Ai quản lý hộp xốp?
Tại Việt Nam, hộp xốp vẫn được sử dụng để đựng thức ăn bình thường như chưa từng có thông tin trên, còn cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm nhà quản lý để phán xét số phận những chiếc hộp xốp.
Cuối tuần qua, Hiệp hội đóng gói thức ăn quốc tế (IFPA) ở Hongkong công bố thông tin, một nửa số hộp đựng cơm (xốp, nhựa, giấy...) tại Trung Quốc chứa một lượng lớn bột khoáng có thành phần gây ung thư. Ngay lập tức, Trung Quốc ra quyết định cấm bán và sử dụng hộp thức ăn bằng xốp vì chúng có thể được làm từ đồ phế thải. Tại Việt Nam, hộp xốp vẫn được sử dụng để đựng thức ăn bình thường như chưa từng có thông tin trên, còn cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm nhà quản lý để phán xét số phận những chiếc hộp xốp.
Đa năng, đa dụng, đa nơi…
Chiều 31/3, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết trước thông tin hộp xốp đựng thức ăn của Trung Quốc chứa một lượng lớn bột khoáng có thành phần gây ung thư, Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia đã mua ngẫu nhiên 10 mẫu hộp xốp bán trên thị trường về kiểm nghiệm. Kết quả chưa phát hiện bất cứ yếu tố độc hại nào. Theo ông Khẩn, hiện hộp xốp đựng thức ăn được sử dụng tại Việt Nam đều được sản xuất, tái chế ngay trong nước, không có sản phẩm nhập về từ Trung Quốc. Việc kiểm tra chất lượng của bao bì sử dụng chất dẻo (trong đó có hộp xốp) được Bộ Y tế tiến hành thường xuyên từ trước, tuy nhiên chưa phát hiện ra trường hợp nào chứa bột khoáng có thành phần gây ung thư như hộp xốp sản xuất tại Trung Quốc |
Chị Kim Quyên, một cán bộ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho hay: Do thời gian ít nên phương án mua cơm hộp về ăn tại phòng luôn được chị và đồng nghiệp coi là phương án tối ưu. “Nhiều khi đi dự tiệc tùng bên ngoài, thức ăn thừa nhiều vì tiếc nên chị em trong cơ quan gom lại mang về và tất nhiên, vật dụng hợp lý để đựng thức ăn thừa là những chiếc hộp xốp”, chị Quyên nói.
Chị Xuân, chủ cửa hàng phở trên phố Nguyễn Trường Tộ cho biết, mỗi ngày cửa hàng bán không dưới 100 suất phở xào đựng trong hộp xốp. Từ khi ra đời đến nay, hộp xốp vẫn khẳng định được nhiều ưu việt như nhanh gọn, tiện lợi… nên không chỉ cửa hàng mà khách hàng cũng ưa dùng.
Có mặt tại cổng Bệnh viện K Hà Nội, nơi điều trị bệnh nhân ung thư lúc 12h ngày 31/3/2010, thì thông tin về mối nguy hiểm, mà cụ thể là gây ung thư do hộp xốp đựng thức ăn như chẳng hề được mấy người quan tâm. Những gánh cơm được bày bán không bát đĩa mà thay vào đó là những chiếc hộp xốp. Chị Lan, người bán cơm cho hay: “Như thế cho tiện”.
Dù cơ quan chức năng chưa phát hiện chất gây ung thư trong hộp xốp ở Việt Nam như tình trạng đang xảy ra ở Trung Quốc nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo không nên dùng hộp xốp đựng thức ăn nóng vì có thể giải phóng chất độc |
Thế nhưng, cũng có người tỏ ra lo lắng khi được nghe về thông tin trên: “Tôi lên đây chăm sóc bố bị ung thư dạ dày từ mấy năm nay, nhà nghèo, lại không biết đường sá nên chẳng dám vào các quán cơm ở Hà Nội ăn. Ngày hai bữa cứ ra cổng ăn cơm của những gánh cơm nhỏ này mà bát chính là hộp xốp cũng thành quen. Một chiếc hộp mà kiêm luôn chức năng của bát, đĩa, ăn ngay cũng được mà mang vào viện ăn cũng được nên rất tiện cho những người “sảy nhà ra thất nghiệp”. Nếu chiếc hộp xốp lại gây bệnh ung thư thì những người như chúng tôi đi chăm người ung thư lại phải sống trong sợ hãi bởi nguy cơ mắc bệnh ung thư” - anh Hoàng quê ở Kim Động, Hưng Yên tâm sự.
