Bánh cổ truyền ba miền ngày Tết

VOV.VN -Bánh chưng, bánh tét hay mâm ngũ quả là những thứ chưa bao giờ có thể thiếu trên bàn thờ, mâm cỗ mỗi gia đình ba miền ngày Tết. 

Đâu đó trên các con phố, ngõ nhỏ đã thoang thoảng mùi hương trầm ấm áp, nàng Xuân sắp gõ cửa, chả mấy chốc mà mai, đào, quất rộn ràng xuống phố, nhà nhà người người lại chuẩn bị tất bật sắm một cái Tết đủ đầy.

Cu kêu ba tiếng cu kêu,

Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè.

Văn hóa ẩm thực đón Tết của người Việt vô cùng phong phú, mỗi miền lại có những đặc trưng riêng biệt. Hình ảnh cây nêu, tràng pháo bây giờ đã dần vắng bóng nhưng bánh chưng, bánh tét hay mâm ngũ quả là những thứ chưa bao giờ có thể thiếu trên bàn thờ, mâm cỗ mỗi gia đình ba miền ngày Tết. Ẩm thực truyền thống người Việt được đúc kết từ tinh hoa văn hóa, tín ngưỡng, từ những nguyên liệu gắn bó với mỗi gia đình hàng ngày và đã tồn tại hàng ngàn năm nay.

Hình ảnh đặc trưng nhất ngày Tết là bánh chưng và bánh dày. Người xưa tin rằng vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Từ đó lấy gạo nếp làm nguyên liệu chính cùng với đỗ xanh và thịt mỡ làm nhân, bánh được gói hay trang trí với lá dong hoặc lá chuối, và luộc trong ít nhất mười tiếng đồng hồ. 

Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng cho Đất, cho Mẹ. Bánh dày hình tròn, màu trắng, tượng trưng cho Trời, cho Cha. Bánh chưng, bánh dày là thức ăn trang trọng nhất được đặt lên bàn thờ ngày Tết để cúng Tổ tiên, tri ân nguồn cội, nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục bao la như trời đất của Cha Mẹ. 

Gói bánh chưng

Ngày nay để phù hợp với vị giác và thị giác từng người, từng vùng miền thì bánh chưng được biến tấu dưới nhiều hình thức khác nhau như bánh tét được người miền Trung và miền Nam ưa chuộng, bánh chưng chay, bánh chưng gấc… 

Bánh tét

Ngược lên miền Tây Bắc, ngày tết của người Thái Tây Bắc không thể thiếu bánh “khẩu tủm hík”, “khẩu tủm đăm” và “khẩu cộp”. Đây là những loại bánh truyền thống, không chỉ thơm ngon bổ dưỡng, mà còn gói ghém cả tình người sâu nặng. Các loại bánh này đều có điểm chung là dùng gạo nếp mới đã được chọn lựa kỹ, nhân bằng đỗ nho nhe, thịt lợn ba chỉ cùng các loại gia vị, mà một trong những loại không thể thiếu là hạt xẻn – “mák khén”, một loại hạt tiêu rừng rất thơm và cay, gói trong lá dong xanh.

Bánh “khẩu tủm hík” được gói bằng gạo nếp trắng, tròn và dài như bánh tét của người miền xuôi, còn bánh “khẩu tủm đăm” lại phải ngâm gạo với than của cây “Co xổm pột”, một loại cây cho quả chua để tạo mầu đen và tăng độ thơm ngon. 

Bánh “khẩu tủm hík”

Riêng bánh “khẩu cộp” được gói giống như bánh tẻ, nhưng buộc từng đôi vào nhau như đôi tay khum khum ủ lửa.

Bánh “khẩu cộp”

Gạo nếp nương, đỗ, gia vị trên nền lá dong xanh thắm, như sự sống của muôn loài đang rạo rực sinh sôi, như đất trời Tây Bắc mùa xuân mơn mởn lộc non, thơm ngát hương hoa ban, hàm chứa nguyên lý âm dương ngũ hành, khát vọng một cuộc sống ấm no hạnh phúc. 

Mâm cỗ cúng Tết của người miền Trung ngoài bánh chưng thì thường có bánh in, bánh thuẩn, xứ Quảng có thêm bánh tổ...

Bánh in  phổ biến nhất ở Bình Định trong những ngày lễ, Tết, hầu như gia đình nào cũng có bánh in trên bàn thờ gia tiên. Bánh được làm từ gạo nếp xay mịn, sau đó mang đi phơi sương cho độ ẩm thích hợp, trộn đều cùng đường cát và đậu xanh, ép vào khuôn thật khéo, sau đó mang phơi sương hoặc nướng trên than củi, từ đó tạo nên những chiếc bánh thơm ngon nhâm nhi với trà của mảnh đất miền Trung.

Bánh in 

Với người dân Quảng Nam thì bánh tổ là loại bánh dành cho ngày Tết. Nguyên liệu chính gồm có nếp, đường, hạt mè và gừng. Khuôn bánh tổ thường đan bằng tre trông như cái rọ, lá chuối được chọn lựa cẩn thận cắt ra lót vào trong khuôn. Bánh được gói lại và dùng tăm tre ghim kín các mép lá. Bánh được người dân địa phương dâng cùng tổ tiên, tạ ơn trời đất.

Bánh tổ

Cùng với bánh tét, dưa món, chân giò hầm măng... bánh thuẫn là món bánh để đãi khách trong những ngày Tết của người miền Trung, đặc biệt là người dân Huế. Bánh được làm từ trứng vịt, bột huỳnh tinh, đường cát trắng và bột nở, sau đó cho vào khuôn gang rồi đem nướng trên than hồng. Bánh nở bung ra như hoa mai, đậm chất ngày Tết, vàng ươm và thơm ngon. 

Bánh thuẫn

Dọc ba miền đất nước còn rất nhiều loại bánh mang dấu ấn riêng của từng nơi, đặc điểm chung của hầu hết các loại bánh là nguyên liệu đều là những thứ gần gũi nhất với cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Tuy vậy, mỗi loại lại có một hương vị riêng, chứa đựng tấm lòng của những người mẹ, người phụ nữ, góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình, với quê hương, với đất nước, góp phần tạo nên nét đa dạng trong văn hóa ẩm thực Việt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên