Quản lý Blog:

Bài 1: Blog cá nhân- lợi và hại

Tính chất mở, thân thiện, thiếu tính bảo mật thông tin nên người dùng blog phải đối diện với rất nhiều nguy cơ…  

Những trang thông tin cá nhân blog trên Internet giúp các cá nhân truyền tải, trao đổi, chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng. Việc ra đời blog đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ sử dụng Internet cao trên thế giới chỉ trong 10 năm. Tuy nhiên, với những thông tin chưa được kiểm soát chặt chẽ trước khi đăng tải, thì vô hình chung, blog lại trở thành công cụ truyền tải những thông tin không lành mạnh, ảnh hưởng đến nhận thức và sự hình thành nhân cách của người sử dụng, nhất là giới trẻ.

Yahoo! 360 Plus được coi là một mạng xã hội có số lượng thành viên đông đảo nhất ở Việt Nam

Nghe thêm âm thanh tại đây

 

Mạng xã hội xuất hiện đầu tiên vào năm 1995 và trang Classmate ra đời với mục đích kết nối bạn đọc. Trong 1 thời thời gian ngắn trang này đã có 50 triệu thành viên. Ngay sau đó, hàng loạt trang khác được lập ra với mục đích giao lưu kết bạn dựa theo sở thích, với nhiều tính năng như chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ file, blog và xã luận. Mạng xã hội nhanh chóng phát triển, trở thành trào lưu khắp thế giới .

Hiện nay, ở Việt Nam Yahoo! 360 Plus được coi là một mạng xã hội có số lượng thành viên đông đảo nhất, tiếp đến là MySpace và Facebook. Bên cạnh những trang nguồn gốc nước ngoài, còn có nhiều trang xuất xứ trong nước như thegioiblog.com, thehetre.vn, vietspace.net, phunu.net…

Bạn Chu Thị Huyền, sinh viên năm thứ nhất trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, cho rằng: Trong điều kiện cuộc sống bận rộn, không phải lúc nào bạn bè cũng có thời gian gặp gỡ thì blog là nơi thuận tiện để trao đổi, chia sẻ thông tin, giao lưu, kết bạn. Bạn Huyền nói: “Tôi thấy qua blog có thể làm quen với rất nhiều bạn, giúp trao đổi thông tin. Có những blog nói về thần tượng, blog nói về chuyên môn như các thầy cô giáo có thể hỏi bài trực tiếp. Trong blog của tôi có nhiều mục: mục tâm sự riêng, mục học tập để cùng trao đổi học tập với các bạn, có những mục nói về thần tượng nữa”.

Tuy nhiên, tính chất mở và tương đối thân thiện cùng sự thiếu tính bảo mật thông tin cá nhân của blog khiến người dùng phải đối diện với rất nhiều nguy cơ như bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động lừa đảo, bị các đối tượng đưa vào những thông tin sai sự thật, không lành mạnh. Điển hình như, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều cảnh nóng của các nữ sinh được tung lên blog, hay mới đây nhất là việc Blogger Cô gái Đồ Long, tên thật là Lê Nguyễn Hương Trà đưa những thông tin sai sự thật về một cá nhân lên blog của mình. Nhiều blog cũng bị những link nhiễm vi rút, link của các mạng đồi truỵ xâm nhập. 

Bạn Phạm Quang Hưng, nhân viên Công ty Điện lực Hà Nội cho rằng: “Mình thấy chẳng có gì xấu cả, chỉ do con người làm xấu nó mà thôi. Những người có khả năng “up” những bài đó lên thì hãy kiểm duyệt nó cẩn thận trước khi đăng lên, vì thực tế nhiều scandal bắt đầu từ đó ra cả. Nghiêm cấm đưa những hình ảnh, thông tin xấu lên mạng, nó không được trong sạch, nhưng tại sao những thông tin đó vẫn đưa lên được. Do vậy, để quản lý được họ khó lắm, vì đó là cả 1 quá trình”.

Khởi nguồn của blog là trang thông tin cá nhân nhưng khi thông tin được chia sẻ cho nhiều người thì blog không đơn thuần mang tính chất riêng tư. Hơn nữa, những nội dung mà cá nhân bình luận trên blog lại không thể kiểm soát và có khả năng lan truyền với tốc độ “chóng mặt”. Mà một khi thông tin không được kiểm duyệt, không biết đúng, sai thế nào thì bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của blog.

Theo ông Nguyễn Ngọc Oanh, Phó trưởng khoa Quan hệ Quốc tế Học viện Báo chí và Tuyên truyền, điều quan trọng là bản thân người dùng cần có cách nhìn nhận và sử dụng đúng mạng xã hội nói chung và blog nói riêng. Ông Oanh dẫn chứng về nhiều trang diễn đàn sinh viên tổ chức làm từ thiện xây dựng tủ sách, ủng hộ đồng bào lũ lụt, ủng hộ người nghèo. Đây chính là những hoạt động cho thấy mạng xã hội ảo cũng có những đóng góp rất thực cho cuộc sống. Vấn đề là ý thức của người sử dụng.  

Ông Nguyễn Ngọc Oanh nói: “Rất nhiều blogger đang làm việc như “cogaidolong”, tức là đưa, phát tán những thông tin họ không kiểm chứng được, không có rõ nguồn gốc, như vậy sẽ vi phạm về quản lý, đưa thông tin trên mạng Internet của Chính phủ Việt Nam. Trang thông tin chính thống (báo chí) được cấp phép của nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật, báo chí có chức năng phản ánh toàn bộ hoạt động xã hội và hoạt động của bloger. Những thông tin họ đưa lên là một trong những sự kiện, sự việc, vấn đề nảy sinh trong cuộc sống mà báo chí có trách nhiệm định hướng dư luận xã hội”.

Tham gia thế giới blog gồm nhiều người có trình độ khác nhau, thông tin trao đổi cũng đa dạng. Vấn đề là làm sao hạn chế tối đa hoạt động của blog độc hại. Rõ ràng, quản lý Blog không đơn thuần là biện pháp kỹ thuật mà cần có sự kết hợp với đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhận thức và đạo đức của người sử dụng để cho họ có trách nhiệm khi đưa những thông tin đến với cộng đồng, xã hội./.

Bài 2: Phải bắt đầu từ nhận thức người sử dụng

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên