Ăn Tết trên đại ngàn Trường Sơn
VOV.VN - Những ngày cuối năm, đồng bào Cơ Tu sửa soạn nhà cửa để đón tết. Ngày tết, tiếng trống chiêng, hát lý, vang vọng cả núi rừng
Trước đây, người Cơ Tu ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam chỉ ăn tết mừng lúa mới là cái Tết của đồng bào mình. Thế nhưng những năm gần đây, bà con cùng đón Tết cổ truyền của dân tộc. Những ngày cuối năm, đồng bào sửa soạn nhà cửa để đón tết. Ngày tết, tiếng trống chiêng, hát lý, vang vọng cả núi rừng.
Ngày Tết, người Cơ Tu mang món ăn đặc sản núi rừng đãi khách (Ảnh: Ngọc Hà). |
Sửa sang lại nhà cửa và bàn thờ Bác Hồ là công việc được già làng Pơloong Nấp, xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thực hiện chu đáo mỗi khi Tết đến xuân về. Già làng Pơloong Nấp giải thích, ngày trước, người Cơ Tu không có tục ăn tết cổ truyền. Sau này, khi có bộ đội là người Kinh lên đây công tác tổ chức Tết cổ truyền, người Cơ Tu cũng học người Kinh đón tết này.
Già làng Pơloong Nấp bảo, cũng giống như người miền xuôi, việc quan trọng nhất trước tết chính là dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa và chuẩn bị thức ăn cho ngày Tết: “Ngày tết, việc chuẩn bị đầu tiên là đó là họp toàn bộ dân, dọn dẹp tất cả nhà cửa trong bản đó thật sạch sẽ. Sau đó, giao cho mỗi gia đình làm bao nhiêu cơm lam, bao nhiêu thức ăn,…tất cả từ a đến z đó. Cho mỗi gia đình chi tiêu ví dụ mỗi hộ 2 ống cơm lam, 20 cút rượu, rồi thức ăn mấy dĩa, mấy tô rồi đem lên nhà Gươl, tất cả thanh niên, già làng tập trung ăn uống”.
Các món Tết của người Cơ Tu đều từ những món săn trên rừng hay nuôi trồng được trên rẫy, trong vườn nhà như: thịt trâu, thịt nai, thịt chuột gác bếp, cơm lam, rượu cần, rượu tà vạt, bánh sừng trâu, rau dớn. Những món ẩm thực này gửi gắm ước vọng ấm no của đồng bào trong những ngày đầu năm mới. Già làng Briu Bhố ở xã Lăng cho biết, ngày Tết, họ sẽ đem các món za zá, thịt chuột, thịt dơi, măng khô với rượu tà vạt để đãi khách.
Ngày trước, người Cơ Tu chỉ nấu xôi hoặc xôi nướng trong ống nứa tươi. Những năm gần đây, bà con Cơ Tu học cách gói bánh chưng, bánh tét. Đêm 30 Tết, có nhiều gia đình cũng làm mâm cơm cúng ngoài sân. Đó là những thay đổi lớn của đồng bào Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Theo già làng Briu Bhố, người Cơ Tu không có tục thờ cúng nhưng nhà nào cũng đặt ảnh Bác Hồ ở nơi trang trọng nhất.
“Tục thờ cúng là người Cơ Tu không có đâu, nhưng ảnh của Bác luôn để ở nơi linh thiêng nhất, trang trọng nhất. Tục này có từ năm 1954, người Cơ Tu chỉ để mình ảnh Bác thôi. Họ không nói rằng mình thờ Bác, nhưng họ quý Bác, họ cho rằng chỉ có Bác là được xứng đáng ở đó thôi nên hàng ngày cũng có ảnh Bác ở đó chứ không phải riêng ngày Tết”, già làng Briu Bhố cho hay.
Bà con Cơ Tu hát, múa bên nhà Gươl (Ảnh: Ngọc Hà). |
Cuộc sống của người dân Cơ Tu dọc dãy Trường Sơn ngày càng khấm khá. Bà BNuớh Đói (75 tuổi) ở xã Bha Lê, huyện Tây Giang cho biết, bà con Cơ Tu ở đây không còn thiếu ăn, thiếu mặc như trước. Bản, làng đổi thay nhanh chóng với nhiều ngôi nhà mới, đường bê tông sạch sẽ. Bây giờ người Cơ Tu cũng ăn Tết như người đồng bằng, nhất là ở vùng có nhiều người Kinh cùng sống. Tết đến, người Cơ Tu không quên câu hát lý ở nhà Ghươil.
Trong niềm vui xuân mới, bên ánh lửa bập bùng cùng tiếng cồng chiêng rộn rã, bà con người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam quây quần dưới mái nhà ở Gươl. Những câu hát lý lại vang vọng giữa núi rừng Quảng Nam: “Đến tết, chúc xóm làng, con cháu mình mạnh khỏe, dồi dào sức khỏe, không ai đau ốm. Con cháu mình được học, được làm việc tốt”.
Đầu năm mới, người Cơ Tu sống dọc dãy Trường Sơn cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp hơn./. Tết Nguyên đán cũng là Tết của đồng bào Giáy