Bài 2: Tác động bên ngoài hay quản lý chưa hiệu quả
Ý kiến của các cơ quan chức năng về các giải pháp bình ổn giá thuốc
>> Bài 1: Giá thuốc tiếp tục tăng
>> Đói ăn rau, đau uống thuốc
Thuốc chữa bệnh cũng là một loại hàng hoá, nhưng là hàng hoá đặc biệt phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Doanh nghiệp nhập khẩu hay sản xuất thuốc đều phải tính đến những yếu tố thị trường, trong đó tỷ giá đồng USD có tác động không nhỏ. Vì thế, khi tỷ giá này tăng, thì giá nguyên liệu nhập khẩu, thuốc nhập khẩu cũng khó tránh khỏi việc tăng lên. Tuy nhiên, khâu quản lý chưa hiệu quả mới thực sự đáng lo ngại. Việc tăng giá trên thị trường dược phẩm theo kiểu “té nước theo mưa”, doanh nghiệp và chủ nhà thuốc tự ý tăng giá để thu lợi nhuận riêng, thực tế không phải đến thời điểm này mới có.
Tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XII, đang diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu cũng thể hiện nhiều băn khoăn về quản lý giá thuốc. Đại biểu Nguyễn Thị Mai, đoàn Tây Ninh cho rằng, chúng ta đã có Luật Dược, giao trách nhiệm cho Bộ Y tế cùng một số Bộ, nhưng việc quản lý giá thuốc vẫn hết sức khó khăn, giá nhiều loại thuốc cao, ảnh hưởng đến việc chữa bệnh của nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai nói: “Chúng ta có Luật dược năm 2005, giao cho Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý giá thuốc. Những ngày qua tăng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân. Ai là người phải chịu trách nhiệm. Tôi đề nghị Quốc hội sơ kết việc thực thi Luật dược như thế nào. Tôi kiến nghị Chính phủ sớm có lộ trình quy định vấn đề đấu thầu, nhập khẩu và phải có thanh tra, kiểm tra toàn diện, để từ đó có biện pháp xử lý mạnh tay”.
Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: bên cạnh nguyên nhân tỷ giá đồng USD tăng, thì nguyên nhân khiến doanh nghiệp đẩy giá thuốc lên còn do giá đường tăng, vì thuốc sử dụng đường tương đối nhiều và việc quản lý chưa hiệu quả, dẫn đến một số doanh nghiệp tự ý tăng giá, rồi đổ lỗi cho tỷ giá ngoại tệ. Riêng với trường hợp người bán thuốc không bán đúng giá quy định, không niêm yết công khai giá thuốc, thì đã tồn tại từ lâu. Cuối cùng, người bệnh vừa phải chịu nỗi đau bệnh tật, vừa chịu giá thuốc cao. Đặc biệt là những người nghèo, người thu nhập thấp gánh chịu nhiều khó khăn nhất.
Ông Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh, giá thuốc cần công khai minh bạch, không thể mập mờ để những người trung gian hưởng lợi, còn người dân chịu thiệt. Hiện nay, có một số loại thuốc, giá cả nằm ngoài tầm kiểm soát như thuốc nhập ngoại, thuốc biệt dược có đặc tính nổi trội…, chủ yếu do nhà cung cấp đặt giá. Cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh không để một số đơn vị liên kết tạo ra tính “độc quyền” về giá thuốc.
Ông Nguyễn Văn Tiên cho biết, các cơ quan chức năng đang tìm biện pháp để siết chặt quản lý giá thuốc, trong đó cũng rất quan tâm đến vấn đề đấu thầu thuốc vào bệnh viện: “Thứ nhất là ban hành thông tư về mức độ thặng dư nhằm góp phần hướng dẫn quy định Luật dược về công bố giá tối đa, theo quy định này thuốc nhập vào Việt Nam 1 chỉ được phép bán 1,2- 1,3 hay 1,5 bao gồm tất cả các lọai chi phí, thuế. Như vậy nó sẽ góp phần làm giá thuốc minh bạch hơn. Đồng thời Bộ Y tế và các ngành chức năng cũng đang thí điểm đấu thầu quốc gia một số mặt hàng cho thống nhất như đấu thầu 1 số loại thuốc sử dụng phổ biến thì sẽ đấu thầu ở mức độ quốc gia sau đó các bệnh viện cứ quy định giá đó để mua”.
Trước những bức xúc về tình hình giá thuốc tăng từ đầu tháng 10 đến nay, vừa qua, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh quản lý giá thuốc. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm tiết kiệm chi phí sản xuất, đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác phòng, chữa bệnh cho các cơ sở khám chữa bệnh và nhu cầu sử dụng của nhân dân, hạn chế tối đa việc tăng giá thuốc, đảm bảo bình ổn giá thuốc chữa bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó trưởng Phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược cho biết: các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc, đặc biệt đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, tăng giá thuốc khi chưa tiến hành kê khai lại theo quy định sẽ bị xử lý nghiêm. Ông Nguyễn Thành Lâm nói: “Đối với Sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường tổ chức và phối hợp trong việc thanh tra, kiểm tra, về chấp hành quy định về quản lý giá thuốc. Cách chức, cá nhân vi phạm quản lý giá thuốc, đặc biệt là hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức hoặc tăng giá khi chưa tiến hành kê khai theo quy định cần xử lý nghiêm các hành vi này. Các doanh nghiệp sản suất, kinh doanh dược phẩm Cục cũng đã chỉ đạo nhằm hạn chế tối đa tình trạng tăng giá thuốc để bình ổn thị trường thuốc chữa bệnh. Đồng thời phải ưu tiên cho các cơ sở khám chữa bệnh và các địa điểm bán lẻ để phục vụ trực tiếp cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân”.
Có thể nói rằng, bên cạnh những chính sách lớn để bình ổn giá thuốc, thì việc siết chặt công tác quản lý giá thuốc, tăng cường kiểm tra đối với các vi phạm trong lĩnh vực dược phẩm cần được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện thường xuyên với tinh thần trách nhiệm cao./.