… và đa hiểm họa
Theo kỹ sư Vũ Tân Cảnh, Phòng Vật liệu Polyme và Composit, Viện Khoa học Vật liệu thuộc Viện Khoa học Công nghệ, ở Việt Nam, nguyên liệu chính để chế tạo hộp xốp là một loại nhựa nhiệt dẻo gọi là Polystiren phân tử thấp, do vậy nó chỉ có thể dùng để đựng thức ăn nguội, còn đựng thức ăn nóng là điều tối kỵ. Vì nhiệt từ thức ăn nóng sẽ khiến loại nhựa này giải phóng ra một chất độc có tên là monostyren, ngấm vào thức ăn, ăn vào sẽ cực hại cho gan, cũng như gây ra nhiều bệnh như biến đổi gene, gây ung thư…
Ở nhiệt độ 70 - 80 độ C, một số phụ gia trong nhựa bắt đầu hòa tan vào thực phẩm. Nếu là loại kém chất lượng, có thể chứa chất dioctin phatalat, ảnh hưởng trực tiếp tới giới tính. Theo đó, nếu bị nhiễm chất này lâu dài có thể ảnh hưởng đến giới tính của trẻ em, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm. Như vậy, nếu theo phân tích của các nhà khoa học thì nhiều người sẽ vô tình trở thành nạn nhân của những chiếc hộp xốp đựng thức ăn nêu trên. GS.TS Đỗ Văn Kháng, Trưởng phòng công nghệ Polyme (Viện Hóa học) |
Ai quản lý?
Tại buổi làm việc với PV Báo TNVN, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, cần xác định chính xác đó là bao bì đựng thức ăn loại nào, không đựng được thức ăn nóng thì có đựng được đồ ăn lạnh không, còn nếu gọi chung chung là hộp xốp sẽ rất trừu tượng. Ngay tại Hà Nội, cũng có nhiều cơ sở sản xuất bao bì trong đó có hộp xốp đảm bảo chất lượng nên thông tin trên (hộp xốp đựng thức ăn có nguy cơ gây ung thư - PV) cần phải được kiểm tra chính xác, cụ thể trước khi có kết luận cuối cùng. Thông tin về tác hại của hộp xốp vô hình chung sẽ làm người dân sợ hãi, tẩy chay hộp xốp, từ đó làm ảnh hưởng đến những cơ sở sản xuất có chất lượng được cơ quan chức năng công nhận.
Ông Cường cũng cho biết, ngay trong tuần này, Thanh tra Sở Y tế sẽ yêu cầu phòng y tế các quận huyện trên địa bàn tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, cơ sở sản xuất cơm hộp. Đối với những cở sở kinh doanh sử dụng hộp xốp không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không đảm bảo chất lượng sẽ bị tịch thu, tiêu hủy và xử lý theo Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Ngành y tế không có thẩm quyền kiểm tra các cơ sở sản xuất mặt hàng này (hộp xốp - PV).
Tuy nhiên, ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) khẳng định, Bộ này chỉ trịu trách nhiệm đối với các sản phẩm hóa chất có trong những mặt hàng gia dụng và mặt hàng tiêu dùng. Còn hộp xốp dùng để đựng đồ ăn được xếp vào mặt hàng chứa thực phẩm, vấn đề này thuộc quản lý của Bộ Y tế. Bộ Công thương sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý quá trình sản xuất hộp xốp đựng thực phẩm.
Vậy trách nhiệm quản lý sản phẩm hộp xốp đựng thức ăn thuộc về ai?./.