấn đề, điều kiện thực tế của kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa. Kết quả của dự án sẽ cung cấp cho PPC những hiểu biết sâu sắc về nhận thức, bối cảnh và mức độ sẵn sàng của hệ thống hiện tại để chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như bộ dữ liệu về quản lý nhựa giá trị thấp và các thành phần chuỗi giá trị của nó.

Bắt đầu từ những hành động nhỏ

Cấu trúc của Mô hình trong dự án này bao gồm thực hành 3R dựa vào cộng đồng, bắt đầu triển khai từ chính những hộ gia đình trên địa bàn Quận. Rác thải nhựa có thể tái chế và rác nhựa giá trị thấp sẽ được phân loại ở các hộ gia đình, sau đó công nhân viên URENCO chi nhánh Hoàn Kiếm sẽ tiến hành thu gom và tập kết tại cơ sở thu mua phế liệu. Rác thải nhựa sau đó sẽ được đem đến nhà máy tái chế và sản xuất, trở thành những sản phẩm mới (hạt nhựa, gạch…).

Trong mô hình này, các nhóm phụ nữ và lãnh đạo cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc phân loại rác tại cộng đồng thông qua việc thúc đẩy 3R, giúp tổ chức tập huấn và hướng dẫn tận nơi tại các khu dân cư, giúp theo dõi, giám sát và ghi chép về công tác thực hiện phân loại rác tại nguồn. Công nhân URENCO là nhân tố chính của hệ thống thu gom, và công ty tái chế nhựa sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển và xử lý rác nhựa giá trị thấp.

Một tương lai phát triển bền vững, nơi rác thải nhựa được xử lý và tái chế, quay trở lại giúp ích cho cuộc sống của chúng ta không còn xa. Tất cả bắt đầu từ một hành động nhỏ của mỗi người, ngay tại gia đình nhỏ của mình ngày hôm nay.

Thông tin về dự án “Mô hình Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm”:

Được tài trợ bởi Dow Việt Nam, dự án “Mô hình Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng phối hợp thực hiện. Dự án triển khai nhằm mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, các cấp, các ngành trong việc phân loại, thu gom tái chế, vận chuyển đến nơi quản lý, tái chế theo quy định và tầm quan trọng việc cần thiết phải phân loại rác tại nguồn. Từ đó giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông và tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để góp phần vào phát triển kinh tế bền vững và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Dự án được triển khai thí điểm tại quận Hoàn Kiếm từ tháng 11/2020, dự kiến hoàn thành vào tháng 06/2022./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên