Bác sĩ đồng quê

Đây là cái tên trìu mến mà bà con nông dân gọi bác sỹ Vũ Chí Thuận (xã Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam) bởi sự tận tâm của ông với các bệnh nhân

Địa chỉ của bệnh nhân nghèo

Tìm nhà bác sĩ Vũ Chí Thuận không khó. Phòng khám của ông nằm ngay trung tâm xã Liêm Cần. Hỏi người dân trong vùng, ai cũng biết vì đây là “địa chỉ tư vấn, khám sức khỏe miễn phí”. Ngồi ở phòng khám, chứng kiến cảnh người bệnh vào ra tấp nập, càng cảm phục hơn tấm lòng của người “bác sĩ đồng quê” này.

Đến quá trưa, ông tranh thủ tiếp khách: “Công việc của tôi là vậy. Là thầy thuốc, tôi luôn tâm niệm sống thì phải cống hiến. Nếu không giúp được cho ai đó thì sống phỏng có ích gì”.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ khi còn nhỏ, ông đã khao khát được học nghề y để chữa bệnh cứu người. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, ông về làm việc tại Bệnh viện Phòng chống lao Kim Thanh (Phủ Lý). Từ năm 1981 - 1998, ông làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Liêm.

Năm 1998, tuy đã nghỉ hưu nhưng người bệnh vẫn tìm đến nhà ông để được khám bệnh. Vậy là “máu nghề” cứu người lại thôi thúc ông làm việc. Khi Sở Y tế Hà Nam cho phép mở phòng khám, bác sĩ Thuận dành toàn bộ lương hưu của mình xây dựng phòng khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Suốt gần 10 năm mở phòng khám, ông đã khám chữa bệnh miễn phí cho khoảng 4.000 lượt người (bệnh nhân đa số là người già và trẻ em).

Bài ca về lòng nhân ái!

Cứ hai năm một lần, bác sĩ Thuận lại phối hợp với trạm y tế các xã đến từng thôn theo dõi, khám bệnh cho gần 1.000 người cao tuổi. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu tài liệu, viết sách, tổ chức các buổi nói chuyện cho người già và trẻ em nông thôn. “Từ ngày được bác sĩ Thuận chăm sóc, tư vấn sức khỏe, các cụ trong hội đều thấy vui vẻ, bệnh tật được đẩy lùi”, bà Nguyễn Thị Hoa, Hội Người cao tuổi xã Liêm Tiết nói.

Nay đã ở cái tuổi 74, dù lưng đã mỏi, gối đã chùn nhưng ông vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi. Ông bảo, còn sống ngày nào thì phải giúp ích cho xã hội ngày ấy. Ông tham gia Hội Chữ thập đỏ, số tiền lương ít ỏi mỗi năm ông dồn để thành lập quỹ khuyến học và giúp đỡ trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, người tàn tật.

Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Thuận không giấu được cảm xúc khi nhớ lại kỷ niệm xưa: Đó là ngày 10/4/2004, ông được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tặng quà và kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp chăm sóc người cao tuổi Việt Nam”.

Đang nói chuyện với ông, uống chưa hết cốc trà thì có người làng bên gọi điện có cháu bé lên cơn co giật cần cứu giúp. Bác sĩ Thuận lại vội vã cầm túi “đồ nghề” và dắt chiếc xe đạp lao đi trong giá rét.

Khi viết những dòng này, tôi lại nhớ lời của bà Vũ Thị Tuyết, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm: “Nói thế nào về ông cũng không đủ. Những công việc ông làm đã là một bài ca về lòng nhân ái!”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên