15 cử chỉ tay bạn nên biết để tránh phiền phức khi đi du lịch các nước
VOV.VN -Cùng một động tác tay nhưng ở mỗi quốc gia lại mang ý nghĩa riêng. Đôi khi bạn có thể bị bắt khi đi du lịch vì một cử chỉ tay vô tình của mình...
1. Động tác “OK”: Động tác này mang ý nghĩa đồng tình mà chúng ta vẫn luôn quen thuộc, đặc biệt là ở Mỹ. Tuy nhiên tại Nhật Bản đây được coi là ám chỉ về tiền bạc, còn ở Brazil nó lại được coi là một hành động khiếm nhã. |
2. Cử chỉ “Got your nose”: Cử chỉ đặt ngón cái dưới ngón trỏ trong khi bàn tay nắm chặt được coi là rất bình thường trong trò chơi “Got your nose” của trẻ con Mỹ, nhưng khi sang Thổ Nhĩ Kỳ, nó thể hiện sự không đồng tình và đừng vô tình làm hành động này ở Indonesia nếu bạn không muốn bị cho là đang xúc phạm đối phương. |
3. Giơ tay chữ “V”: Ở Mỹ, chữ V viết tắt cho “Victory” có nghĩa là chiến thắng. Bạn cũng có thể làm động tác dễ thương này để tạo dáng khi chụp hình ở các nước châu Á, nhưng đừng dại giơ chữ V và hướng mu bàn tay về phía đối phương khi du lịch một số nước phương Tây vì nó lại mang ý nghĩa xúc phạm. |
4. Giơ tay chữ “L”: Chữ L ở Mỹ viết tắt cho “Loser”-kẻ thua cuộc. Còn tại Trung Quốc, chữ L này được hiểu là số 8 – một con số người ta cho là may mắn ở đây. Biết cách ra kí hiệu cho các con số đặc biệt rất hiệu quả ở nước đông dân này khi bạn cố gắng trả giá cho một món hàng. |
5. Dấu hiệu “Like”: Dấu hiệu này thường được biết để biểu đạt sự đồng tình, hưởng ứng hoặc đôi khi là lời khen ngợi đến một ai đó. Trong ngôn ngữ kí hiệu Mỹ, nó còn có nghĩa là số 10. |
6. Giơ ngón tay út: Ở Mỹ, đây được coi là động tác tinh tế và “sang chảnh” nhất là khi thưởng thức trà. Trong ngôn ngữ kí hiệu Mỹ nó còn biểu trưng cho chữ I. Bạn có thể làm động tác này khi hứa hẹn với đối phương, thường là ngoắc ngón tay út. Người Trung Quốc thì không cho là như vậy, họ chỉ giơ ngón út khi muốn thể hiện sự không đồng tình hoặc không vui vẻ. |
7. Ngoắc ngón tay trỏ: Hành động ngoắc ngón tay trỏ thường dùng để gọi một ai, thậm chí khiêu khích hoặc dụ dỗ. Ở Philippines, bạn có thể bị bắt khi làm hành động này với người khác vì nó chỉ “hợp pháp” khi bạn gọi chó. |
8. Giơ bàn tay về phía đối phương: Thông thường nó có thể coi là một cử chỉ chào hỏi, cũng có thể được biết với ý nghĩa “Dừng lại”. Bạn tốt nhất không nên làm điều này ở Hy Lạp hay Pakistan, đây được coi là một hành động xúc phạm đến đối phương. |
9. Đưa ngón trỏ qua “cắt cổ”: Cử chỉ này khá thống nhất về ý nghĩa, nó có thể hiểu là “Bạn tiêu rồi!”, nhất là ở Mỹ, còn ở Nhật Bản nó thể hiện bạn đã bị sa thải. |
10. Chụm các đầu ngón tay vào nhau: Hành động này có lẽ chỉ phổ biến ở Ý, nếu bạn du lịch đến đây và muốn hỏi lại đối phương xem họ đang muốn nói gì. Đôi khi người Malaysia cũng làm hành động này nếu muốn yêu cầu đối phương đợi một chút. |
11. Phẩy tay qua lại: Bạn thường phẩy tay khi cảm thấy thứ gì đó bốc mùi kinh khủng. Ở Nhật Bản, đây được coi là “Không được”, “Không cần đâu” hoặc “Không đời nào”. |
12. Đan chéo ngón cái qua ngón trỏ: Hành động trên đi kèm với sự chà xát 2 ngón tay này với nhau ám chỉ về tiền ở phương Tây, nhưng ở Hàn Quốc đây được coi là biểu tượng trái tim, thể hiện tình yêu với đối phương. |
13. Giơ biểu tượng 2 chiếc sừng: Đơn giản là ám chỉ một con vật có sừng như bò, hươu… hoặc khi nói một điều có vẻ ngốc nghếch, tuy nhiên tại Nhật, người ta làm hành động này với đối phương khi cảm thấy bực bội. |
14. Đan chéo ngón tay vào nhau: Hành động này ở Mỹ có thể được hiểu là “Good luck” – chúc may mắn hoặc chữ R trong bảng ngôn ngữ kí hiệu. Nhưng ở Việt Nam, đây được coi là một cử chỉ thô tục, khiếm nhã. |
15. Ra dấu tay kiểu sừng bò: Khi bạn ra dấu tay này với một người Argentina, Brazil, Cuba, Phần Lan hay Ý, bạn muốn nhắc họ là chồng/vợ họ có lẽ đang ngoại tình. Còn thông thường, đây là một cử chỉ mang ý nghĩa hưởng ứng hoặc khi bạn muốn “quẩy” hết mình. |