Bệnh tay chân miệng có chiều hướng gia tăng

Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 6.100 trường hợp đã mắc bệnh tay– chân – miệng tại 30 địa phương.  

Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 6.100 trường hợp mắc bệnh tay – chân – miệng tại 30 địa phương, trong đó có 17 trường hợp tử vong. Các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh và Bến Tre triển khai biện pháp ngăn chặn dịch bệnh này.

Đến tại thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có 1800 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 12 trường hợp tử vong. Hiện tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị 232 trường hợp (chiếm hơn 30% số bệnh nhân) mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại các trung tâm y tế của tỉnh, trong đó có 3 ca cấp độ 3 và 4 ca cấp độ 4. Trước tình hình diễn biến bệnh tay chân miệng vẫn còn diễn biến phức tạp.

Hiện bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã lây lan ra tất cả các huyện, thị trong địa bàn tỉnh và chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở các nhà trẻ, mẫu giáo. Từ đầu năm đến nay, Tây Ninh đã có 270 ca nhiễm bệnh. Các ca mắc bệnh tập trung nhiều nhất ở các huyện Châu Thành (46 ca), Trảng Bảng (38 ca), Hòa Thành và Gò Dầu (30 ca).

So với cùng kỳ năm 2010, số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng khoảng 30%. Số ca nhiễm mới có chiều hướng gia tăng trong tháng 6/2011. Riêng tuần vừa qua, có thêm 32 ca nhiễm mới.

Ông Nguyễn Văn Kể- Phó trưởng khoa Y tế dự phòng- Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Tây Ninh cho biết: “Trước tình hình bệnh tay chân miệng xảy ra thì chúng tôi tăng cường hệ thống truyền thanh giáo dục sức khoẻ. Hằng ngày, hàng tuần trên đài trực tiếp nói chuyện với cộng đồng để mà nâng cao ý thức người dân. Chúng tôi tăng cường hệ thống giám sát ở tuyến dưới từ tuyến thị đến xã phường đến cộng tác viên khu phố để nắm chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh”.

Hiện nay, tại tỉnh Bến Tre tình hình dịch tay chân miệng vẫn diễn ra phức tạp. Đa số các bệnh nhân dưới 5 tuổi. Nguyên nhân số bệnh nhân tăng cao do ảnh hưởng chung của việc lây lan tại các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó, người dân thiếu thông tin, chủ quan về bệnh và việc vệ sinh tiêu độc, phun thuốc khử trùng chưa được quan tâm đúng mức. Việc các em tập trung tại các điểm vui chơi giải trí, hồ bơi, sân thể thao… vào dịp hè cũng là một điều kiện thuận lợi để bệnh lây lan.

Trước tình hình dịch bệnh đang lan rộng, đặc biệt hiện nay bệnh tay – chân – miệng là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh, nên người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh mà ngành Y tế khuyến cáo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên